Đến 31/12/2023: Hoàn thành chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân với kết quả cao nhất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kết quả rà soát thấp, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế trên cả nước gấp rút thực hiện rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế (MST) cá nhân, đồng bộ dữ liệu về thuế đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC).
Ngành Thuế khẩn trương rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân. (ảnh: TTD)
Ngành Thuế khẩn trương rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân. (ảnh: TTD)

Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, cục thuế các tỉnh, thành phố trên cả nước đã đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân, đồng bộ dữ liệu về thuế đối với CSDLQGDC và làm sạch, thống nhất sử dụng mã số định danh công dân là MST theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, tính đến ngày 15/11/2023, kết quả triển khai rà soát, chuẩn hóa MST cá nhân với tỷ lệ số lượng MST cá nhân khớp đúng với CSDLQGDC của Bộ Công an còn thấp.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân, đồng bộ dữ liệu về thuế đối với CSDLQGDC, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xác định việc triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân là nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế chỉ đạo để hoàn thiện việc đồng bộ dữ liệu về thuế với CSDLQGDC và làm sạch, thống nhất sử dụng mã số định danh công dân là MST như Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định.

Các cục thuế cũng phải tham mưu, đề xuất UBND các tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo triển khai Đề án 06 tại địa phương chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan công an, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác rà soát, làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân.

Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, phân công đến từng lãnh đạo bộ phận phụ trách, từng công chức chịu trách nhiệm triển khai. Đồng thời, xác định rõ lộ trình, xây dựng kế hoạch, phương thức triển khai đối với từng nhóm đối tượng phải thực hiện rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân.

Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế phấn đấu từ nay đến ngày 31/12/2023 hoàn thành kết quả ở mức cao nhất.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân phối hợp với các vụ, cục liên quan khẩn trương hoàn thiện tài liệu hướng dẫn cơ quan thuế triển khai việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân; cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin, cách thức thực hiện hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc của các cục thuế trong thời gian qua.

Đồng thời, tổ chức triển khai đánh giá kết quả thực hiện, hướng dẫn các cục thuế các tỉnh, thành phố có số lượng MST cá nhân cần rà soát, chuẩn hóa lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Ninh... triển khai sớm việc rà soát, chuẩn hóa MST cá nhân, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023. Trường hợp cần thiết, tổ chức triển khai hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp tại địa phương.

Việc sử dụng mã số thuế được quy định như thế nào?

Tại Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về việc sử dụng MST như sau:

- Người nộp thuế phải ghi MST được cấp vào hóa đơn, chứng từ, tài liệu khi thực hiện các giao dịch kinh doanh; mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác;

Khai thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, đăng ký tờ khai hải quan và thực hiện các giao dịch về thuế khác đối với tất cả các nghĩa vụ phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN(, kể cả trường hợp người nộp thuế hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa bàn khác nhau.

- Người nộp thuế phải cung cấp MST cho cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc ghi MST trên hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông với cơ quan quản lý thuế.

- Cơ quan quản lý thuế, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại phối hợp thu NSNN, tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế sử dụng MST của người nộp thuế trong quản lý thuế và thu thuế vào NSNN.

- Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác phải ghi MST trong hồ sơ mở tài khoản và các chứng từ giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế.

- Tổ chức, cá nhân khác trong việc tham gia quản lý thuế sử dụng MST đã được cấp của người nộp thuế khi cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế.

- Khi bên Việt Nam chi trả tiền cho tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng trung gian kỹ thuật số không hiện diện tại Việt Nam thì phải sử dụng MST đã cấp cho tổ chức, cá nhân này để khấu trừ, nộp thay.

- Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho MST.

Đọc thêm