Tín hiệu thị trường đang tích cực
Theo dự báo của nhiều tổ chức, năm 2021-2023 sẽ là giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 của ngành dệt may với nhiều sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng và phương thức vận hành. Dự kiến đến giữa hoặc cuối năm 2023, thị trường dệt may mới quay lại ngưỡng 2019. Trong khi đó, dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu quay trở lại con số như năm 2019. Đây được đánh giá là một thách thức cực lớn khi dệt may Việt Nam quyết phấn đấu về đích sớm hơn so với sự phục hồi của thị trường từ 3-6 quý.
Trong tháng 1 vừa qua, tổng kim ngạch XK của ngành này đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao khoảng 9-36% cho thấy tín hiệu tăng trưởng XK khả quan của ngành cùng với đó là sự gia tăng thị phần nước ngoài.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tín hiệu từ thị trường trong quý I/2021 cho thấy dự báo và quyết tâm phục hồi trong năm 2021 là có cơ sở thực hiện được. Hiện nay các doanh nghiệp (DN) dệt may, trong đó có các DN của Vinatex đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021.
Ngoài ra, việc đi vào thực thi các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP - dự kiến nửa cuối năm 2021) cũng mang lại điều tích cực cho sản xuất kinh doanh của dệt may trong năm 2021. Bên cạnh đó, việc Mỹ đã quyết định không áp thuế cho những cáo buộc liên quan đến thao túng tiền tệ của Việt Nam cũng đưa dệt may Việt Nam trở lại cuộc cạnh tranh công bằng với các nước khác trong xuất khẩu hàng vào Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam.
Như vậy có thể xác định, giai đoạn 2021-2023 sẽ là giai đoạn quyết định cho sự phục hồi, đổi mới năng lực cạnh tranh, vươn tới vị thế bền vững hơn cho DN. Trong đó, 2021 sẽ là năm xuất phát, mang tính then chốt, quyết định cả hướng đi và tốc độ của DN dệt may Việt Nam.
Doanh nghiệp làm gì để thích ứng?
Trước tình hình làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 vẫn chưa được kiểm soát, ông Trường cho rằng, đợt dịch năm 2021 sẽ mang lại những thách thức cực lớn cho dệt may Việt Nam. Nếu như năm 2020, khi dịch bệnh diễn biến trên toàn thế giới một cách bất ngờ, khiến chuỗi cung ứng dừng lại, người mua không nhận hàng, không đặt hàng. DN dệt may Việt Nam ở vị thế nhà cung cấp mà để xảy ra dịch bệnh ở cơ sở thì bị thiệt hại tiền lương, cùng các chế độ cho người lao động. Nhưng năm 2021, tình hình dịch bệnh đã khác đi. Nếu để xảy ra dịch bệnh ở cơ sở, phải cách ly không thể tổ chức sản xuất thì ngoài việc bị thiệt hại về tiền lương, chế độ cho người lao động, các DN còn không thể hoàn thành được hợp đồng kinh tế đã ký kết với khách hàng.
“Đây là thách thức và rủi ro vô cùng lớn, là nguy cơ với tất cả các DN dệt may. Bên cạnh việc bị thiệt hại trong cam kết tài chính với khách hàng, thì trong dài hạn, vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng lung lay và có thể bị thay thế, nhất là trong bối cảnh hiện nay, quy trình tái bố trí lại chuỗi cung ứng đã được đẩy nhanh hơn. Chính vì thế, chúng tôi đánh giá lần này việc kiểm soát dịch bệnh ở các DN cần thực hiện ở mức độ cao hơn, chặt chẽ hơn” - ông Trường nhấn mạnh.
Chưa kể đến việc, ngay sau dịch năm 2020, lợi thế cạnh tranh của các DN truyền thống và lớn như trong Tập đoàn có nguy cơ bị xoá nhòa sau thời gian dừng vì dịch bệnh, các đối thủ sẽ bắt đầu ở cùng một vạch xuất phát mới; Khách hàng truyền thống bị thay thế, phá sản, thu hẹp quy mô, thị trường xuất hiện các nhãn hàng mới. Cơ cấu tiêu thụ sản phẩm thay đổi làm ảnh hưởng đến tính cân bằng của năng lực sản xuất hiện có.
Do đó, theo ông Trường, việc chỉ dựa trên khách hàng truyền thống sẽ không đảm bảo duy trì được thị phần của DN trên thị trường. Những thách thức mới này đòi hỏi DN dệt may phải biết tấn công, mở rộng, phát triển khách hàng mới. Đây sẽ là chìa khoá quyết định thành công trong giai đoạn sắp tới.
Ngoài ra, những đổi thay sau cuộc chiến hậu Covid-19 cũng khiến cho những phương thức kinh doanh truyền thống bị thay đổi nhiều. Phương thức kinh doanh online tăng mạnh với hỗ trợ của công nghệ thử size từ xa và các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Điều này đòi hỏi DN dệt may Việt Nam phải thích ứng và đổi mới mạnh mẽ về công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.