Đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh khu kinh tế, khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có bề dày hơn 30 năm phát triển và đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội song đến nay các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật…
Các chuyên gia chỉ ra các nút thắt trong phát triển KKT, KCN. (Ảnh: Thanh Thanh)
Các chuyên gia chỉ ra các nút thắt trong phát triển KKT, KCN. (Ảnh: Thanh Thanh)

Nhận diện “nút thắt”…

Cùng với các chủ đề quen thuộc về quản lý đất đai và đầu tư công, phát triển khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) là vấn đề khá mới được đề cập tại Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN)”.

Sự kiện do KTNN tổ chức sáng 18/10 với mục tiêu làm rõ các vấn đề đặt ra từ kết quả kiểm toán, nhận diện những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt, từ đó tìm giải pháp có tính khả thi cao giúp Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những nút thắt.

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển KKT, KCN, CCN: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của KTNN”, Phó Tổng KTNN Bùi Quốc Dũng nhận định, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,24%, khiến cho mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn.

Điều này đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải chung tay tháo gỡ những nút thắt, tìm ra những động lực mới để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo Báo cáo của bộ KH&ĐT, đến tháng 12/2022, cả nước đã hình thành hệ thống 407 KCN (tính cả 04 khu chế xuất) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 86.208 ha, trong đó có 292 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đã cho thuê 45.323 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72% và 115 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản. Cùng với đó là 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 766.000 ha; 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha.

“Một trong những giải pháp đó là tăng cường thúc đẩy phát triển các KKT, KCN, CCN. Từ đó, thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế, chính sách mới kỳ vọng tạo đột phá…” - Phó Tổng KTNN Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh.

Ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ KH&ĐT cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều “nút thắt” trong phát triển KCN, KKT đang hiện hữu trong thực tế.

Đại diện Bộ KH&ĐT đã chỉ ra 8 nút thắt lớn nhất trong phát triển KKT, KCN liên quan đến: Thể chế, chính sách; Chất lượng, hiệu quả quy hoạch; Loại hình; Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư; Phát triển bền vững: Hiệu quả sử dụng đất; Nguồn vốn; Tổ chức bộ máy.

8 nút thắt này gần như tương đồng với 8 nút thắt mà TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II chỉ ra dưới góc độ kiểm toán. Đó là: Quy hoạch; Hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ; Liên kết vùng; Lao động và an sinh xã hội cho người lao động; Môi trường; Sự khác biệt về chính sách ưu đãi với các địa phương; Hiệu quả sử dụng đất; Tuân thủ trong thực thi chính sách.

Năm 2022, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN chỉ ở mức 57,2%. (Ảnh minh họa)

Năm 2022, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN chỉ ở mức 57,2%. (Ảnh minh họa)

Sự khập khiễng trong chính sách

Nhấn mạnh nút thắt thể chế, đại diện Bộ KH&ĐT đánh giá, thể chế, chính sách về KCN, KKT chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các khu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, tính pháp lý về quy định khung đối với KCN, KKT chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động KCN, KKT chưa có sự thay đổi căn bản, mới dừng lại ở cấp Nghị định. Trong khi đó, hoạt động của KCN, KKT liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động…

Phân tích thêm về vấn đề này, đại diện KTNN cho rằng, vì Nghị định là văn bản QPPL cao nhất để quản lý các KKT, KCN trong khi các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, về đầu tư, đất đai, công tác bảo vệ môi trường được quy định tại các Luật chuyên ngành, dẫn đến bất cập giữa các văn bản QPPL điều chỉnh các hoạt động quản lý tại các KKT.

“Theo quy định pháp luật về đầu tư, KKT, KCN là địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực không được hưởng ưu đãi. Vì vậy, chính sách ưu đãi đầu tư ít có sự khác biệt giữa dự án đầu tư trong và ngoài KCN trên cùng địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giữa dự án trong và ngoài KKT trên cùng địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…” - TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II dẫn chứng

Với những bất cập, nút thắt trong phát triển KKT, KCN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội ông Bùi Đặng Dũng đặt vấn đề: Tại sao chưa bao giờ thấy Quốc hội giám sát chuyên đề về vấn đề này?

Cũng theo ông Dũng, để tháo gỡ các nút thắt phát triển các KKT, KCN vấn đề quan tâm đầu tiên là hoàn thiện khung pháp lý. “Trước đây chúng ta đã khởi thảo việc xây dựng Luật Đặc khu kinh tế, nhưng do tuyên truyền không tốt nên việc này đã dừng lại. Đã đến lúc phải xây dựng luật về các KKT, KCN!” - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội quả quyết.

Các địa phương và nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KKT, KCN vẫn tập trung phát triển theo "chiều rộng" thu hút mạnh nhà đầu tư thứ cấp mà chưa thực sự chú trọng phát triển theo "chiều sâu" hướng tới cơ cấu ngành nghề.

Các địa phương và nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KKT, KCN vẫn tập trung phát triển theo "chiều rộng" thu hút mạnh nhà đầu tư thứ cấp mà chưa thực sự chú trọng phát triển theo "chiều sâu" hướng tới cơ cấu ngành nghề.

Đọc thêm