Đi tìm hàng việt cho người Việt: Kỳ 2 - Những thương hiệu “vang bóng một thời”

(PLVN) - Để những chiếc xe đạp Thống Nhất vẫn lăn bánh trên phố, những chiếc bóng đèn Rạng Đông vẫn sáng trong mỗi ngôi nhà… như một niềm kiêu hãnh của người Việt, những nhà sản xuất, những doanh nghiệp (DN) trong nước đôi khi phải “cân não” để giải “bài toán” phục hồi thương hiệu Việt. 
Những hàng Việt “xịn”, được người tiêu dùng tin cậy như thương hiệu bóng đèn Rạng Đông vẫn thưa vắng trên thị trường

Làm mới thương hiệu xưa 

Chắc chắn những người thuộc thế hệ 6X, 7X không thể quên những thương hiệu Việt Nam có “tuổi đời” lên tới 60 - 70 năm như giày Thượng Đình, xe đạp Thống Nhất, bóng đèn phích nước Rạng Đông... Thế nhưng giờ đây, kinh tế mở cửa, hàng ngoại ồ ạt tràn vào như những con sóng đẩy những thương hiệu xưa về một góc nhỏ, với một thị phần khiêm tốn. Và câu chuyện giữ lại thị phần hàng Việt trên “sân nhà” không phải là bài toán đơn giản.

Ông Vũ Đức Lĩnh - cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Thống Nhất từng chia sẻ, xe đạp Thống nhất là thương hiệu đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, do vậy, để giữ gìn niềm tự hào và thương hiệu của người Việt, lãnh đạo công ty xác định, bên cạnh tiêu chí chất lượng là quan trọng, việc sử dụng các linh phụ kiện được sản xuất trong nước để tạo ra một sản phẩm mang thương hiệu thuần Việt cũng được coi trọng không kém.

Và đó chính là kim chỉ nam để Thống Nhất vượt qua khó khăn, vươn lên khi nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn hội nhập mạnh mẽ nhất. Giữa “cơn lốc” của những dòng sản phẩm ngoại nhập, đặc biệt là sản phẩm của các nước có nền công nghiệp tiên tiến, thì việc chọn hướng đi là tận dụng những linh phụ kiện sản xuất trong nước đã gia tăng sức mạnh để xe Thống Nhất có thể cạnh tranh sòng phẳng với các hãng xe nước ngoài với giá cả thấp hơn nhiều lần.

Khác với thời bao cấp - “một mình, một sân”, Bóng đèn, phích nước Rạng Đông nay cũng chịu nhiều áp lực từ những sản phẩm đến từ châu Âu, Trung Quốc…  Trước tình thế đó, Rạng Đông quyết tâm tận dụng chất xám của các nhà khoa học trong nước, trên cơ sở các nguyên liệu mà Rạng Đông vẫn dùng để cho “ra lò” những sản phẩm ưu việt, có thể tự tin nằm ngang các mặt hàng nhập ngoại trên kệ hàng. 

Tổng Giám đốc  Bóng đèn phích nước Rạng Đông - ông Nguyễn Đoàn Thăng từng cho biết, chính sự kiên trì theo đuổi chất lượng và duy trì sản phẩm nội của Rạng Đông đã khiến nhiều cho doanh nghiệp có ý định làm giàu bằng việc nhập đèn LED giá rẻ của Trung Quốc về Việt Nam phải thay đổi ý định do chất lượng không thể sánh với Rạng Đông. Với cách này, Rạng Đông vẫn giữ được thị trường của mình, khẳng định vị thế sản phẩm “Made in Vietnam”.

Tiếp sức cho hàng Việt 

Trong khi nhiều DN đang tìm mọi cách gia tăng doanh số bán hàng và lợi nhuận bằng cách thuê gia công sản phẩm hoặc nhập hàng về nước, gắn mác Việt Nam rồi đem tiêu thụ, thì những DN tâm huyết muốn giữ gìn và gia tăng sức mạnh thương hiệu Việt như ông chủ xe đạp Thống Nhất, bóng đèn phích nước Rạng Đông…. lại rất khó tìm. Những người trăn trở, phục hồi nền sản xuất Việt bằng chính bàn tay, khối ốc của người Việt lại càng hiếm hơn. 

Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Hòa Bình Group – đơn vị chủ sở hữu Trung tâm thương mại V+ (TTTM V+)  ở 505 Minh Khai (Hà Nội), cũng từng khiến nhiều người giật mình khi quyết định cho thuê 5 tầng ở TTTM V+ giá 0 đồng, với điều kiện hàng hóa trưng bày tại đây phải là hàng sản xuất ở Việt Nam 100%. Một nhân viên bán hàng tại TTTM V+ cho biết, đã từng có quầy hàng bị phạt vì nhập hàng Trung Quốc vào bày tại đây. Sự hào hiệp của ông Đường là thế, nhưng tới giờ này, TTTM V+  vẫn vắng bóng các gian hàng vì tiêu chí  của V+ phải là 100% hàng Việt. Chẳng nhẽ nền sản xuất Việt èo uột đến thế? 

Ông Đường cho biết, ông lập V+ với mong muốn giúp đỡ được phần nào các DN đang cố gắng sản xuất hàng Việt. Khi có nơi để trưng bày và bán hàng, tức là đã giảm được một phần chi phí cho DN và khi ấy chắc chắn DN, nhà sản xuất nội địa sẽ hứng khởi, khởi động lại dây chuyền sản xuất để cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại.

Quan điểm của ông chủ Hòa Bình Group là DN có thể nhập linh, phụ kiện và nguyên liệu nhưng phải sản xuất ở Việt Nam chứ không phải làm thương mại, không phải mua hàng về rồi gắn mác “Made in Vietnam”. Bởi sản xuất là thêm công nhân, đầu tư thêm máy móc và từ đó sẽ có nhiều giá trị gia tăng cho người Việt. Thế nhưng đến tận giờ này, sự đau đáu của ông vẫn chưa được đáp lại khi V+ vẫn thưa vắng những gian hàng do chính người Việt tạo ra.

Đọc thêm