Định nghĩa chỉ có ở một… “Điều lệ”!
Thực ra khái niệm “Made in Vietnam” không đồng nghĩa với việc đó là hàng Việt Nam vì hiện nay có khá nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam như Unilever, P&G, Samsung và nhiều thương hiệu dệt may lớn trên thế giới… Tất cả các sản phẩm này đều có xuất xứ là “Made in Vietnam” nhưng chúng không phải là hàng Việt, bởi chúng thuộc về các quốc gia, nơi đã sinh ra những thương hiệu này.
Do đó, tranh cãi về việc hàng Việt hay hàng “Made in Vietnam” sẽ là một câu chuyện chưa có ngay điểm dừng nếu không rạch ròi về mặt khái niệm. Trao đổi với PLVN về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, vẫn chưa có một khái niệm, định nghĩa rõ ràng về hàng Việt. Khái niệm hàng Việt xuất khẩu có thể sẽ khác với hàng Việt tiêu thụ tại nội địa vì xuất khẩu cần đến xuất xứ sản phẩm, mà xuất xứ sản phẩm lại tùy định nghĩa của từng quốc gia hoặc từng hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến chương trình “Tự hào hàng Việt” mà Bộ Công Thương vẫn tổ chức thường niên và đặt câu hỏi “hàng Việt của chương trình này là hàng Việt theo tiêu chí nào?”, Thứ trưởng Hải cho hay, hàng Việt nêu trên là hàng hóa được quy định trong Điều lệ của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Theo đó, ở tài liệu tuyên truyền về Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì hàng Việt Nam được định nghĩa “là sản phẩm hàng hoá được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài”.
Chờ Thông tư để “chính danh” cho hàng Việt
Khái niệm trên tuy rõ nhưng nó chỉ được xác lập trong phạm vi một Điều lệ của của một cuộc vận động, khuyến khích dùng hàng nội địa, bởi theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đến nay vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về việc như thế nào mới được gọi là hàng hóa sản phẩm của Việt Nam, thế nào là hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Ở Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43 ban hành năm 2017 của Chính phủ. Nghị định này quy định bắt buộc mọi hàng hoá lưu hành tại Việt Nam đều phải dán nhãn. Trên nhãn đó có một số thông tin bắt buộc như tên nhà sản xuất, tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm lưu thông hàng hóa và xuất xứ hàng hoá. Điều 15, văn bản này cũng quy định các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lưu thông hàng hoá có trách nhiệm tự xác định thông tin để đưa lên nhãn hàng hóa.
Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, thương mại khác nhau. Các Hiệp định này có các quy định về hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa. Phó Cục trưởng Hải lấy ví dụ, hiện nay, Việt Nam đang tham gia Khu vực tự do thương mại ASEAN, để cấp Giấy chứng nhận xuất xứ “mẫu D” lưu hành trong thị trường ASEAN thì hàng hóa buộc phải đáp ứng tỷ lệ 40% hàng hóa được sản xuất trong ASEAN (chứ không phải sản xuất trong Việt Nam). Điều này có nghĩa một sản phẩm có thể có 10% Thái Lan, 10% Indonesia, 15% Malaysia và chỉ 5% của Việt Nam… vẫn sẽ phải cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ “mẫu D” cho sản phẩm này.
Ông Hải khẳng định: “Như vậy, chúng ta vẫn chưa có quy định rõ ràng về việc xác định tỷ lệ hàng hóa như thế nào thì được coi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam hoặc hàng hóa của Việt Nam. Vì thế, Bộ Công Thương đang soạn thảo một văn bản quy định về việc thế nào hàng hoá sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng đối với hàng hóa lưu thông trong nước”, vị đại diện Cục Xuất nhập khẩu nói.
Được biết, văn bản trên dự kiến sẽ được xây dựng thành một Thông tư. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương dự kiến sẽ lấy ý kiến rộng rãi các Hiệp hội, doanh nghiệp, người tiêu dùng… để quy định ra đời sát thực với thực tế, ngăn chặn được tình trạng gian lận thương mại và khuyến khích nền sản xuất trong nước phát triển.
Nếu những nhà làm chính sách sớm hiện thực hóa những điều vừa nói thì cuộc tranh cãi giữa khái niệm hàng Việt hay hàng “đội lốt” hàng Việt mà PLVN từng đề cập trong thời gian gần đây sẽ sớm có hồi kết. Việc người Việt Nam mong muốn được tiêu dùng những sản phẩm đích thực do người Việt làm ra trên chính lãnh thổ của mình là một đòi hỏi chính đáng, thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Để được như vậy, không cách nào khác, chúng ta phải không ngừng thúc đẩy nền sản xuất nội địa, để sản phẩm Việt Nam “hữu xạ tư nhiên hương”, thay đổi dần thói quen tiêu dùng trong nước. Việc này cũng khiến cho doanh nghiệp Việt có ý thức hơn trong việc hình thành các thương hiệu thuần Việt để giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế.