Đền Trúc và giai thoại "cờ bay lên đỉnh núi" về anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đền Trúc thờ anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và mẹ con bà hàng nước, có bề dày hàng ngàn năm lịch sử, từng được vua ban 32 sắc phong qua các triều đại, được Nhà nước công nhận Di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 1994, trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa đặc sắc thu hút du khách mọi miền.
Toàn cảnh Đền Trúc.
Toàn cảnh Đền Trúc.

Tọa lạc ở vị trí sơn thủy hữu tình của vùng đất Hà Nam địa linh nhân kiệt, trước mặt là sông Đáy hiền hòa, bên cạnh núi Thi Sơn hùng vĩ, Đền Trúc với bề dày ngàn năm lịch sử, từng được vua ban 32 sắc phong qua các triều đại, được Nhà nước công nhận Di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 1994, trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa đặc sắc thu hút du khách mọi miền.

Ly kỳ cờ của nghĩa quân cuốn bay lên đỉnh núi

Sở dĩ gọi là Đền Trúc bởi ngôi đền cổ được ôm trọn bởi màu xanh bát ngát của những rặng trúc được cho rằng đã mọc ở nơi này từ hàng ngàn năm trước. Tương truyền xưa kia rừng trúc rậm rạp rộng tới hàng chục mẫu. Nay rừng trúc nguyên thủy không còn, nhưng dấu tích rừng trúc xưa vẫn còn một lớp trúc khá dày bao quanh đền.

Cổng vào Khu du lịch Đền Trúc - Ngũ động Thi Sơn.

Cổng vào Khu du lịch Đền Trúc - Ngũ động Thi Sơn.

Nói về lịch sử ngôi đền, cụ Đinh Thị Phương Lâm (86 tuổi, thủ từ Đền Trúc) cho biết: Đền Trúc thờ anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và mẹ con bà hàng nước. Xa xưa, ngôi đền này vốn chỉ thờ mẹ con bà hàng nước được nhân dân phong thần.

Theo dân gian truyền lại, mẹ con bà hàng nước hiền lành, phúc hậu, sinh thời mở quán bán hàng nơi bến sông mẹ con rau cháo nuôi nhau. Sông Đáy xưa kia thuyền bè tấp nập, dân buôn bán, thuyền chài qua bến sông thường được mẹ con bà giúp đỡ. Khi mẹ con bà hàng nước mất sau một trận hồng thủy, dân làng tiếc thương lập đền thờ. Ngày đó, đền thờ mẹ con bà hàng nước thực chất chỉ là một am thờ nhỏ ven sông nhưng lúc nào cũng khói hương ấm cúng.

Ngôi đền cổ được bao bọc bởi màu xanh bát ngát của những rặng trúc đã mọc từ ngàn năm trước...

Ngôi đền cổ được bao bọc bởi màu xanh bát ngát của những rặng trúc đã mọc từ ngàn năm trước...

Văn bia Đền Trúc chép lại, vào năm 1069, khi Lý Thường Kiệt mang quân đi chinh phạt giặc Tống bằng đường sông, đoàn chiến thuyền với lá cờ nghĩa bay phần phật trước mũi lướt trên dòng sông Đáy. Đoạn qua trại Canh Dịch, trời xanh hiền hòa bỗng dưng nổi gió lớn, bất ngờ cuốn bay lá cờ lên đỉnh núi. Lý Thường Kiệt thấy điềm lạ bèn cho quân sĩ neo thuyền vào bến, sửa lễ tế trời đất cầu cho lần này ra quân bách chiến bách thắng. Ngài đặt đàn tế trong rừng trúc, gần ngôi đền nhỏ thờ hai mẹ con bà hàng nước. Đêm đó, nghĩa quân nghỉ lại ở bến sông. Nửa đêm, hai mẹ con bà hiện lên báo mộng cho Lý Thường Kiệt và xin đi theo phù cho nghĩa quân đánh thắng giặc thù. Lần ra quân ấy, Lý Thường Kiệt thắng lớn.

Trên đường thắng trận về kinh đô báo ơn vua, Lý Thường Kiệt đã cho quân ghé vào trại Canh Dịch làm lễ tạ trời đất và khao thưởng ba quân cùng dân làng. Thấy nơi đây linh thiêng, Lý Thường Kiệt đặt tên là núi Quyển Sơn (hay còn gọi là Cuốn Sơn) và trại Canh Dịch cũng được đổi thành làng Quyển Sơn. Sau đó ông xin vua phong bà hàng nước là Mẫu Hậu, cô con gái là Công chúa và sửa sang lại đền thờ khang trang hơn, gọi là đền Trúc.

