Đi làm đẹp, cẩn trọng với những kiểu dùng “Lá bùa” để che mắt khách hàng

(PLO) - Rất nhiều cơ sở làm đẹp thường trưng các 'lá bùa' là “giấy chứng nhận”, “bằng khen” với những danh hiệu như “cơ sở trị nám bậc nhất”, “cơ sở trị nám số một” do các tổ chức hội không rõ ràng trao tặng. Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở y tế Hà Nội khuyến cáo người dân có nhu cầu làm đẹp cần phân biệt rạch ròi để bảo vệ chính mình.
 Chánh thanh tra y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường
Chánh thanh tra y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường

Phân biệt phòng khám PTTM và spa

Trên địa bàn TP Hà Nội chỉ có 56 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép. Còn phần lớn là cơ sở làm đẹp với tên gọi thương mại như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”, “spa”.

Theo Chánh thanh tra sở y tế, cơ sở chăm sóc sắc đẹp chia thành hai dạng. Thứ nhất là nhóm cơ sở do ngành y tế cấp phép, trực tiếp quản lý toàn diện. Cụ thể có 56 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM), danh sách đăng tải trên trang Web Sở y tế. Ông Cường cho biết qua các đợt kiểm tra có một số cơ sở quảng cáo quá nội dung được cấp phép đã bị xử phạt đồng thời bắt tháo gỡ nội dung quảng cáo quá mức.

Tuy nhiên ngay cả các phòng khám PTTM cũng chỉ được can thiệp trong phạm vi chuyên môn cho phép. Ví dụ hoạt động nâng ngực, hút mỡ bụng, hút mỡ tứ chi bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện chuyên khoa.

Nhóm thứ hai là các cơ sở làm đẹp (CSLĐ) nói chung với tên gọi thương mại như thẩm mỹ viện, Viện thẩm mỹ, spa. Các đơn vị này hoạt động không phải xin phép Sở y tế nhưng phải gửi hồ sơ về Sở y tế thông báo đã hoạt động để Sở theo dõi, quản lý nội dung liên quan. Số lượng CSLĐ rất đông, ví dụ riêng quận Hai Bà Trưng có 132 cơ sở, quận Cầu Giấy có trên 100 cơ sở. Hiện Sở y tế Hà Nội đã chỉ đạo các phòng y tế thống kê, tập huấn để những cơ sở này hoạt động đúng pháp luật.

Ông Cường khuyến cáo người có nhu cầu làm đẹp sử dụng dịch vụ làm đẹp cần phân biệt rõ phòng khám PTTM và CSLĐ. Lí do là mỗi cơ sở đều có phạm vi hoạt động nhất định. Chẳng hạn sửa mi, sửa mũi là hoạt động có sự xâm lấn, có gây chảy máu phải đến cơ sở PTTM do Sở y tế cấp phép.

Cách phân biệt dễ nhất theo ông Cường dựa vào thông tin trên biển hiệu. Cụ thể,  phòng khám PTTM phải có tên phòng khám chuyên khoa, tên bác sĩ, số giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, giờ làm việc.

Đối với CSLĐ, từ đầu năm đến tháng 7/2017, Sở y tế và các phòng y tế qua kiểm tra nhận thấy vi phạm chủ yếu như sử dụng mỹ phẩm xách tay không chứng minh nguồn gốc xuất xứ, quảng cáo khi chưa xin phép hoặc quảng cáo quá nội dung cho phép. Ngoài bị xử phạt hành chính, Sở đã buộc đơn vị vi phạm tháo dỡ những nội dung quảng cáo không đúng.

“Bản thân người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, lợi ích kinh tế của mình. Cần có thói quen khách hàng có quyền hỏi rõ những thông tin như giấy phép, mức kinh phí. Nếu cơ sở này không đáp ứng có thể đến cơ sở khác. Trường hợp có vấn đề phải phản ảnh về đường dây nóng ngành y tế theo số máy 0243.998.5765”, ông Cường khuyến cáo

“Lá bùa” giấy chứng nhận

Theo quy định pháp luật, trong quá trình hoạt động nếu đơn vị nào hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến y tế như hoạt động chảy máu, xâm lấn thì ngoài việc hoàn thành các thủ tục quy định như đăng kí kinh doanh, bắt buộc gửi hồ sơ về Sở y tế để Sở xem xét cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.

