Đền Cao – Chí Linh: Người dân nô nức đi lễ những ngày đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những ngày đầu xuân năm mới Tết Quý Mão 2023 đã có hàng nghìn lượt người dân ở khắp nơi xa gần nô nức, nườm nượp đi lễ, vãn cảnh Đền Cao tại phường An Lạc, TP Chí Linh (Hải Dương).
Những ngày đầu năm Quý Mão 2023 rất đông người về với Đền Cao - An Lạc (Chí Linh).
Những ngày đầu năm Quý Mão 2023 rất đông người về với Đền Cao - An Lạc (Chí Linh).

Hải Dương vốn là vùng đất có truyền thống văn hiến lâu đời. Đây được coi là vùng đất cổ, là phên dậu phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất này đã lưu giữ được hàng nghìn di tích lịch sử, di tích cách mạng gắn liền với chiến tích oai hùng của bao thế hệ dựng nước và giữ nước. Không những vậy, vùng đất ấy còn có nhiều danh thắng nổi tiếng, trong đó không thể không nhắc đến danh thắng Đền Cao, ở phường An Lạc.

Khu di tích Đền Cao hình thành và phát triển đã hơn 1.000 năm nay. Ngôi đền toạ lạc trên đỉnh núi An Phụ dài khoảng 17 km, kéo từ Tây sang Đông như một bức tường thành kỳ vĩ. Trên dãy núi huyền bí ấy, nổi lên một đỉnh cao như chiếc nón chóp khổng lồ, đó là đỉnh An Phụ, cao khoảng 246 m.

Cổng lên Đền Cao.

Cổng lên Đền Cao.

Nơi đây là di tích lịch sử gắn liền với chiến công oai hùng của 5 vị tướng họ Vương có công phù giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống xâm lược ở thế kỷ X. Với công lao to lớn đó, 5 anh em họ Vương được triều đình sắc phong thành Thiên Bồng đại tướng quân đại vương, Dực Thánh linh ứng đại vương, Anh Vũ dũng lược đại vương, Đào Hoa trinh thuận công chúa, Liễu Hoa linh ứng công chúa.

Sau khi giành thắng lợi, 5 vị tướng quân này đã xin phép vua được ở lại quê nhà chịu tang cha mẹ và mất tại đây. Để tưởng nhớ công đức của 5 vị tướng họ Vương, nhân dân địa phương đã xây Đền Cao để thờ phụng, hương khói đến ngày nay.

Đông đảo người dân đổ về Đền Cao dịp đầu năm để lễ, cầu may, vãn cảnh.

Đông đảo người dân đổ về Đền Cao dịp đầu năm để lễ, cầu may, vãn cảnh.

Theo nhiều tài liệu, quần thể di tích Đền Cao được xây dựng trên nhiều vị trí khác nhau trong không gian rộng gần 1 km2 thuộc địa bàn phường An Lạc. Đền Cao có mái ngói rêu phong cổ kính, với những đầu đao cong vút, 2 bên áp mái là bức phù điêu lương long chầu mặt trời. Trước sân đền có thờ voi đá, ngựa đá uy linh.

Đền thời Thiên bồng đại tướng quân Đại vương – Vương Đức Minh, người anh cả của 5 anh em họ Vương. Đây cũng là một trong 4 ngôi đền nằm trong khu di tích, gồm: Đền Cả, Đền Cao, Đền Bến Tràng và Đền Bến Cả đã được Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch xếp hạng di tích quốc gia vào tháng 3/2018.

Với niên đại hơn 1.000 năm, Đền Cao mang nhiều ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh trong đời sống văn hoá người dân quanh vùng và cả các nơi lân cận. Bởi vậy, năm nào cũng thế, khi vừa bắt đầu bước sang năm mới, đã có rất nhiều người dân và du khách thập phương về với Đền Cao để làm lễ, dâng hương, xin lộc.

Mọi người đến đây đều thành tâm thành kính khấn vái để cầu mong năm mới sẽ gặp nhiều điều tốt lành cho bản thân và gia đình.

Mọi người đến đây đều thành tâm thành kính khấn vái để cầu mong năm mới sẽ gặp nhiều điều tốt lành cho bản thân và gia đình.

Nếu như 2, 3 năm trước, khi dịch COVID-19 xảy ra, việc đi lại, di chuyển của người dân bị hạn chế thì năm nay, với tình hình dịch COVID-19 không còn căng thẳng như trước, cùng với thời tiết đẹp nên đông đảo du khách và người dân đi lễ, vãn cảnh ở Đền Cao từ Tết.

Người dân đến với Đền Cao với mong muốn bằng lòng thành tâm thành kính họ sẽ cầu may được cho gia đình trong năm mới sẽ gặt hái được nhiều thành công, sức khoẻ dồi dào, gặp nhiều may mắn. Cũng có rất nhiều người họ đến đây để “trả lễ” cho năm trước.

Chị Đào Thị Minh (quê huyện Nam Sách, Hải Dương) cho hay, năm 2022 khi dịch COVID-19 còn đang phức tạp, nhưng chị vẫn cố gắng sau khi đón giao thừa cùng chồng mang lễ đến đây để thắp hương, khấn vái, cầu tài lộc cho gia đình. “Lời thỉnh cầu không biết có linh ứng thật không nhưng trong năm qua, gia đình tôi cũng gặt hái được nhiều thành công, may mắn. Nên năm nay, tôi và chồng đã mang chút lễ đến Đền Cao gọi là để trả lễ, cảm ơn các vị thánh thần, quan ngài ngự ở đây vì đã phù hộ, độ trì cho gia đình mình”, chị Minh tâm sự.

Mọi người cũng đến khấn vái và làm lễ tại các ngôi mộ ở Đền Cao.

Mọi người cũng đến khấn vái và làm lễ tại các ngôi mộ ở Đền Cao.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 4 Tết vừa qua, lượng người đổ về Đền Cao rất đông. Mỗi ngày, nơi đây đã thu hút đến hàng nghìn lượt du khách đến đi lễ, cầu may, vãn cảnh. Các hàng quán ở đây cũng mọc lên rất nhiều như: quán ăn, bán đồ chơi, lưu niệm, bán hương, bán sớ… để phục vụ du khách khi đến đây. Mặc dù lượng khách đổ về Đền Cao đông đúc nhưng người dân chỉ phải mất chi phí gửi xe và không phải mất tiền mua vé để vào Đền.

Được biết, Đền Cao là một ngôi đền độc đáo xây dựng từ thế kỷ XX và được trùng tu nhiều lần. Hàng năm, lễ hội chính diễn ra từ ngày 23 – 25 tháng Giêng (Âm lịch) với nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật, kéo co. Phần lễ có: Rước ngai, tế truyền thống thu hút rất nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Đọc thêm