Khái niệm vật đặc định được nêu tại Điều 113 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 114 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì: “c) Trường hợp vật không còn hoặc bị hư hỏng đến mức không sử dụng được mà đương sự có thỏa thuận khác về việc thi hành án thì Chấp hành viên thi hành theo thỏa thuận.
Trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết về thiệt hại do vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không sử dụng được”.
Tuy nhiên, nhiều địa phương phản ánh trên thực tế, trong rất nhiều trường hợp thi hành nghĩa vụ trả vật đặc định nhưng vật đặc định không còn, đương sự không thỏa thuận được về việc thi hành án và dù đã được hướng dẫn nhưng đương sự không thực hiện việc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình mà trước sau vẫn chỉ một mực đòi thực hiện trả vật đặc định theo án tuyên. Đây là lý do dẫn đến một số vụ việc bị tồn đọng không có hướng giải quyết dứt điểm được.
Trước đây, Luật THADS năm 2008 quy định đối với trường hợp này nếu “đương sự không thỏa thuận được thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án. Đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thiệt hại do vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không sử dụng được”. Tuy nhiên, đến nay do quy định về việc trả đơn yêu cầu thi hành án đã bị bãi bỏ, trong khi các trường hợp về đình chỉ thi hành án quy định tại Điều 50 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 lại chưa có quy định về trường hợp này nên số việc tồn đọng trên vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Cái khó với các địa phương ở chỗ nếu xếp hồ sơ sang diện chưa có điều kiện thi hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44a Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì chưa hợp lý về mặt thực tế, do việc chưa có điều kiện thi hành là loại việc tại thời điểm này chưa có điều kiện để thi hành nhưng khả năng trong tương lai có thể có điều kiện để thi hành án trở lại. Với trường hợp này, tại thời điểm xác minh vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ đã không còn tồn tại hoặc đã bị hư hỏng đến mức không thể sử dụng được thì đã xác định được khả năng để thi hành nghĩa vụ đó trên thực tế không còn, mà lại đưa vụ việc vào diện chưa có điều kiện thi hành án sẽ làm tăng lượng án tồn đọng kéo dài, không phù hợp với điều kiện thực tế. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 372 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì căn cứ chấm dứt nghĩa vụ là “bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một” và “vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác”.
Từ vướng mắc trên, Cục THADS tỉnh Bắc Giang phân tích, xét về mặt lôgic nên bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44a về xác định việc chưa có điều kiện thi hành án và bổ sung nội dung quy định này tại khoản 1 Điều 50 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thành căn cứ để đình chỉ thi hành án để phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, đồng thời có hướng giải quyết dứt điểm các hồ sơ thi hành án còn tồn đọng, không có biện pháp giải quyết. Trường hợp sau khi đình chỉ thi hành nghĩa vụ trả vật đặc định, đương sự khởi kiện tại Tòa và được thụ lý giải quyết bằng một bản án khác thì cơ quan THADS thực hiện việc tổ chức thi hành vụ việc theo quyết định của Tòa án theo bản án mới tuyên, như vậy quyền lợi của đương sự vẫn được đảm bảo trên thực tế. Cục THADS TP Hà Nội thì kiến nghị ngắn gọn là cho áp dụng lại cơ chế trả đơn yêu cầu thi hành án.
Tuy nhiên, trước đề xuất của địa phương, Tổng cục THADS đưa ra phương án giải quyết với thái độ dứt khoát. Theo đó, đối với trường hợp vật đặc định không còn mà các bên không thỏa thuận được phương thức thi hành án thay thế thì nội dung bản án, quyết định của Tòa án vẫn chưa được thi hành nên không có căn cứ đình chỉ thi hành án như đề nghị của một số địa phương.