Ví dụ viện PTTM phải đáp ứng tiêu chí như bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ có thờị gian thực hành 54 tháng, có trình độ chuyên môn nằm trong danh sách được phê duyệt; phòng khám có các trang thiết bị chuyên dụng. Sau khi cơ quan y tế thẩm định thấy đủ thì cấp phép. Nếu phòng khám hoạt động quá phạm vi sẽ bị xử phạt 50-70 triệu đồng, tước giấy phép, tạm dừng hoạt động.

Theo lãnh đạo Thanh tra Sở y tế vừa qua xuất hiện tình trạng nhiều cơ sở làm đẹp khi bị thanh tra trưng ra những “giấy chứng nhận” của các tổ chức hội như “lá bùa hộ mệnh”. Qua khảo sát của PV nhận thấy có rất nhiều cơ sở làm đẹp thường trưng các “giấy chứng nhận”, “bằng khen” với những danh hiệu như “cơ sở trị nám bậc nhất”, “cơ sở trị nám số một” do các tổ chức hội không rõ ràng trao tặng.

Theo Chánh thanh tra Nguyễn Việt Cường, việc doanh nghiệp tham gia các hoạt động vinh danh là quyền doanh nghiệp, Sở không có ý kiến. Tuy nhiên ông Cường nhấn mạnh các loại giấy tờ trên không thay thế được các giấy tờ theo quy định pháp luật như giấy phép hành nghề, giấy phép đăng kí kinh doanh. Thanh tra Sở không căn cứ vào chứng nhận để ra kết quả kiểm tra.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ông Đặng Vũ Minh nói rằng rất cần thiết làm rõ việc một số cơ sở mang danh của Liên hiệp hội trong việc cấp các “giấy chứng nhận” như trên. Còn ông Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên hiệp hội thừa nhận có tình trạng CSLĐ sử dụng các loại giấy tờ như “bằng khen”, “giấy chứng nhận” mang danh nghĩa của Liên hiệp hội vào mục đích kinh doanh theo kiểu “đánh lận con đen”.

Ông Tân cho biết Liên hiệp hội chỉ cấp phép, trao chứng nhận trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Riêng lĩnh vực y tế, Liên hiệp hội có Tổng hội y học gồm 48 hội viên như Hội nội tiết, hội thần kinh, hội da liễu… công bố đầy đủ trên website. Trong lĩnh vực thẩm mĩ, khám chữa bệnh như hoạt động trị nấm, trị nám không thuộc quản lý của liên hiệp hội. Hội cũng không cấp phép, giấy chứng nhận liên quan đến các cơ sở trên.

Ông Cường cho biết hàng tháng thanh tra sở đều giao ban các phòng y tế. Mỗi quý giám đốc sở giao ban trực tiếp với các trưởng phòng y tế. Ngoài ra hàng năm Sở đều có kế hoạch thanh tra chuyển xuống các phòng y tế cấp quận/huyện tham khảo. Tại các buổi giao ban, sở thu thập những nội dung vướng mắc, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị.

Trong hoạt động kiểm tra thường quy sẽ có sự phân cấp nội dung giao cấp phòng, phường/xã kiểm tra. Sắp tới Sở lập chuyên đề phối hợp với các phòng chức năng như công an tiến hành kiểm tra các CSLĐ. Kế hoạch kiểm tra được Sở thông báo về quận/huyện nhằm tránh chồng chéo.

Theo chánh thanh tra Sở y tế Hà Nội, hoạt động kiểm tra hiện gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn nhân lực thanh tra sở y tế chỉ có 3 cán bộ thanh tra khám chữa bệnh trong khi toàn TP có hơn 3.000 cơ sở khám chữa bệnh. Ngoài việc kiểm tra, lực lượng thanh tra KCB còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác như giải quyết đơn thư khiếu nại. Hay như thanh tra dược mỹ phẩm chỉ có 4 cán bộ.

Được biết năm 2017, thanh tra sở đang thực hiện chuyên đề thanh tra các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, phối hợp CATP Hà Nội kiểm 26 cơ sở, xử phạt 17 cơ sở. Số tiền xử phạt gần 400 triệu, tiêu hủy trên 3000 đơn vị mỹ phẩm (lọ/hộp). 

Đọc thêm