Cuộc đào tẩu thành công
Ngay sau khi vượt qua hàng rào kẽm gai trại giam rồi biến mất vào đêm tối, gã tội phạm ranh mãnh không vội chạy thục mạng để thoát thân mà nhanh chân lẩn ngay xuống sông Nậm Na để náu mình. Trong tiết trời lạnh tê buốt của miền Tây Bắc nhưng hắn vẫn cắn răng chịu trắng một đêm dưới nước trong cái rét tê tái ấy để không bị phát hiện và bắt lại.
Đến gần sáng, hắn lợi dụng màn sương mù dày đặc mò lên bờ rồi trốn lên núi. Bằng kinh nghiệm học lỏm của một số đồng bào đi rừng, hắn biết cắt góc phương hướng tìm đường ra quốc lộ 6, từ đó đi nhờ một chiếc xe tải chạy về Tuần Giáo sau đó trốn về Thái Nguyên. Sở dĩ hắn trốn về Thái Nguyên ẩn náu bởi nơi đây còn là “quê hương thứ hai” của hắn.
Bố hắn có hai người vợ, hắn là con thứ út bà vợ cả ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Bà vợ hai của bố hắn ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên và có 4 người con đều sinh sống ở đây. Biết chắc chắn nếu “mò” về đây, lực lượng công an sẽ truy tìm đến những địa chỉ họ hàng nên hắn chỉ tạt qua nhà xin ít tiền lộ phí rồi “lặn” một mạch vào bản vùng sâu giáp với Tuyên Quang để ẩn náu.
Bằng bản chất lì lợm vốn có, hắn nhanh chóng chiếm được cảm tình của một số “bưởng” vàng và được nhận vào làm ở một xã hẻo lánh giáp ranh giữa 2 tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Sau một thời gian, hắn kết hôn với một người phụ nữ ở địa phương và có 2 mặt con, 1 trai, 1 gái.
Mùa đông 25 năm trước
Tên tội phạm ranh mãnh đó chính là Nguyễn Xuân Phụng (SN 1960), thường trú ở xóm Đồng Mạc, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tuổi thơ của Phụng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh chị em ở xã Văn Lộc, huyện Lộc Hậu, tỉnh Thanh Hóa.
Đặc điểm nổi bật của Phụng đó là đôi mắt trũng sâu, khi nói chuyện hắn luôn nhìn thẳng vào người đối diện đầy thách thức đã trở thành “thương hiệu” lì lợm của Phụng. Chưa hết, với bản tính ngỗ nghịch, không muốn học, thích chơi bời lêu lổng nên chẳng mấy Phụng đã trở thành “đại ca” của đám thanh niên địa phương lười lao động, ham chơi.
Đầu năm 1988, chị gái Phụng đang làm công nhân tại Xí nghiệp Gạch Điện Biên đã đưa em trai lên Tây Bắc gửi vào làm công nhân tại một xưởng sản xuất vật liệu xây dựng. Không chịu nổi vất vả, Phụng bỏ làm và ở nhà “ăn bám” gia đình anh chị và nhanh chóng kết giao với một ổ nhóm chuyên đi trộm cắp tài sản của người dân quanh vùng.
Tháng 7-1988, CAH Điện Biên đã bắt quả tang Nguyễn Xuân Phụng cùng đồng bọn về hành vi trộm cắp tài sản và được di lý về tạm giam tại Trại giam Công an tỉnh ở xã Mường Tùng, huyện Mường Lay. Đến tháng 11-1988, TAND huyện Điện Biên đưa Nguyễn Xuân Phụng ra xét xử và tuyên phạt 9 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản.
Trong khi chờ thi hành án, ngày 12-12-1988, lợi dụng sơ hở trong công tác giam giữ phạm nhân, Nguyễn Xuân Phụng lập tức vượt tường trại bỏ trốn. Bắt đầu từ đây, cuộc đời của gã thanh niên Nguyễn Xuân Phụng bước sang những năm tháng đen tối với “chiến tích” vào tù ra tội.
Liên tục “dính chàm”
Đến tháng 4-1990, tức là chưa đầy 2 năm sau ngày chạy trốn, Nguyễn Xuân Phụng lại “dính chàm”. Lần này không phải là tội trộm cắp tài sản mà y gây chết người. Trong một lần hoạt động khai thác vàng tại địa bàn mà y ẩn náu, Phụng vô ý làm chết một công nhân và bị TAND huyện Đại Từ kết án 5 năm tù giam và bị đưa đi cải tạo tại Trại giam Phú Sơn, xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Cho đến ngày mãn hạn tù, vừa ra trại được vài tháng Nguyễn Xuân Phụng lại gây ngạc nhiên cho cán bộ quản giáo ở đây khi thấy y quay lại trại với bản án khác là 18 tháng tù giam về hành vi gây rối trật tự công cộng trong một vụ ẩu đả. Vào tù ra tội như cơm bữa, Nguyễn Xuân Phụng từ một kẻ trộm cắp nghiệp dư nhanh chóng trở thành một tay anh chị có số má. Rời Trại giam Phú Sơn được 2 tháng, 2 đứa con của Phụng đã theo mẹ vào Nam khiến y chán đời rồi dính vào ma túy.
