Cứ tai nạn là thiệt hại nghiêm trọng
Từ vụ tai nạn kinh hoàng tại Bình Thuận khiến 12 người chết hôm 22/5 tại Bình Thuận vừa qua lại dóng thêm một một hồi chuông cảnh báo an toàn giao thông đối với xe giường nằm.
Điển hình có thể nhắc tới những vụ tai nạn nổi cộm như vụ tai nạn xảy ra vào ngày 9/2/2015, tại QL1A đoạn thuộc thôn Minh Tiến - Hàm Minh - Hàm Thuận Nam - Bình Thuận, do xe giường nằm BKS 51B-14122 lưu thông hướng từ TP HCM ra Nghệ An chạy lấn đường đã tông trực diện xe khách BKS 86B–00284 lưu thông chiều ngược lại. Vụ tai nạn làm 10 người chết, 9 người bị thương.
Ngày 22/4/2015, trên Quốc lộ 1A, đoạn qua ấp Suối Tre, xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, xe giường nằm do tài xế Lương Xuân Thủy, 35 tuổi, cầm lái chạy đang lưu thông hướng Nam - Bắc bất ngờ đâm vào dải phân cách cứng giữa đường khiến chiếc xe mất thăng bằng và lật nghiêng. Vụ tai nạn làm 7 người bị thương.
Ngày 29/4/2015, tại đường tránh Nam Hải Vân (đoạn qua thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), xe giường nằm BKS 74B. 00237 lưu thông tốc độ cao bất ngờ tông vào xe ô tô Toyota Camry BKS 43A. 12315 do tài xế Nguyễn Hoàng Anh (SN 1987, ngụ TP Đà Nẵng) điều khiển chở theo 6 người. Hậu quả, 4 người ngồi trên xe ô tô con tử vong tại chỗ trong đó có 1 bé trai 2 tuổi.
Ngày 10/5/2015, khi đang lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua thôn 2, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi), xe giường nằm của nhà xe Xuân Tùng chạy hướng Đà Nẵng - TP HCM bất ngờ mất lái lao qua bên kia đường rồi tông vào ô tô 12 chỗ BKS 92B-00528 đi hướng ngược lại. Tai nạn khiến 7 trong số 8 người trên xe 12 chỗ bị thương nặng.
Ngày 23/6/2015, xe giường nằm 46 chỗ chở đầy khách đang chạy trên quốc lộ 27, tuyến Gia Lai đi Đà Lạt, khi đến đèo Lò Xo (Quảng Nam) đã lao xuống vực sâu do tránh xe tải đi ngược chiều. Vụ tai khiến 1 người tử vong, gần 50 hành khách trên xe, trong đó có nhiều trẻ em và hai du khách quốc tịch Pháp hoảng loạn.
Trước vụ tai nạn khiến 13 người chết hôm 22/5/2016 tại Bình Thuận, trước đó một ngày (21/5) xe giường nằm Châu Tuyết va chạm với máy rải thảm nhựa ở Quảng Trị hôm 21/5 vừa qua cũng khiến 1 người tử vong. Hay như ngày 14/4 và 23/4/2016, cũng đã xảy ra 2 vụ cháy xe khách giường nằm tại Vũng Tàu và Kon Tum.
Khó thoát hiểm vì thiết kế bí
Trao đổi với phóng viên, một chủ doanh nghiệp vận tải hành khách cho rằng, chủng loại xe giường nằm không thể an toàn như xe chỉ trang bị ghế ngồi và xe ở Việt Nam không có Quy định về Cửa thoát hiểm nên rất nguy hiểm cho hành khách khi xe gặp tai nạn.
Theo nhiều ý kiến của thành viên diễn đàn Otofun.net thì sự thay đổi trong thiết kế vị trí bình dầu trên xe giường nằm so với xe khách ghế ngồi chính là nguyên nhân của các vụ cháy nổ. Khác với xe khách ghế ngồi có vị trí bình dầu nằm giữa thân xe, xe giường nằm thiết kế vị trí bình dầu nằm ngay dưới ghế tài xế, dưới hệ thống dây dẫn và bảng điện của xe.
Đây là vị trí khá nguy hiểm khi xảy ra tai nạn đâm trực diện bởi vị trí lái xe luôn là vị trí chịu thiệt hại nặng nhất trong mọi vụ tai nạn. Sức ép từ vụ va chạm đã gây vỡ bình dầu cộng với tia lửa do va chạm và nhiệt độ cao ngoài trời dễ gây ra vụ cháy kinh hoàng.
Về thiết kế xe, chính các vật liệu dễ cháy trên xe khách giường nằm như xốp cách nhiệt, đệm mút, chăn, gối mới là “kẻ tiếp tay” cho vụ cháy mau chóng lan rộng ra toàn xe. Khác với xe khách ghế ngồi thường có thiết kế thoáng rộng, xe khách giường nằm có hệ thống giường đệm san sát nên khả năng cháy lan rất cao.
