Di tích Khám lớn Cần Thơ - những ký ức hào hùng

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Ít ai biết, Khám lớn Cần Thơ (trại giam Prison Provinciale) vẫn đứng sừng sững giữa lòng Tây Đô (TP Cần Thơ) từng là một trận địa thu nhỏ với biết bao lần đấu trí, đấu tranh trực diện đầy ác liệt của những người chiến sĩ cách mạng, người tù chính trị trước làn roi, mũi đạn của quân thù...

"Địa chỉ đỏ" giữa lòng Tây Đô

Di tích lịch sử Khám lớn Cần Thơ (số 8, đường Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều) được xem là nơi lưu giữ biết bao ký ức hào hùng xen lẫn đau thương, mất mát của quân và dân ta trong những tháng năm đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Theo tư liệu của Bảo tàng TP Cần Thơ, công trình được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1886, để phục vụ cho bộ máy cai trị dân ta.

Khám lớn Cần Thơ từng là một trận địa thu nhỏ với biết bao lần đấu trí, đấu tranh trực diện của những chiến sĩ cách mạng, người tù chính trị trước làn roi, mũi đạn quân thù.

Khám lớn Cần Thơ từng là một trận địa thu nhỏ với biết bao lần đấu trí, đấu tranh trực diện của những chiến sĩ cách mạng, người tù chính trị trước làn roi, mũi đạn quân thù.

Khám lớn Cần Thơ với 21 phòng giam tập thể cùng nhiều phòng biệt giam là nơi giam giữ những người yêu nước, các chiến sĩ cách mạng rơi vào tay giặc. Nhất là sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp điên cuồng dùng mọi thủ đoạn khủng bố, trả thù quân và dân ta.

Nhiều cán bộ lãnh đạo, Đảng viên cùng các chiến sĩ cách mạng đã bị thực dân Pháp bắt giam, tra tấn dã man. Điển hình như ông Quản Trọng Hoàng (Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ), ông Lê Văn Nhung (Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ), ông Ngô Hữu Hạnh (Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ)…

Đến thời kỳ đế quốc Mỹ, quân địch đã dùng "Luật 10/59" để khủng bố, kìm kẹp quân và dân ta, bắt giam tất cả những người tình nghi là "Việt cộng". Số tù nhân trong mỗi phòng giam có khi hơn 100 người. Với những tù chính trị đặc biệt, địch nhốt riêng ở các phòng biệt giam và tiến hành tra tấn với nhiều hình thức dã man. Nhiều tù nhân không chịu nổi chế độ giam cầm, tra tấn, ăn uống khắc nghiệt, chết dần chết mòn trong nhà lao tối tăm này.

Dù bị tra tấn đến ‘chết đi sống lại’ nhưng các người tù chính trị vẫn bất khuất, đấu tranh với quân thù đến hơi thở cuối cùng.

Dù bị tra tấn đến ‘chết đi sống lại’ nhưng các người tù chính trị vẫn bất khuất, đấu tranh với quân thù đến hơi thở cuối cùng.

Dù bị tra tấn đến "chết đi sống lại" nhưng các tù chính trị vẫn có Chi bộ, Đảng bộ sinh hoạt học tập, cùng như tổ chức đấu tranh với quân thù. Theo tư liệu, có lần các nữ tù chính trị đã lợi dụng thời cơ đánh tên Năm Bia (kẻ chỉ điểm, phản bội) khiến cả khu trại giam náo động; có những lần tù chính trị tổ chức đấu tranh đòi quyền được y tá đến cấp thuốc chữa bệnh, chống chào cờ địch, đòi cải thiện chế độ ăn uống trong nhà tù… Cũng bởi tinh thần đấu tranh bất khuất, quyết giữ gìn phẩm chất cách mạng đến hơi thở cuối cùng, những người tù chính trị đã cảm hoá và giáo dục giác ngộ cách mạng được nhiều giám thị, lính canh nơi đây.

Phút chạnh lòng…

Khám lớn Cần Thơ đã trở thành địa điểm tìm về lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau. Bởi, khi đến tham quan Di tích lịch sử Khám lớn Cần Thơ, du khách sẽ được "tận mục sở thị" nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật có liên quan hoặc gắn liền với những người tù binh, tù chính trị. Đến đây, du khách được nghe nhiều câu chuyện bi hùng, đầy cảm động về cuộc đời cách mạng của ông cha ta trong lúc bị tù đày.

Các vật dụng mà bà Lê Kim Tiến chuẩn bị cho đứa con thân yêu, chào đời trong hoàn cảnh ngục tù.

Các vật dụng mà bà Lê Kim Tiến chuẩn bị cho đứa con thân yêu, chào đời trong hoàn cảnh ngục tù.

Một trong số đó là câu chuyện nói về nữ tù chính trị Lê Kim Tiến - chiến sĩ Ban Binh vận Khu 9. Theo tư liệu của Bảo tàng TP Cần Thơ, vào những năm cuối kháng chiến chống thực dân và đế quốc, trong lúc bị bắt giam tại Khám lớn Cần Thơ, bà Tiến kết thân với bà Lê Thị Thanh (SN 1942, tên thường gọi Sáu Thanh; là cán bộ cách mạng, quê Cà Mau). Trước khi bị bắt, bà Tiến đã mang thai nên mỗi lần bị tra khảo, bà tìm mọi cách đưa lưng ra đỡ đòn để tránh tổn thương thai nhi. Sau khi sinh con trong tù thì sức khỏe của bà dần kiệt quệ, còn đứa bé bị suy dinh dưỡng nặng.

Biết bản thân khó qua khỏi nên bà Tiến tìm đến bà Sáu Thanh tâm sự và gửi gắm con. Không ngoài dự liệu, khi ra tù được một tuần thì bà Tiến qua đời. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giữ vẹn lời hứa với người đồng chí, người bạn tù, bà Sáu Thanh đã nuôi dạy và chăm sóc con bà Tiến lớn khôn, trưởng thành.

Câu chuyện trên chỉ là một mảnh nhỏ trong muôn vàn ký ức hào hùng của dân tộc ta được Khám lớn Cần Thơ lưu giữ, nhưng phần nào đã tái hiện lại những tháng năm bi hùng của quân và dân ta trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Vì thế, khi đến đây, nhiều du khách bồi hồi xúc cảm, bày tỏ tự hào và biết ơn trước sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng đã dành trọn tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do dân tộc.

Đọc thêm