Đề xuất xây dựng Luật Phát triển công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Bộ Công thương vừa trình dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp để lấy ý kiến nhân dân.
Đề xuất xây dựng Luật Phát triển công nghiệp

Công nghiệp phát triển chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa

Bộ Công thương cho biết, theo định hướng tái cơ cấu lớn của công nghiệp Việt Nam và theo chủ trương của Đảng và Chính phủ luôn là giảm tỷ trọng ngành khai khoáng và các ngành khác, phát triển công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian vừa qua công nghiệp phát triển chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa; chưa tận dụng được lợi thế của giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa, có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước.

Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP còn thấp so với các nước công nghiệp (16,7% so với 20-30%), phụ thuộc lớn và FDI, thiếu sự kết nối giữa FDI và doanh nghiệp trong nước, phụ thuộc lớn và nguồn cung nguyên liệu, vật liệu từ nước ngoài, tính tự chủ về nguyên vật liệu còn thấp. Năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam được cải thiện chủ yếu nhờ vào các chỉ số liên quan đến xuất khẩu, chứ không phải nhờ vào các chỉ số liên quan đến nội lực (giá trị gia tăng) của ngành công nghiệp.

Điều đáng lưu ý, cho đến nay, trong khi hầu hết các phân ngành công nghiệp còn lại đã có luật riêng để điều chỉnh, thì các hoạt động trong các ngành chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển lại chưa có luật riêng, dẫn đến thiếu một khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương, và giữa các bộ, ngành liên quan. Theo Bộ Công thương việc cần thiết hiện nay không phải là xây dựng một đạo luật về việc quản lý và phát triển chung cho tất cả các ngành công nghiệp (đặc biệt là trong bối cảnh khi các phân ngành công nghiệp còn lại đã có luật riêng điều chỉnh), mà cần xây dựng một đạo luật riêng với các cơ chế đặc thù cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Sáu nhóm chính sách lớn

Bộ Công thương cho biết, dự thảo Luật Phát triển công nghiệp sẽ quy định về các chính sách, hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp cơ bản, nền tảng tại Việt Nam - là các ngành phát triển dự theo lợi thế của quốc gia, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động theo định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị.

Dự thảo Luật tập trung giải quyết các vấn đề trong 6 nhóm chính sách lớn. Theo đó, chính sách 1, xác định rõ phạm vi của Luật Phát triển công nghiệp là chỉ điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên, gồm: Công nghiệp hỗ trợ; Công nghiệp điện tử (trừ các thiết bị thu phát sóng và công nghệ phần mềm); Công nghiệp cơ khí; Công nghiệp chế tạo phục vụ ngành năng lượng; Các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Chính sách 2: Nội dung này của Luật sẽ khắc phục tình trạng thiếu hiệu lực, hiệu quả, thiếu sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương, thiếu cơ chế và nguồn lực triển khai của các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà Chính phủ ban hành trong thời gian vừa qua.

Chính sách 3: Sẽ quy định các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp bao gồm: Phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp. Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp. Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Hỗ trợ cải tiến doanh nghiệp công nghiệp. Hỗ trợ xúc tiến, kết nối thị trường. Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp tiềm năng và doanh nghiệp dẫn đầu, thông qua chính sách khuyến khích mua bán và sáp nhập, phát triển thị trường quốc tế. Thành lập các Trung tâm cải tiến năng suất công nghiệp nhằm cải thiện năng suất sản xuất công nghiệp cho các doanh nghiệp….

Chính sách 4: Dự thảo quy định rõ phân cấp thẩm quyền trong quản lý đầu tư nước ngoài cũng như các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, trong đó kèm theo các điều kiện về công nghệ, nghiên cứu và phát triển; nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của dự án; nâng cao giá trị sản xuất trong nước và đẩy mạnh chuyển giao các công nghệ cao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ…

Chính sách 5: Quy định định hướng, nguyên tắc để Chính phủ ban hành các chính sách phát triển công nghệp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành công nghiệp.

Chính sách 6: Sẽ giải quyết việc phát triển công nghiệp theo cụm nhóm nhằm đạt tới sự đồng bộ tối đa nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, cung ứng cho sản phẩm cuối cùng, tạo điều kiện cho việc phân công lao động và chuyên môn hóa trong ngành cao hơn. Các doanh nghiệp trong cụm liên kết ngành có thể tạo nên chuỗi giá trị của một sản phẩm hoặc một cụm chi tiết từ khâu cung cấp nguyên liệu cho đến việc lắp ráp thành cụm chi tiết giao cho Tập đoàn lắp ráp. Một cụm công nghiệp như vây, ngoài các nhà sản xuất có thể bao gồm các nhà cung cấp vật liệu, các nhà thầu phụ và các nhà cung cấp, cho thuê tài chính máy móc thiết bị.../.

Đọc thêm