Cho đến đầu năm 2000, trong đợt truy quét tội phạm của Công an tỉnh Thái Nguyên, Phụng bị bắt tại chân cầu Gia Bẩy về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Với tội danh này Phụng tiếp tục mặc áo tù với bản án 4 năm tù giam trong Trại giam Tân Lập, Phú Thọ. Ngày về với cuộc sống đời thường, chính Phụng đã từng thề trước cổng Trại giam Tân Lập rằng đây sẽ là lần cuối cùng vào trại giam.
Nuốt lời thề, tiếp tục vào trại
Nhưng ngày bước chân trở về với tự do cũng là ngày Phụng “bập” lại với ma túy. Sau nhiều năm sống dật dờ, làm “đệ tử” của “cái chết trắng”, đến Phụng cũng chẳng thể nhớ hết đã vào rồi lại ra Trại cai nghiện 06 huyện Đại Từ bao nhiêu lần nữa. Oái oăm cho Phụng khi lo thân còn chẳng xong thì bỗng dưng người vợ Nam tiến bỏ rơi mình năm xưa do làm ăn thua lỗ, tiêu hết tiền dành dụm đã “gửi” 2 con về để Phụng nuôi.
Phụng quyết định kết hôn lần nữa với Lương Thị Hồng Hoa (SN 1968), ở xã Tiên Hội, huyện Đại Từ. Hoa đã có 1 đời chồng và có 1 người con riêng nên cuộc sống gia đình Phụng ngày càng thiếu thốn, khó khăn. Trong giai đoạn này, Phụng vẫn chìm đắm trong ma túy và phó mặc mọi việc cho vợ. Khi đem thuốc về nhà, thấy việc chia nhỏ ra bán kiếm lời được nhiều hơn, Hoa lén lấy thuốc của chồng đem đi bán.
Năm 2004, Hoa bị bắt quả tang về hành vi mua bán trái phép ma túy, án phạt 8 năm tù giam. Do lúc đó Hoa vừa sinh con nhỏ nên được hoãn thi hành án 36 tháng. Lúc Hoa nuôi con, Phụng lại bị bắt buộc phải đi cai nghiện. Khi chồng về thì Hoa lại khăn gói vào trại chấp hành bản án. Cuộc sống của Phụng triền miên trong cảnh cơm tù còn nhiều hơn cơm nhà. Với 4 tiền án, 3 tiền sự, 1 lệnh truy nã, Nguyễn Xuân Phụng đã lập kỷ lục là một trong những tên tội phạm trốn truy nã có thời gian lâu nhất vùng Tây Bắc.
Truy lùng gắt gao
Lần trốn trại đầu tiên năm 1988 năm xưa, có lẽ thời gian qua đi Phụng thi thoảng cũng quên. Nhưng, tháng 6-1989, Công an tỉnh Lai Châu khi đó đã ký Quyết định số 61/LTN truy nã Nguyễn Xuân Phụng khi đưa ra nghi vấn y có thể liên quan đến vụ trọng án một người đàn ông bị giết ở đèo Ngam Hái thuộc quốc lộ 6, đoàn Tuần Giáo đi thị xã Lai Châu - có thời gian trùng khớp với con đường trốn chạy của Nguyễn Xuân Phụng.
Một nhóm trinh sát Công an tỉnh Lai Châu đã phối hợp với lực lượng Trại giam Mường Tùng tầm nã gắt gao các địa điểm nghi vấn. Các địa chỉ có thể Phụng lẩn trốn ở Hậu Lộc, Thanh Hóa đến Đại Từ, Thái Nguyên đều bị lực lượng công an “cày nát”, nằm vùng nhiều ngày liền nhưng ngày đó rừng xanh núi thẳm, giao thông, phương tiện thông tin liên lạc chưa thuận tiện… chính là cơ hội cho Nguyễn Xuân Phụng lẩn trốn nhiều năm trời mà vẫn chưa bị bắt lại.
