'Đi từng ngõ, gõ từng nhà' hướng dẫn người dân huyện Kiên Hải sử dụng dịch vụ số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kết quả bước đầu thực hiện phong trào thi đua “Kiên Hải thực hiện chương trình Chuyển đổi số” giai đoạn 2022-2025, do UBND huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) phát động, đã thu kết quả tích cực...
Một góc Kiên Hải hôm nay.
Một góc Kiên Hải hôm nay.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải cho biết: Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số và phát động thi đua “Kiên Hải thực hiện chương trình Chuyển đổi số” giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu nội dung của Kế hoạch xoay quanh chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính quyền số được các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện triển khai, ứng dụng vận hành nhiều hệ thống thông tin. Qua đó từng bước xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đạt nhiều kết quả cao như: Đối với ngành Y tế, ứng dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế các xã. Việc này giúp ngành thực hiện tốt công tác quản lý bệnh nhân, quản lý thuốc, khám chữa bệnh trên phạm vi huyện... Từng bước hình thành và phát triển cơ sở dữ liệu toàn diện ngành y tế.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai sử dụng đồng bộ các giải pháp, phần mềm ứng dụng trong toàn ngành. Thực tế ứng dụng phần mềm quản lý trường học, sổ liên lạc điện tử, phần mềm quản lý nhân sự ngành giáo dục, Quản lý thống kê giáo dục; triển khai trường đạt chuẩn quốc gia… đáp ứng đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phòng Tư pháp huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và chương trình quản lý hộ tịch đến cấp xã; Hệ thống cơ sở dữ liệu về hợp đồng, giao dịch đã được công chứng trên địa bàn huyện. Phòng Tài chính - Kế hoạch: Triển khai hệ thống phần mềm quản lý ngân sách phục vụ quản lý công tác tài chính kế toán đến cấp xã.

Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn huyện Kiên Hải” cũng được Công an huyện triển khai và thực hiện tốt.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải (Kiên Giang).

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải (Kiên Giang).

Có thể nói, năm 2024, Kiên Hải tập trung triển khai, phát triển các nền tảng số, qua đó giúp các cơ quan Nhà nước quản lý, điều hành nghiệp vụ chuyên ngành như “Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Huyện hướng đến phát triển hạ tầng du lịch thông minh; quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; Xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh, hình thành nền tảng số. Huyện hướng đến xây dựng nền giáo dục thông minh, nền giáo dục số, hiện đại. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, quản trị thông minh để nâng cao chất lượng y tế.

Nhìn chung, thời gian qua lãnh đạo huyện Kiên Hải đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản đạt kế hoạch đề ra về thực hiện chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, huyện phấn đấu thực hiện đạt từ 80% trở lên dịch vụ công trực tuyến, 70% số hoá hồ sơ và 30% thanh toán trực tuyến theo kế hoạch của tỉnh. Huyện cũng đã cấp 186 tài khoản email công vụ cho công chức từ huyện đến các xã. 100% cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã được thiết lập tài khoản để tiếp nhận văn bản đến và chuyển phát văn bản đi trên hệ thống văn phòng điện tử (trừ văn bản mật).

Du khách đến Kiên Hải tham quan, vui chơi.

Du khách đến Kiên Hải tham quan, vui chơi.

Do đặc thù là huyện đảo, còn 2/4 xã chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường truyền Internet hữu tuyến nên việc triển khai chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực, nhân lực quản lý, giám sát an toàn, an ninh mạng và hướng dẫn việc thực hiện chuyển đổi số trên huyện còn hạn chế, đa số là kiêm nhiệm; Cơ sở vật chất (nền tảng số) chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được nhu cầu triển khai Chuyển đổi số trên địa bàn huyện.

Từ đó, Huyện Kiên Hải cũng đã kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hỗ trợ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho lực lượng công chức phụ trách chuyên môn ở địa phương. Nhất là các thành viên của Tổ công nghệ cộng đồng. Đây là 2 lực lượng quan trọng ở cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn trực tiếp người dân” sử dụng các dịch vụ số trên các nền tảng số.

Đọc thêm