Đề xuất trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thanh tra Chính phủ đang dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trụ sở Thanh tra Chính phủ
Trụ sở Thanh tra Chính phủ

Thanh tra Chính phủ đề xuất, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, Nghị định của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và các quy định của Thông tư này.

Theo đó, trước khi ban hành Quyết định thanh tra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra) chỉ đạo thu thập thông tin để phục vụ cho việc ban hành Quyết định thanh tra.

Việc thu thập thông tin được thực hiện như sau: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra cung cấp thông tin theo Đề cương yêu cầu cung cấp thông tin. Khi được người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra đồng ý bằng văn bản thì người được giao thu thập thông tin làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến là đối tượng thanh tra.

Người được giao thu thập thông tin có trách nhiệm báo cáo kết quả thu thập thông tin bằng văn bản với người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra.

Dự thảo nêu rõ, người có thẩm quyền ban hành Quyết định thanh tra phân công người dự kiến là Trưởng đoàn thanh tra xây dựng văn bản đề xuất cụ thể nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn, thời gian tiến hành cuộc thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra và chuẩn bị dự thảo Quyết định thanh tra. Căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật Thanh tra, Báo cáo kết quả thu thập thông tin, tài liệu và văn bản đề xuất của người dự kiến là Trưởng đoàn thanh tra, Người có thẩm quyền ban hành Quyết định thanh tra và chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra.

Thời hạn thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật. Trường hợp do đặc thù của hoạt động thanh tra chuyên ngành cần bảo đảm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm thì việc thanh tra được thực hiện trong cả ngày nghỉ và được tính vào thời hạn thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn thanh tra bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung công việc, thời gian thực hiện, thời hạn báo cáo.

Thành viên Đoàn thanh tra phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn được giao và báo cáo Trưởng đoàn thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ được giao ngay sau khi hoàn thành.

Trong trường hợp có vấn đề phát sinh ngoài nhiệm vụ được giao hoặc cần phải được xử lý ngay thì thành viên Đoàn thanh tra phải báo cáo với Trưởng đoàn thanh tra để xem xét, quyết định.

Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Người ra quyết định thanh tra theo tiến độ được xác định trong kế hoạch tiến hành thanh tra hoặc theo yêu cầu của Người ra quyết định thanh tra.

Báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của Trưởng đoàn thanh tra được gửi cho người thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

Về ban hành kết luận thanh tra, căn cứ Báo cáo kết quả thanh tra, Báo cáo kết quả thẩm định và ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, Người ra quyết định thanh tra chỉ đạo hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra, ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

Dự thảo nêu rõ, một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước. Trong quá trình thanh tra, đối với các nội dung đã được kiểm tra, xác minh, đủ cơ sở để kết luận, Trưởng đoàn thanh tra xây dựng báo cáo kết quả thanh tra về nội dung này và xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, trình người ra quyết định thanh tra xem xét, ban hành.

Trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận sửa đổi, bổ sung, thay thế một phần hoặc toàn bộ kết luận thanh tra khi có căn cứ cho thấy kết luận thanh tra không bảo đảm đầy đủ, chính xác, khách quan, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trường hợp kết luận thanh tra có nội dung bí mật nhà nước thì Người ra quyết định thanh tra phải xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước.

Đọc thêm