Đi vào thực chất để giải quyết vấn đề

(PLO) -  Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 5,Quốc hội khóa XIV, được tiến hành với phương thức mới hỏi ngắn, đáp gọn đã “có kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đồng tình, đánh giá cao” như nhận xét của bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội.
Hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV có sự cải tiến để tăng cường tính đối thoại và tranh luận.

Bám sát vấn đề, tích cực tranh luận

Tổng kết phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6/6, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội nhận xét: “Qua các phiên chất vấn cho thấy các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, bức xúc được đông đảo các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cũng như dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm. Nhìn chung các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn, hỏi ngắn, đáp gọn tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đồng tình, đánh giá cao”. 

Thực hiện quyền chất vấn, “Đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc cơ bản chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận để làm rõ thêm nội dung chất vấn mặc dù cũng còn một số đại biểu đặt nhiều câu hỏi hoặc hỏi nhiều nội dung trong câu chất vấn, chất vấn quá thời gian quy định, đăng ký tranh luận nhưng lại đặt câu hỏi” - Chủ tịch Quốc hội nhận xét. 

Qua phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Các thành viên của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC đã nắm chắc tình hình thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, đã trả lời thẳng thắn và giải trình rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình và cam kết khắc phục những hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ  luật, kỷ cương quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới”.

Đồng thời bà Ngân khẳng định:  “Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của các ngành trong việc trả lời chất vấn, trong sự chỉ đạo, điều hành, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên. Một số nội dung đã được Quốc hội chất vấn, giám sát nhưng chuyển biến còn chậm, chưa đạt yêu cầu như mong đợi. Do vậy cần có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để tạo sự chuyển biến thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân”.

Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy Quốc hội, các đại biểu Quốc hội không chỉ nêu ra những hạn chế, bất cập mà còn thể hiện trách nhiệm đồng hành, chung tay, sát cánh cùng Chính phủ, với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Trong những vấn đề Quốc hội, cử tri yêu cầu có nội dung liên quan đến công tác quản lý, điều hành có thể chấn chỉnh, triển khai ngay, nhưng cũng có những nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần xem xét, sửa đổi chính sách pháp luật để triển khai một cách đồng bộ mới có hiệu quả.

Sau kỳ họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở cho việc giám sát triển khai thực hiện. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp. Thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau. 

Tăng cường tính đối thoại, tranh luận để giải quyết vấn đề

Phương thức hỏi ngắn, đáp gọn được thực hiện ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 là một bước cải tiến, đổi mới nổi bật. Mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút để đảm bảo việc chất vấn và trả lời chất vấn bám sát vấn đề, phân tích đúng nguyên nhân, đưa ra được giải pháp. Phương thức chất vấn và trả lời chất vấn mới được nhấn mạnh tại kỳ họp còn giúp hạn chế đi vào sự việc, sự vụ, tránh báo cáo thành tích, dẫn dắt số liệu, lòng vòng, không đúng trọng tâm khiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn không đạt hiệu quả mong muốn, gây tâm lý “thiếu tin tưởng” trong cử tri và dư luận đối với hoạt động giám sát quan trọng này của Quốc hội.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho rằng: Việc cải tiến, đổi mới này nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội. Sự điều chỉnh này làm tăng số lượng các đại biểu được hỏi và tập trung vào các vấn đề chính nên thời lượng cho mỗi đại biểu hỏi là 1 phút và người trả lời chất vấn 3 phút, thay vì nội quy là 5 phút đối với mỗi câu hỏi. Qua đó, tạo điều kiện cho nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và cũng để cho người trả lời chất vấn đi thẳng vấn đề, làm cho không khí chất vấn sôi động hơn và được sự quan tâm của cử tri. 

Ông Lê Bộ Lĩnh đánh giá qua thí điểm tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đổi mới về thời lượng hỏi và trả lời chất vấn được cử tri đánh giá cao vì không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn thể hiện năng lực của người hỏi và người trả lời, đi thẳng vào vấn đề chứ không dàn trải. Bởi thực tế có đại biểu hỏi nhưng lại dẫn giải nhiều rồi mới đi đến câu hỏi, sự thay đổi này đòi hỏi đại biểu đặt thẳng câu hỏi và người trả lời phải trả lời vào nội dung chính thuộc trách nhiệm của mình. 

Ngay trước khi phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, trả lời chất vấn trực tiếp từng câu hỏi của từng đại biểu chứ không tập trung theo nhóm vấn đề như trước đây và kỳ vọng cách thức đổi mới hỏi nhanh, đáp gọn được các đại biểu và cử tri kỳ vọng sẽ tăng số lượng câu hỏi gửi đến các Bộ trưởng, trưởng ngành và đi thẳng vào câu hỏi để trả lời trọng tâm các vấn đề mà cử tri quan tâm. Theo ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), phương thức chất vấn và trả lời chất vấn được cải tiến tại kỳ họp sẽ giúp “đối thoại tranh luận trực tiếp giữa đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn sẽ có hiệu quả và chất lượng cao hơn”.

Như trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể - mở đầu cho phiên chất vấn và trả lời chất lời chất theo phương thức hỏi ngắn, đáp gọn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã trả lời 3 câu hỏi của các ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về khắc phục việc thu phí BOT thực hiện trên các cơ sở mở rộng nâng cấp đường quốc lộ 1, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về tình trạng đường sau khi cải tạo, nâng cấp đã chênh lệch cốt rất lớn giữa nhà dân và hè đường, gây bức xúc trong nhân dân và ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về thời điểm thực hiện xong việc thu phí tự động không dừng ở các trạm BOT trong cả nước nhằm minh bạch hơn việc thu phí tại các trạm đó “đúng 9 phút và đi thẳng vào vấn đề” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét. 

Bằng phương thức hỏi ngắn, đáp gọn, phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT đã có 36 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu Quốc hội với 21 lượt tranh luận. Còn lại 17 đại biểu Quốc hội xin đề nghị gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản. Như vậy, phương thức hỏi ngắn, đáp gọn giúp cho đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ có thời gian để làm rõ hơn, sâu hơn những vấn đề cử tri quan tâm, lý giải những nguyên nhân, cùng tìm ra giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. 

Mặc dù vẫn còn đại biểu chưa thực hiện đúng phương thức “hỏi nhanh”  1 phút hoặc tranh luận “lệch” thành đặt câu hỏi, song sau chất vấn, đại biểu và cử tri vẫn đánh giá tích cực và mong muốn những đổi mới về hình thức của phiên chất vấn lần này tiếp tục có sức lan tỏa để những vấn đề đang tồn tại, những đòi hỏi thực tiễn cuộc sống đang đặt ra luôn được xử lý nhanh, sớm, dứt điểm.

Các Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Trần Hồng Hà, Đào Ngọc Dung, Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng và các Bộ trưởng Tài chính, Công an, Nội vụ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC đã tham gia báo cáo, giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ để báo cáo, giải trình, cập nhật thêm tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018, một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và những nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp. Đồng thời Phó Thủ tướng đã làm rõ thêm những nội dung liên quan đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo đời sống nhân dân. 

Đọc thêm