Thông tin tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 25/11, ông Nguyễn Thanh Huyên, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) cho biết, đến hết năm 2018, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản (NTTS) cơ bản được thực hiện theo quy định về giao đất có mặt nước ven biển, giao mặt nước biển để NTTS của Luật Thủy sản năm 2003 và Luật Đất đai năm 2003. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng mã số vùng nuôi cho lĩnh vực thủy sản.
Tuy nhiên, thực tế theo số liệu báo cáo của Sở TN&MT các địa phương có biển, đến hết tháng 12/2022, việc giao khu vực biển để NTTS vẫn còn chậm, hầu như các địa phương chưa giao được khu vực biển nào để NTTS.
"Nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao khu vực biển để NTTS như tỉnh Quảng Ninh có 1.354 tổ chức/cá nhân, tỉnh Khánh Hòa có 1.467 tổ chức/cá nhân, tỉnh Ninh Thuận có 105 tổ chức/cá nhân đã sử dụng khu vực biển nhưng chưa được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật về thủy sản và pháp luật về giao khu vực biển” - đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam thông tin.
“Điều này gây ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và nuôi biển, dẫn đến thất thu cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về biển, hải đảo…” - ông Huyên đánh giá.
|
Về các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa ra 7 vấn đề tổng thể, tham mưu cho Quốc hội phê duyệt “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Trước hết, tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ hai, chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng.
Thứ ba, phát triển NTTS trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển NTTS quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Thứ tư, phát triển nuôi trồng vi tảo, rong biển phục vụ nhu cầu thực phẩm và cung cấp nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác (mỹ phẩm, dược phẩm,...). Nuôi trồng thủy sinh vật làm cảnh, giải trí, đồ mỹ nghệ, dược phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thứ năm, khuyến khích phát triển các mô hình NTTS áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành NTTS tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Thứ sáu, nâng cao năng lực quản lý và sản xuất NTTS theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất giống, vật tư thủy sản, phòng trừ dịch bệnh NTTS.
Cuối cùng là giải pháp phát triển sinh kế bền vững của cộng đồng ngư dân gắn với NTTS, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí, giảm dần cường lực khai thác bảo đảm phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.
|
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề xuất xây dựng 4 vùng không gian ven biển phục vụ nuôi trồng thủy sản |
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa ra kiến nghị xây dựng 4 vùng không gian ven biển cho hoạt động NTTS.Cụ thể bao gồm: Vùng ven biển và biển khu vực Đồng bằng sông Hồng; Vùng ven biển và biển khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (Vùng biển Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ); Vùng ven biển và biển khu vực Đông Nam bộ; Vùng ven biển và biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam bộ).
Đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng kiến nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển cần xác định rõ khu vực NTTS ven biển, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương có biển sớm tổ chức việc phân định ranh giới hành chính trên biển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ là sớm phê duyệt Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để NTTS; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để NTTS vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân đang NTTS trên biển nhưng chưa được giao khu vực biển thực hiện thủ tục.
Đặc biệt, cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng khu vực biển và xem xét, ưu tiên phân bổ nguồn lực tài chính cho các hoạt động phục vụ công tác giao, quản lý sử dụng khu vực biển, trong đó có NTTS trên biển.
Lắng nghe ý kiến từ phía đại diện Bộ TN&MT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị xem xét về công tác xây dựng quy hoạch và tổ chức thực thi tại các địa phương.
Qua đó, Thứ trưởng đề xuất Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan để giảm bớt thủ tục hành chính cũng như đưa các quy định đến được với người dân.