Đó là ý kiến các chuyên gia lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại tọa đàm “Đánh giá hiệu quả của chính sách tiền tệ 10 tháng năm 2012 và khuyến nghị chính sách” diễn ra hôm qua – 5/11, tại Hà Nội.
Ngân hàng Nhà nước được cho là đã có “hành động thông minh và khôn ngoan là bỏ trần lãi suất huy động kỳ hạn dài. Ảnh: MH |
“Không thể có giá giống nhau cho ngân hàng khác nhau”
Bình luận về câu chuyện lách trần lãi suất đang tồn tại trên thị trường ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng nguyên nhân do một số nhà băng yếu kém đang thiếu thanh khoản, họ cần huy động nhiều tiền để bù đắp trạng thái.
“Tuy nhiên, không riêng gì ngân hàng nhỏ, không ít "ông lớn" cũng vào cuộc đua lãi suất huy động như trong thời gian qua” – ông Lê Xuân Nghĩa cho biết – “Ngân hàng này làm, ngân hàng khác cũng làm, vì ngân hàng nào cũng lo mất khách. Nếu khách hàng lâu năm đang gửi ngân hàng A một tỷ mà mãi không được tăng lãi suất trong khi các nhà băng khác thì tăng, rất có khả năng ngân hàng A sẽ mất khách”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mùi – Giám đốc Trường đào tạo nhân lực Vietinbank, cũng cho rằng, trên thực tế “chính sách đi sau thị trường, chủ yếu là đối phó với tình thế, thiếu giải pháp căn cơ”. “Trong vài tháng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất 5 lần. Đây cũng là cơ hội tốt để nghiên cứu tới việc bỏ trần lãi suất huy động” – bà Mùi nói – “Không thể ép cùng một trần lãi suất với nhiều ngân hàng. Nói cách khác, không thể có giá chung cho những ngân hàng phạm vi hoạt động khác nhau, năng lực khác nhau, vốn khác nhau được".
TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề, không còn dư địa nào để Ngân hàng Nhà nước có thể hạ thêm lãi suất trong thời gian tới. Vì thế, có nên tiếp tục duy trì trần lãi suất nữa không?.
Theo ông Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước đang phải đứng trước 2 lựa chọn. Một là, nếu duy trì trần lãi suất huy động, thì Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp thanh kiểm tra để xử lý nghiêm các ngân hàng lách trần lãi suất, và đẩy các tổ chức tín dụng này vào rủi ro pháp lý nghiêm trọng, làm tính minh bạch của hệ thống giảm xuống. Hai là, bỏ trần lãi suất huy động.
“Chúng ta quy định nhưng họ không nghe và chúng ta lại không làm gì được thì tốt nhất nên bỏ" – ông Nghĩa nói. Theo ông, có thể xem xét để bỏ trần lãi suất huy động bắt đầu từ năm tới – 2013.
Ngân hàng Nhà nước đã có lộ trình?
TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có “hành động thông minh và khôn ngoan là bỏ trần lãi suất huy động kỳ hạn dài. Đây là bước đệm hợp lý để tiến tới bỏ trần lãi suất”.
Về những được, mất sau khi dỡ bỏ trần lãi suất, ông Nghĩa cho rằng “nếu phá bỏ trần nguy cơ lãi suất tăng lên nhưng cũng tăng theo cung cầu thị trường thôi chứ không thể tăng vô chừng được".
Để tránh những hậu quả sau khi dỡ bỏ trần lãi suất, như các nhà băng đẩy lãi suất cao ồ ạt, ông Nghĩa cho rằng: "Ngân hàng Nhà nước cần tuyên bố chỉ có trách nhiệm bảo vệ lợi ích người gửi tiền chứ không có nghĩa vụ bảo vệ ngân hàng yếu kém dẫn đến phá sản". Điều này sẽ giúp người gửi tiền tự biết đâu là ngân hàng tốt nhưng lãi suất vừa phải để đem tiền đến gửi thay vì lao vào những nhà băng thanh khoản kém kêu gọi lãi suất cao ngất ngưởng.
“Nếu Chính phủ cứ ngồi tranh luận và sợ người khác nói về lợi ích nhóm, thì doanh nghiệp chết ngày một nhiều, kinh tế khó phục hồi. Nếu mấu chốt của kinh tế Việt Nam 2011 là thanh khoản thì mấu chốt của kinh tế Việt Nam đến năm 2012 và 2013 là giải quyết nợ xấu” – TS. Lê Xuân Nghĩa. |
Hoàng Thủy