Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (87.115 ca), Mỹ (48.289 ca) và Brazil (45.651 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.066 ca), Mỹ (879 ca), Brazil (773 ca) và Mexico (513 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Như vậy, 24 giờ qua Ấn Độ dẫn đầu thế giới cả về số ca bệnh phát sinh và ca tử vong mới.
WHO dự báo sẽ có nhiều vắc-xin ngừa Covid-19
Nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Soumya Swaminathan, cho biết hiện có 13 vắc xin tiềm năng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Theo bà đây là "viễn cảnh lạc quan" vì tỉ lệ thành công đặc trưng 10% cho thấy có thể sẽ có nhiều loại vắc-xin Covid-19 được phê chuẩn.
Các kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 của một số ứng cử viên vắc-xin Covid-19 sẽ có vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021.
Vị chuyên gia của WHO cũng khẳng định tổ chức này sẽ không bao giờ phê chuẩn cho loại vắc-xin nào chưa được chứng minh an toàn, dự báo việc tiêm chủng ngừa Covid-19 trên diện rộng có thể phải tới giữa năm sau mới làm được bất chấp thực tế trong nhiều tuần tới nhiều khả năng Mỹ sẽ bắt đầu phân bổ vắc-xin này.
Theo Reuters, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi cần phải sử dụng các vắc-xin công bằng và hiệu quả hơn. Tổng giám đốc WHO cho biết tới nay đã có thêm 78 quốc gia thu nhập cao gia nhập kế hoạch phân bổ vắc-xin toàn cầu "COVAX", nâng tổng số nước tham gia là 170 và con số này vẫn đang tăng thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga tiêm vắc-xin Sputnik V
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết ông đã tiêm vắc-xin Sputnik V, loại vắc-xin được chính phủ nước này phê duyệt và đưa vào sản xuất.
"Khi được các đồng nghiệp nước ngoài hỏi thăm, Sergei Shoigu cho biết ông gần đây đã được tiêm vắc-xin Covid-19 của Nga", Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố hôm 4/9.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. |
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Shoigu đang có cuộc họp với người đứng đầu cơ quan quốc phòng các nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (SNG), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) tại công viên Patriot, gần Moscow hôm 4/9.
Dùng chó phát hiện người nhiễm Covid-19 rất hiệu quả
Kết quả nghiên cứu cho thấy chó có thể học cách nhận biết "mùi" bệnh Covid-19. Cuối tháng 8/2020, Viện hàn lâm Y học Pháp đã đề nghị bổ sung đánh giá khoa học trước khi áp dụng trong thực tiễn.
Nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới đang huấn luyện chó để phát hiện người nhiễm Covid-19. Ở Pháp nổi bật có dự án Covidog của Đại học Strasbourg và dự án của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS).
Bên trong mũi chó được bao phủ bằng 200 triệu tế bào khứu giác (con người chỉ có 5 triệu tế bào khứu giác). Nhờ các tế bào khứu giác này, chó đánh hơi rất nhạy.
Virus SARS-CoV-2 không có mùi đặc biệt. Ngược lại, người nhiễm virus SARS-CoV-2 tiết ra các phân tử đặc trưng trong không khí được gọi là "các chất hữu cơ bay hơi" (volatilome).
Để huấn luyện chó, cần phải phát tán các phân tử trong không khí.
Công ty khởi nghiệp Biodesiv ở Strasbourg đã thiết kế các ống đặc biệt có chứa một hợp chất cao phân tử polymer có chức năng bắt giữ các phân tử bay hơi và sau đó giải phóng chúng dần dần.
Chuyên gia Christophe Ritzenthaler - giám đốc nghiên cứu CNRS và nhà nghiên cứu tại Viện Sinh học phân tử thực vật, giải thích: "Khi đặt polymer này cạnh các tế bào bị nhiễm, chúng ta có thể thu được mùi từ tế bào nhiễm mà không có nguy cơ bị lây nhiễm. Do đó, chó cũng như người huấn luyện đều không bị nhiễm virus trong quá trình huấn luyện".
Mới đây, một nhóm nghiên cứu thú y của Đại học Hanover (Đức) đã công bố nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành BMC Infectious Diseases cho thấy 7 con chó đã thực hiện tổng cộng 10.388 lượt kiểm tra và đã phát hiện chính xác từ 82,6%-96%.