Đầu năm 2010, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Điện Biên được thành lập, tiếp quản kho hồ sơ từ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH và Văn phòng CSĐT chuyển sang, các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã rà soát lại toàn bộ hồ sơ, lệnh truy nã những đối tượng hiện còn chưa bắt được. Nguyễn Xuân Phụng cùng nghi án năm nào vẫn còn nguyên, đối tượng này đã lẩn trốn ngoài vòng pháp luật hơn 20 năm nên các trinh sát đặt quyết tâm phải bắt bằng được y. Trong hồ sơ lưu lại, chỉ duy nhất có tấm ảnh mờ nhạt chụp cách đây cũng đã hơn 20 năm. Thời gian trôi, mọi thứ đều thay đổi, liệu có tìm được tên tù trốn trại năm nào?
Trung tá Nguyễn Văn Duấn, Đội trưởng Đội truy bắt đối tượng về TTXH, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm được giao nhiệm vụ lần dò dấu vết của Phụng. Cách đây hơn 20 năm, không ai khác - chính anh - khi đó đang đeo quân hàm Trung úy là người đã trực tiếp bắt giữ Phụng. Trung tá Duấn quay về quê gốc của Phụng ở Thanh Hoá, sau đó lên Đại Từ, Thái Nguyên. Anh không nhớ mình đã đi lại 2 địa bàn này bao nhiêu lần để thu thập các manh mối nhưng càng tìm càng gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi địa hình và xã hội.
Có lúc, những manh mối dẫn tới ngõ cụt nhưng Trung tá Nguyễn Văn Duấn vẫn kiên trì lần mò lại từ đầu những thông tin mỏng manh và đặt quyết tâm phải tìm được “duyên nợ” trong cuộc đời làm chiến sĩ công an của mình. Đến giữa năm 2012, Trung tá Duấn cùng đồng đội đã thu gọn các đối tượng nghi vấn và khoanh vùng địa bàn đối tượng có thể ẩn náu và đã vô cùng ngạc nhiên khi tên tội phạm từng 4 lần đi tù, dính 3 tiền sự hiện đang phải cai nghiện và lao động bắt buộc trong Trung tâm 06 lại chính là Nguyễn Xuân Phụng - tên tội phạm trốn truy nã cách đây đã gần 25 năm.
Gặp lại cố nhân sau ngần ấy thời gian, Nguyễn Xuân Phụng biết lý do tại sao Trung tá Duấn lại xuất hiện ở nơi này. Y lặng lẽ dừng công việc của mình và tiến về phía người cán bộ công an bao năm lần theo dấu chân lẩn trốn của y cúi đầu xin bắt lại.
Nẻo về
Bị di lý về trụ sở Công an tỉnh Điện Biên, các trinh sát hình sự đã đấu tranh với đối tượng này về vụ án mạng xảy ra tại địa điểm đèo Ngam Hái nhưng Phụng không phải thủ phạm. Y cũng may mắn khi không phải chịu thêm một án phạt nào…
Chúng tôi tìm về nhà của Nguyễn Xuân Phụng ở đầu thôn Đồng Mạc vào một chiều rét buốt giữa mùa đông. Mở cổng một căn nhà cấp bốn và gọi bố có khách là 1 đứa trẻ chừng 3 tuổi - đó chính là cậu con út tên Nguyễn Anh Tuấn của Phụng với Hoa.
Phụng kể lại: “Trong suốt quá trình chạy trốn tôi vẫn luôn bị ám ảnh rằng có ngày sẽ bị bắt lại... Đại Từ là quê nhà thứ hai của tôi. Tôi không sinh ra ở đây nhưng chính mảnh đất này đã cho tôi tất cả những điều mà trước đó tôi chưa hề biết đến. Nghĩ mình có thể ẩn náu ở đây được nên tôi chẳng thay tên làm gì. Tôi có một mái ấm và những đứa con, tiếc là tôi đã không xứng đáng với những điều đó”.
Trong đêm đầu tiên quay trở lại cuộc sống tự do, không còn thấp thỏm lo bị truy nã, Phụng ôm đứa con út vào lòng ngủ ngon lành. Phụng kể lại: “Đêm hôm ấy, hai cha con ôm nhau ngủ tôi mới cảm nhận được sự bình yên suốt mấy chục năm qua mà mình phải trốn chạy bây giờ mới có. Nghĩ lại quãng đời tù tội của mình để các con phải khổ cực, tôi đã khóc rất nhiều. Khi nghe tiếng cháu gọi tôi lúc nửa đêm vì mơ ngủ, tôi choàng tỉnh và thức đến tận sáng. Tôi trách mình và nghĩ rằng dù đã muộn nhưng không còn cách nào khác là phải làm lại. Nếu không nuôi được các con cho đàng hoàng, có lẽ bản án đó với tôi mới là điều day dứt nhất.”.