Thót tim những chuyến phà mùa lũ

PLO - Gần 40 người đứng chen chúc trên phà. Mỗi khi gặp sóng lớn, phà lại dập dềnh khiến người nọ xô vào người kia và chúi cả về phía mũi tàu hoặc dạt hết sang một mạn phà. Người đứng cạnh mạn phà chỉ còn cách mắm môi trụ hai chân, hai tay bấu chặt vào thành phà, mắt nhắm nghiền, nếu không sẽ rơi xuống sông…
Thót tim những chuyến phà mùa lũ
“Đi phà, mặc áo phao để làm gì?” 
Mới sáng sớm, bến phà Liên Hà (xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã ồn ã tiếng nói chuyện, cười đùa của những người chờ phà sang sông. Họ phần lớn là “dân lao động” sang Vĩnh Phúc buôn bán, làm thuê, gánh gạch… Đi cùng với họ là những chiếc xe thồ chở hàng hóa nặng trịch, hay những đôi quang gánh sẫm màu mồ hôi. Tìm mỏi mắt mới thấy 3 chiếc áo phao. Ba chiếc áo phao sẽ chia sao cho gần 40 người nếu có chuyện xảy ra trên sông? “Áo phao để làm gì? Làm gì có chuyện gì mà phải dùng đến áo phao. Sợ à?” người lái phà trả lời câu hỏi của chúng tôi với vẻ giễu cợt.
Khác với bến phà Liên Hà, ở bến phà xã Chu Phan, huyện Mê Linh, Hà Nội mọi vật dụng như vật nổi cứu sinh, áo phao cứu sinh đều có đầy đủ. Tuy nhiên, phà đã xuất phát được 5 phút, vẫn chẳng thấy ai nhắc mặc áo phao.  PV  hỏi một số người trên phà: “Đi phà này có mặc áo phao không?”. “Không phải mặc đâu. Có ai mặc đâu. Đi 15 phút là sang tới bến bên kia rồi” - một phụ nữ bên xe hàng nặng trịch trả lời. 
Đống áo phao, vật nổi cứu sinh kia bỗng trở thành vô duyên. Mọi người đi lại trên sàn phà vô tư như đi trên đất liền. Thậm chí, có một đôi thanh niên ngồi gác chân lên thành phà cũng chẳng có ai ra nhắc nhở. 
Tại bến phà Vạn Phúc (xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) và bến phà Mễ Sở (xã Mễ Sở, huyện Thanh Trì) tình hình không có gì khác biệt. Những người quản lý phà, lái phà cũng không nhắc khách mặc áo phao. Có lẽ cả hai bên đều chung suy nghĩ “ đi phà có 15 phút thì việc gì phải mặc áo phao”… 
Áo phao cất gọn một chỗ, hành khách vô tư ngồi để chân lên lan can rất nguy hiểm nhưng không ai nhắc nhở.
Áo phao cất gọn một chỗ, hành khách vô tư ngồi để chân lên lan can rất nguy hiểm nhưng không ai nhắc nhở. 
“Tử thần” tìm đến 
Ông Trưởng Công an xã Chu Phan cho biết: “Bến phà hoạt động được 20 năm nay và trước giờ chưa hề để xảy ra một tai nạn giao thông đường thủy nào, cũng chưa bị lập biên bản một lần nào. Giấy phép hoạt động đầy đủ, các vật dụng đảm bảo an toàn cũng có đầy đủ… Giá vé là 5.000 đồng/người/xe. Bến hiện có hai phà hoạt động. Một phà đã cũ, một phà mới đóng vừa hoàn thành tháng trước. Phà cũ đã ngừng hoạt động để đưa phà mới vào”. 
PV hỏi lại: “Chưa bị lập biên bản vi phạm một lần nào, thế trên chuyến phà chúng tôi vừa đi không có hành khách nào mặc áo phao, không ai nhắc hành khách mặc áo phao thì xử lý thế nào? Giá vé quy định là 5.000 đồng/người/xe mà sao chúng tôi đi lại là 15 ngàn đồng/người/xe, và cũng chẳng có vé?. Phà cũ dừng hoạt động để phà mới vào thay, nhưng phà chúng tôi đi đã han gỉ, lan can xiêu vẹo, nhiều đoạn bị gãy được hàn sơ sài. Khi xuống bến, chúng tôi thấy chiếc phà mới đang nằm im lìm cạnh đó”. Trước những thắc mắc của chúng tôi, ông Trưởng Công an xã im lặng.
Thông tư 15/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định: “Phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, bảo đảm đáp ứng đủ số lượng, chất lượng và được bố trí ở nơi dễ thấy. Mọi hành khách, thuyền viên, người lái phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện, từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn”. Thông tư rõ ràng là vậy, nhưng trên thực tế quy định đó chỉ có tác dụng khi có mặt lực lượng chức năng.
Một cán bộ quản lý giao thông thủy lợi của xã Vạn Phúc chia sẻ: “Dường như chuyện áo phao, vật dụng nổi cứu sinh… chỉ được chủ phà mua về để làm vật trang trí, đối phó với lực lượng chức năng. Lực lượng chức năng đi khỏi, mọi việc lại đâu vào đó. Chuyện chở quá số người quy định cũng diễn ra thường xuyên như cơm bữa, dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng cứ vắng mặt cơ quan chức năng là họ lại ngang nhiên vi phạm. Không chỉ chủ phà, những người khách đi phà cũng chẳng thèm chú ý đến việc bảo vệ an toàn tính mạng cho mình”.
Cách đây mấy năm, một sinh viên năm thứ nhất đi phà Vạn Phúc, do không mặc áo phao, lại đứng gần lan can phà nên khi phà chao đảo đã bị ngã xuống sông, chết đuối.

Đọc thêm