Tại lễ khao quân, ông cho tuyển chọn những cô gái làng có thanh sắc để múa hát, chọn cái trai tráng khoẻ mạnh để tổ chức đua thuyền. Điệu múa hát này có tên là hát dậm, là lối hát thờ, ca ngợi chiến công đánh giặc giữ nước, ca ngợi cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Lý Thường Kiệt còn dạy dân trồng dâu chăn tằm và dệt vải.

Về sau, khi Lý Thường Kiệt tạ thế, để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân đã lập đền thờ nơi mà ông mở hội mừng chiến thắng, cũng chính tại ngôi đền Trúc linh thiêng. Đó là lý do tại sao Đền Trúc thờ Lý Thường Kiệt và mẹ con bà hàng nước (đã được phong làm Mẫu hậu và Công chúa).

Trong khuôn viên ngôi đền có nhiều bụi trúc lớn...

Trong khuôn viên ngôi đền có nhiều bụi trúc lớn...

Địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc

Theo quan sát, đền Trúc hiện nay nằm trong khuôn viên rộng rãi, với quần thể danh thắng núi Cấm, Ngũ động Thi Sơn. Đền hướng mặt ra sông Đáy. Cổng đền gồm 4 cột đồng trụ, hai cột chính ở giữa, hai cột nhỏ ở hai bên. Hai cột chính cao trên 6m, trên cột được đắp nổi tứ linh đường nét cầu kỳ, tinh xảo. Qua một sân gạch rộng trên 10m là đến nhà tiền đường 5 gian, hai đầu hồi bít đốc. Mặt đằng trước hai đầu hồi xây sát tường phía ngoài từ tàu mái đến thềm chính giữa để một cửa sổ hình chữ thọ.

Ngôi đền hiện nay được làm bằng gỗ lim. Ba gian hậu cung cũng được xây dựng cùng phong cách với nhà tiền đường được xây bít đốc, khung gỗ lim, kéo giá chiêng và lợp ngói nam. Trên những thiết kế vì kèo gỗ lim được chạm khắc thủ công hình tứ linh, hình rồng phượng uốn lượn càng tăng thêm vẻ linh thiêng của nơi thờ tự. Ngăn cách giữa nhà tiền đường với hậu cung là một khoảng sân hẹp có tường nối, nhà bán mái và bể non bộ.

Nhóm du khách Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với cụ Đinh Thị Phương Lâm (86 tuổi, cụ thủ từ Đền Trúc), cũng là một nghệ nhân hát Dậm có tiếng của vùng đất Hà Nam.

Nhóm du khách Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với cụ Đinh Thị Phương Lâm (86 tuổi, cụ thủ từ Đền Trúc), cũng là một nghệ nhân hát Dậm có tiếng của vùng đất Hà Nam.

Theo quan sát, phía bên tay trái đền Trúc là núi Cấm cao chừng 400m, trên đỉnh núi có một mặt đá bằng phẳng đặt bàn thờ nhỏ ngoài trời, trên cắm lá cờ. Tương truyền khi xưa gió cuốn lá cờ trên chiến thuyền của Lý Thường Kiệt lên cắm tại nơi đây. Đứng trên đỉnh núi Cấm, du khách sẽ được thu vào tầm mắt toàn cảnh sơn thủy hữu tình của vùng đất Hà Nam trù phú.

Nếu như trên đỉnh núi Cấm linh thiêng, kỳ vĩ thì trong lòng núi là cả một kỳ quan với hệ thống hang động với 5 hang liên tiếp, gọi là Ngũ Động Thi Sơn. Các động này liên hoàn kéo dài hàng trăm mét, ăn sâu vào trong lòng núi Cấm. Mỗi động có hệ thống tầng tầng lớp lớp nhũ đá lấp lánh kỳ ảo tạo nên những hình thù kỳ thú như đụn thóc đụn gạo, cây vàng cây bạc.v.v. Không khí trong động rất thanh sạch, mát mẻ cho ra cảm giác như được thanh lọc tâm hồn.

Hệ thống nhũ đá kỳ ảo trong lòng Ngũ động Thi Sơn.

Hệ thống nhũ đá kỳ ảo trong lòng Ngũ động Thi Sơn.

Hành trình du lịch khám phá Ngũ động Thi Sơn bắt đầu bằng lối vào động lên cao, nhìn ra mặt sông Đáy, tiếp tục với những khám phá kỳ thú bên trong hang động và kết thúc bằng lối ra nằm bên kia vách núi, sẽ cho du khách một trải nghiệm tuyệt vời, không thể nào quên...

Đọc thêm