[links()]Công an được “nổ súng trực tiếp”, một đề xuất đã được đề cập trong dự thảo Nghị định về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ (THCV), đang được dư luận rất quan tâm, bởi lo ngại về sự lạm dụng quyền lực khi thực hiện một quy định được xem là “mạnh tay” nhất từ trước tới nay đối với hành vi cản trở công vụ.
Tuy nhiên, theo Bộ Công an, trong 10 năm (2002 - 2012), cả nước xảy ra hơn 8.500 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó trên 90% số vụ là chống lại lực lượng Công an và chủ yếu trong các lĩnh vực: an toàn giao thông, đất đai, giải phóng mặt bằng… Do vậy, việc ban hành quy định này theo Bộ này là “yêu cầu cấp thiết”.
Ai đảm bảo mọi trường hợp “nổ súng trực tiếp” của người THCV là đúng luật?. |
Nguyên nhân chống đối
Bộ Công an cho biết, tình trạng chống người THCV thời gian qua diễn biến khá phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày một cao, ở hầu khắp các địa phương, trên nhiều lĩnh vực nhất là trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quản lý đất đai, thu hồi giải phóng mặt bằng, bảo vệ rừng, giải quyết khiếu nại tố cáo…, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và tính mạng của người THCV.
Như đã nói ở trên, ba lĩnh vực được đề cập và xác định thường hay phát sinh các vụ việc chống đối lại người THCV là: trật tự an toàn giao thông, đất đai và giải phóng mặt bằng. Ở đây, trước khi bàn đến việc áp dụng quy định nêu trên, thiết nghĩ cần đặt câu hỏi lý do vì sao trong thời gian qua, số vụ chống đối người thi hành công vụ lại có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất và mức độ?.
“Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công…”, Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. |
Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý đất đai, mấy năm gần đây liên tục xảy ra tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp phức tạp, thậm chí không ít trường hợp xảy ra va chạm, chống lại lực lượng chức năng.
Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, song rõ nhất và từng được các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cũng như một số cơ quan Nội chính thừa nhận là do Luật Đất đai còn bất cập, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong một số trường hợp chưa phù hợp với thực tế, thiệt thòi cho người bị thu hồi đất.
Bên cạnh đó còn do công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn nhiều yếu kém dẫn tới bức xúc và phát sinh hành động tiêu cực, phạm pháp…
Nêu ra những nguyên nhân này không phải để bênh che cho hành vi vi phạm pháp luật song đó là một thực tế cần phải thừa nhận, và nó chính là nguyên nhân sâu xa, khách quan dẫn đến hành vi phạm tội.
Riêng đối với lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chúng ta dễ dàng nhận thấy ngày một nhiều vụ Cảnh sát giao thông bị chống đối, tấn công, uy hiếp đến tính mạng như lao thẳng xe vào người, bị hất tung lên nắp ca-pô chạy hàng cây số trên đường hoặc đánh trọng thương… làm dư luận vô cùng phẫn nộ.
Những hành vi này cần được xử lý nghiêm bởi rõ ràng pháp luật đã bị một số đối tượng khinh nhờn, thách thức; trong những trường hợp như vậy việc bảo vệ người THCV tức là bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải không có những hợp hành vi chống người THCV bắt nguồn từ những hành vi tiêu cực của lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông đòi mãi lộ, hách dịch hoặc hành xử thái quá, thiếu chuyên nghiệp…, gây bức xúc dẫn đến hành vi “phản kháng” quá mức dẫn đến hành vi phạm tội.
Số liệu đã thuyết phục?
Trong Dự thảo Tờ trình về Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người THCV, Bộ Công an dẫn một số số liệu làm căn cứ khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Nghị định này, trong đó có đề xuất lực lượng THCV được phép “nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm”.
Thông tin từ bộ này cho biết: “Báo cáo của các bộ ngành cho thấy từ năm 2002 đến tháng 6-2012, trên cả nước xảy ra 8.513 vụ với trên 13.706 đối tượng vi phạm, trong đó, số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 với 11.131 đối tượng; số vụ việc xử lý hành chính là 1.594 với 2.811 đối tượng. Trong đó trên 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng Công an…".
Xung quanh việc này, một số ý kiến đặt vấn đề: Bộ Công an có trầm trọng hóa vấn đề bằng số liệu thống kê trong 10 năm qua?. Trong khi trong dự thảo lại thiếu số liệu, căn cứ cho thấy diễn biến của hành vi chống người thi hành công vụ gia tăng hàng năm cụ thể bao nhiêu, và có tới mức báo động?.
Nên chăng cơ quan xây dựng Dự thảo cần thống kê thêm một số dữ liệu khác như có bao nhiêu vụ lực lượng THCV nói chung, lực lượng Công an nói riêng bị chống đối và mức độ thiệt hại ra sao, thì sẽ thuyết phục hơn về mặt căn cứ.
Khi đã có đầy đủ cơ sở về mặt pháp lý và thực tế thì sẽ xác định chính xác những tổn thất và mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra để từ đó tính tới việc tăng thêm những biện pháp tự vệ hợp lý cho những người THCV.
Vân Anh