Tính đến ngày 20/8, tại 4 nước Tây Phi đã ghi nhận 2.615 trường hợp mắc, trong đó có 1.427 trường hợp tử vong. Đã ghi nhận hơn 225 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, trong đó có gần 130 người đã tử vong; ngoài ra còn ghi nhận 1 bệnh nhân Tây Ban Nha đã tử vong; 2 người Mỹ mắc bệnh.
Theo thông tin mới nhận của Bộ Y tế, ngoài 4 quốc gia đã công bố dịch, Cộng hòa Dân chủ Công-Gô cũng ghi nhận 24 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola, trong đó có 13 trường hợp tử vong và đã xác định được 4 mẫu dương tính với virus Ebola.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy những trường hợp mắc Ebola đầu tiên tại Cộng hòa Dân chủ Công-Gô có liên quan tới việc lây truyền từ động vật sang người trong quá trình chế biến thịt thú rừng và sau đó lây lan cho những người trong gia đình và những người xung quanh.
Trước tình trạng dịch bệnh gia tăng nhanh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các nước cần tăng cường vai trò của các cấp chính quyền, huy động tham gia của cộng đồng và phối hợp liên ngành trong việc phát hiện sớm những trường hợp nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Đồng thời, tăng cường đầu tư nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như đẩy mạnh truyền thông để phòng chống dịch bệnh.
Tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa phát hiện người nhiễm virus Ebola. Bộ Y tế đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tại các cửa khẩu quốc tế để phát hiện sớm các trường hợp mang bệnh xâm nhập và không thể lây lan tại cộng đồng.
Bộ Y tế cũng cho biết, tính từ ngày 11 – 26/8, đã ghi nhận 128 người đi từ các quốc gia có dịch nhập cảnh Việt Nam. Kết quả giám sát các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch về đã phát hiện 2 công nhân Nigeria nhập cảnh ngày 19/8 có biểu hiện sốt. Sau một ngày theo dõi, sức khỏe của 2 hành khách trên ổn định, không có biểu hiện liên quan đến bệnh do virus Ebola nên Bộ Y tế đã thống nhất với WHO, USCDC chuyển sang giám sát tại nơi lưu trú.