Theo báo cáo, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện thế mạnh căn bản và khả năng chống chịu, nhờ vào sức cầu vững vàng trong nước và nền sản xuất chế tạo và chế biến định hướng xuất khẩu. Dữ liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng GDP theo giá so sánh đạt khoảng 7% năm 2019, gần với tỷ lệ báo cáo cho năm 2018, thuộc dạng cao nhất trong khu vực.
Tăng trưởng ở các ngành công nghiệp (đặc biệt là chế tạo chế biến) và dịch vụ đẩy mạnh cầu lao động; tạo ra 1,8 triệu việc làm hưởng lương giai đoạn 2016-2018, kéo lao động thoát nông và giúp tăng mức thu nhập từ lương cho các công việc trong ngành phi nông nghiệp. Đó là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giảm nghèo giảm từ 9,7% năm 2016 xuống còn 6,7% năm 2018 tính theo chuẩn nghèo quốc gia của WB.
Bước vào năm 2020, trong điều kiện hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm Việt Nam. Các ngành chế tạo chế biến, du lịch và vận tải suy giảm đột ngột trong 2 tháng đầu năm.
Việt Nam đã bắt đầu “nếm đòn” từ sự biến động khôn lường của nền tài chính toàn cầu hiện nay, giá cổ phiếu tụt dốc, độ rủi ro tín nhiệm quốc gia tăng lên và dòng vốn đầu tư suy giảm.
Áp lực lạm phát vẫn tồn tại do giá lương thực và thực phẩm ở mức cao dịp cuối năm kết hợp với khả năng hàng hóa thiếu hụt do những biện pháp hạn chế thương mại nhằm ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn tạm thời đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng của Việt Nam đạt 8%; dòng vốn FDI đổ vào lên đến 2,5 tỷ USD; ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%. Với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế đang diễn ra.
Về triển vọng, báo cáo cho biết, dù viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi trong trung hạn nhưng tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 nay đã trở thành đại dịch toàn cầu.
Ước tính sơ bộ cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có thể giảm còn khoảng 4,9% năm 2020 (nghĩa là giảm khoảng 1,6% so với dự báo của WB trước đó).
Theo WB, vì số ca bị nhiễm còn tương đối thấp (tính đến tháng 3/2020), du lịch, chế tạo và chế biến là các ngành của Việt Nam chịu tác động tiêu cực quan trọng nhất của dịch bệnh do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời, phản ánh bất định về giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu cũng như khả năng bị gián đoạn thương mại. Trong điều kiện nhiều hộ gia đình hiện nay sinh sống phụ thuộc vào lương kể cả ở các vùng nông thôn, suy giảm trong các ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng, sản xuất và chế biến có thể tạm thời làm tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020.
Vị thế kinh tế đối ngoại được dự báo sẽ xấu đi trong năm 2020 chủ yếu do suy giảm về xuất khẩu dịch vụ (du lịch) và dòng vốn FDI đổ vào ít hơn. Bội chi ngân sách tạm thời tăng lên trong năm 2020 do thu ngân sách thấp hơn và do triển khai gói kích cầu tài khóa nhằm phần nào bù đắp tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu với nền kinh tế Việt Nam.
Nỗ lực củng cố tình hình tài khóa dự kiến sẽ tiếp diễn từ năm 2021 trở đi, qua đó tiếp tục làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP.
Trong trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam được dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. Nền kinh tế sẽ lại bật lên sau đại dịch Covid-19 toàn cầu. Tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm hơn nữa, do các điều kiện thị trường lao động dự kiến tiếp tục thuận lợi.