Với dân Melbourne, đào vàng là một thú vui, như người Việt Nam thích đi mua vé số vậy. Người chơi vé số thường có óc mộng mơ cao và dân đi Ballarat để đào (hoặc xem) vàng cũng mộng mơ không kém.
Ballarat theo tiếng của thổ dân có nghĩa là "nơi nghỉ ngơi" (resting place), cách Melbourne khoảng 100km về hướng Tây Bắc, là thành phố nội địa lớn nhất của tiểu bang Victoria. Lịch sử vùng đất này được viết lại như thế này: năm 1851, vàng được phát hiện tại Poverty Poinnt bởi John Dunlop và James Regan khi họ tìm thấy vài ounce trong khi đang đãi vàng ở nhánh sông Canadian.
Đến năm sau, đã có khoảng 20.000 người tới tìm kiếm vàng trong những đường hầm của Goldfields Ballarat. Vàng nhiều đến nỗi trong thập niên 1850 chỉ riêng bang Victoria thôi đã sản xuất được một số vàng bằng một phần ba tổng số vàng sản xuất của cả thế giới cùng thời kỳ. Do sự bùng nổ dân số, Ballarat đã được công bố trở thành thị trấn năm 1852. Đến năm 1855, Ballarat được công nhận là một chính quyền tự trị, 1 thị xã vào năm 1863 và là thành phố vào năm 1870.
Máu, mồ hôi, nước mắt và cả những câu chuyện đau thương từng thấm đẫm mặt đất này. Ballarat bây giờ chỉ còn Sovereign Hill làm dấu tích, nơi có một bảo tàng ngoài trời tái dựng lại cảnh quan và đời sống của các năm đầu thời tìm vàng. Dân Melbourne nói “đi đào vàng” là tới Sovereign Hill, đi lang thang trên những triền đồi gió hú, ngắm dòng suối chảy quanh co, ríu rít dân du lịch thử vận may bên những máng đãi vàng. H bảo con suối này có ít vàng cám do Ban quản lý khu du lịch bỏ vào để du khách đãi chơi, tìm vận may. Nếu may mắn có thể tìm được một ít vàng mang về làm kỷ niệm nhưng dân du lịch thì chủ yếu đứng cạnh máng xúc lên xúc xuống để...chụp ảnh.
Trên những con đường rải đá răm bụi mù của Sovereign Hill, cứ dăm phút lại có một đoàn xe ngựa chạy qua, những người lính phục trang như thời 1850 đi tuần với gương mặt thân thiện. Những người làm du lịch ở đất nước chuột túi này đã cho phục dựng lại thị trấn cổ, tái hiện hoạt động thường ngày của Ballarat thế kỷ 19 với hàng trăm nhân viên mặc y phục của thời kỳ 1850 và làm các công việc như thợ rèn, thợ nướng bánh, người bán tạp hóa, hầu bàn giữa những túp lều của những người đào vàng.
Tất cả nhà cửa và thiết kế của thị trấn đều là của thế kỷ trước và trước các ngôi nhà thường có những cô tiểu thư trong trang phục cổ đứng bán hàng để khách du lịch chụp ảnh. Trong nhà máy của Robinson & Thomas, những cỗ máy cũ vẫn chạy đều đều, như thời gian chưa từng qua đây. Những cửa hàng bán nến thơm cho khách được thử làm nến tại chỗ vẫn có mùi dầu hỏa đậm đặc, quá khứ như quay ngược về một ngày xuân nào đó, cùng H đi mua nến sinh nhật với một cô gái mắt đen tròn, mình hạc, xương mai.
Trong căn nhà gỗ, chúng tôi cùng xem lại bộ phim về kỹ thuật sản xuất vàng, đi qua bảo tàng xem những cục vàng lớn từng được tìm thấy ở khu vực Ballarat. Ở cửa hàng lưu niệm, H mua cho tôi một đồng tiền cổ, khắc tên tôi và dòng chữ “Found in Sovereign Hill”
Một góc Sovereign Hill nhìn từ trên cao |
Để có một cuộc sống ổn định, H hay những người Việt khác ở Melbourne làm việc hầu như không có ngày nghỉ, sang chơi với H cả tháng mới đi được Ballarat một ngày. Lúc ngồi uống bia trong căn nhà gỗ kiểu Úc, nhìn ra ngoài đường, gió thổi se sắt, tiếng xe ngựa lục cục trên con đường đá dăm, H bảo “mỗi lần tới nơi này lại nhớ câu hát: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, thấy đồng cảm với những con người khắp thế giới từng đổ về nơi này, để kiếm tìm giấc mơ Úc, lấp lánh ánh vàng. Nhưng phía sau ánh vàng lấp lánh ấy, còn lại vẫn chỉ là gió và gió, thổi qua những ngọn đồi hoang vu, tĩnh lặng và những đường ray ngóng một sân ga”.
Bữa ấy, ở Sovereign Hill có một sân ga hoang hoải tiễn một chuyến tàu chiều. Ballarat vàng son vì thế, trong tôi như một đường hầm, đào mãi, rồi cũng chạm tới trái tim…