Ông Thân Văn Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, khi hoán cải xe khách ghế ngồi thành xe giường nằm đòi hỏi phải cắt rời khoang hành khách để nâng chiều cao thân xe, kết hợp hạ thấp sàn xe, mới lắp được hai tầng ghế nằm.
“Ðiều này, sẽ ảnh hưởng lớn tới sự liên kết giữa khung và vỏ xe. Nếu tai nạn giao thông xảy ra, việc chắp nối khung, vỏ xe dễ bị gãy, tạo ra nhiều vật sắc nhọn gây thương tích nặng hơn cho hành khách. Hoặc một số xe hoán cải tăng thêm chiều cao thân xe chưa phù hợp với kết cấu sắt si, hệ thống gầm, cầu xe; có xe do vốn đầu tư sửa chữa, hoán cải ít, cho nên không lắp phanh từ trường.
Những xe hoán cải như thế, khi phóng nhanh, vượt ẩu dễ bị trượt, vào cua hay bị nổ lốp, mất phanh, mất lái. Ðó là tình trạng chung về kỹ thuật của loại xe khách ghế ngồi hoán cải thành xe giường nằm. Trong đó có khá nhiều xe sau khi hoán cải, kiểm định lưu hành, mặc dù thiếu thiết bị bảo đảm an toàn kỹ thuật vẫn vô tư hoạt động”.
Bỏ ngỏ hướng dẫn thoát hiểm
Có một thực tế trong vận tải hành khách đường bộ, hầu hết chưa có một quy trình hướng dẫn hành khách thoát hiểm khi xe gặp sự cố. Vì thế, các vụ tai nạn giao thông không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người.
Thực tế, từ vụ tai nạn ở Bình Thuận cho đến những vụ tai nạn nghiêm trọng khác đã xảy ra trong thời gian gần đây đang là dấu hỏi đối với công tác đảm bảo ATGT hiện nay.
Anh Hoàng Quốc Ly một nạn nhân trong vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào ngày 22/5/2016 khiến 13 người tử vong và 40 người bị thương nặng. Mặc dù, đã nửa tháng trôi qua nhưng anh Ly vẫn còn run sợ khi nhắc đến sự việc trong đêm kinh hoàng: “Vừa chợp mắt ngủ, tôi bị choáng bởi tiếng động rất lớn. Chiếc xe rung chuyển dữ dội. Hàng chục người văng xuống sàn, mọi thứ hỗn loạn.
Mọi người gào thét, khóc lóc, mò mẫm trong đêm tối tìm lối thoát nhưng một số quá hoảng loạn, không thể tự tìm cho mình lối thoát, mò mẫm một lúc rồi lịm hết.
Cũng may, tôi còn tỉnh táo và biết cách đập kính để kéo được hai người ra rồi mới ngất lịm đi vì vết thương ở chân mất nhiều máu. Giá như mọi người trên chuyến xe đều bình tĩnh, biết cách thoát hiểm để giúp những người bị thương thì không đến nỗi chết nhiều thế này”, anh Ly nói.
Là một kỹ sư xây dựng, anh Trần Văn Lâm (Đống Đa, Hà Nội), trong mỗi chuyến công tác xa, anh Lâm thường lựa chọn cho xe giường nằm để có thời gian nghỉ ngơi trên xe.
Tuy nhiên, anh cho biết: “Tôi chưa bao giờ nhận được một lời hướng dẫn của lái xe, phụ xe nói cách thoát hiểm, có chăng chỉ là xếp chỗ sao cho xe chở được nhiều người nhất mà thôi! Tôi cũng chưa thấy ai nhắc nhở mình thắt dây an toàn, mà cũng làm gì có dây an toàn trên xe mà thắt!.
Thật sự, khi là hành khách trên xe, mình đã gần như giao phó tính mạng cho tài xế..nên nếu được hướng dẫn thoát hiểm để bớt đi sự phụ thuộc này thì tôi rất ủng hộ. Tôi nghĩ rằng, không chỉ mình tôi mà mọi người đều khao khát điều này”.
Vụ tai nạn ngày 9/2, Quốc lộ 1A, thuộc xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 13 người tử vong và 40 người bị thương. |
Pháp luật và Thời đại đã tiến hành khảo sát 100 hành khách đi xe giường nằm về thực trạng an toàn giao thông trên xe khách, trong số 100 người được khảo sát có tới 95,5% hành khách đều chưa bao giờ được lái xe, phụ xe hướng dẫn cách thoát hiểm khi xe gặp sự cố.
Trong khi đó, có 86,6% đều cho rằng, nếu được hướng dẫn thoát hiểm sẽ giảm thiểu được thương vong khi xảy ra tai nạn. Đặc biệt, có tới 56% hành khách cho rằng, khi xảy ra tai nạn gây thiệt hại lớn về người là do hành khách chưa được hướng dẫn.