Thông tin này được đưa ra tại hội thảo do Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp với Văn phòng UNESCO và Trường Khoa học Liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây.
Tại hội thảo diễn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý Việt Nam và quốc tế cùng nhau thảo luận về "Khía cạnh kinh tế của di sản thế giới - bài học từ các mô hình toàn cầu và định hướng cho di sản thế giới Tràng An" và "Kinh tế du lịch và kịch bản phát triển bền vững cho di sản thế giới Tràng An và các khuyến nghị chính sách".
Từ đó, thông qua phương pháp lượng giá giá trị kinh tế tổng thể của di sản; lượng giá được tổng giá trị kinh tế (TEV) các nhà chuyên gia, nhà khoa học đã định giá được giá trị của Di sản thế giới Tràng An ước tính 213 tỉ USD.
Con số này được đo lường dựa trên nền tảng của 10 nhóm giá trị cốt lõi bao gồm: Giá trị giải trí; giá trị hệ thống cảnh quan karst; giá trị đa dạng sinh học; giá trị khảo cổ; giá trị rừng đặc dụng Tràng An; giá trị văn hóa đình, đền, chùa; giá trị văn hóa lễ hội; giá trị văn hóa nghệ thuật biểu diễn dân gian; giá trị đất ở có tác động mạnh mẽ từ di sản trong khu vực vùng lõi di sản và giá trị đất ở có tác động từ di sản trong khu vực vùng đệm di sản.
Theo ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, nghiên cứu này không chỉ giúp đo lường chính xác giá trị kinh tế của Tràng An, mà còn mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn di sản gắn liền với phát triển bền vững. Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, nghiên cứu này đánh giá tác động kinh tế của Tràng An trên bốn khía cạnh chính, đóng góp vào sinh kế của người dân địa phương; sử dụng đất bền vững; bảo tồn và phát triển du lịch di sản; khả năng phục hồi kinh tế dài hạn.
Ngoài những giá trị cốt lõi, Tràng An còn được đánh giá dựa trên những tác động trực tiếp của di sản đến kinh tế du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa của địa phương; những tác động và mối quan hệ hữu cơ giữa di sản văn hóa với hoạt động định cư và sinh kế bền vững tại địa phương.
Tại hội thảo, ông Phạm Quang Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định muốn hướng đến mục tiêu xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc nghiên cứu giá trị kinh tế, thương hiệu của các khu di sản thế giới ở Việt Nam. Chia sẻ bài học kinh nghiệm với các bạn bè quốc tế thông qua một tuyên bố Tràng An và hướng tới đề xuất với UNESCO thông qua một hiến chương về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An.
Mô hình quản lý di sản Tràng An được UNESCO đánh giá là mẫu mực trên thế giới. Trong tương lai, nơi đây được định hướng trở thành trái tim của TP Hoa Lư Ninh Bình – đô thị, thiên niên kỷ.
Không chỉ Tràng An, hiện trên thế giới có rất nhiều danh thắng, công trình nổi tiếng đã từng được định giá, có giá trị rất cao như: Tháp Eiffel (Pháp) 545 tỉ USD; Đấu trường La Mã (Ý) 114 tỉ USD; Tháp London (Anh) 89 tỉ USD; Nhà thờ Duomo (Milan, Ý) 103 tỉ USD…
Ngày 25/6/2014, Quần thể Danh thắng Tràng An chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới dựa trên 3 tiêu chí nổi bật gồm: Các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa; các giá trị về thẩm mĩ; các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo. Tại thời điểm được UNESCO ghi danh, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp thứ 31 trên thế giới, thứ 11 ở châu Á Thái Bình Dương và là di sản hỗn hợp đầu tiên khu vực Đông Nam Á.