Dịch heo tai xanh lan rộng tại phía Bắc

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), khoảng 1-2 tuần nay dịch heo tai xanh có dấu hiệu lan rộng ra nhiều địa phương phía Bắc. Ban đầu, dịch heo tai xanh xuất hiện ở tỉnh Lào Cai là cửa ngõ của khu vực Tây Bắc, sau đó lây lan ra các tỉnh như Yên Bái, Điện Biên. Hiện nay, dịch heo tai xanh xuất hiện ở Nam Định, Phú Thọ và mới đây nhất là tại tỉnh Bắc Ninh.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), khoảng 1-2 tuần nay dịch heo tai xanh có dấu hiệu lan rộng ra nhiều địa phương phía Bắc. Ban đầu, dịch heo tai xanh xuất hiện ở tỉnh Lào Cai là cửa ngõ của khu vực Tây Bắc, sau đó lây lan ra các tỉnh như Yên Bái, Điện Biên. Hiện nay, dịch heo tai xanh xuất hiện ở Nam Định, Phú Thọ và mới đây nhất là tại tỉnh Bắc Ninh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y - cho biết, vừa dẫn đầu đoàn đi kiểm tra tình hình dịch heo tai xanh tại các tỉnh như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Trong đó, tại tỉnh Bắc Ninh dịch đang lây lan nhanh chóng. Từ ngày 27/4 đến 6/5, dịch tai xanh đã xảy ra tại 98 hộ chăn nuôi heo ở 18 thôn của hai huyện Gia Bình và Quế Võ, làm hơn 2.000 con heo mắc bệnh.

"Tại tỉnh Quảng Ninh, lực lượng thú y cũng vừa báo cáo có heo bị chết, đang cho kiểm tra nhưng cũng nghi là bệnh tai xanh"- ông Năm nói. Điện Biên và Yên Bái là hai địa phương chịu ảnh hưởng của dịch tai xanh nặng nề nhất. Trong đó tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra tới ba đợt dịch tai xanh trong 5 tháng qua.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng dịch heo tai xanh xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc, nơi chăn nuôi kiểu tự túc tự cấp là không bình thường. Nguyên nhân chính là do nguồn heo giống vận chuyển từ dưới xuôi lên có chứa mầm bệnh, rồi làm dịch lây lan ra diện rộng.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, các đợt nắng nóng lên tới 39 – 42 độ C như vừa qua cũng là nguyên nhân làm dịch tai xanh bùng nổ vì sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm sút giảm. Trong khi đó, hiện nay việc chống dịch tai xanh đang gặp khó khăn do thiếu vaccine. Theo ông Tần, năm 2011 Chính phủ đã cấp cho các địa phương 500.000 liều vaccine tai xanh để tiêm thí điểm vào những vùng trọng điểm của dịch và cho hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên đến nay, lượng vaccine tồn chỉ còn lại hơn 100.000 liều. Vì vậy cần phải có thêm vaccine mới có thể ngăn chặn được dịch tai xanh đang lây lan rộng.

Được biết, Bộ NN&PTNT đã làm tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp bổ sung thêm khoảng 300.000 liều vaccine năm 2012 để tiêm phòng cho đàn gia súc. Theo thống kê của ông Hoàng Văn Năm, hiện đã cấp 40.000 liều vaccine cho tỉnh Điện Biên, 60.000 liều cho tỉnh Yên Bái. Còn lại,  Lào Cai, Nam Định, Bắc Ninh, Phú Thọ mỗi tỉnh được 20.000 liều.

Giá thực phẩm  rớt thảm

Dịch bệnh hoành hành, hệ lụy là giá các loại thực phẩm và con giống trên thị trường cả nước rớt thảm. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá con giống đã giảm xuống chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg, trong khi giá thành lên tới 8.000 đồng, nên người chăn nuôi, các chủ trại đang "kêu trời".

Giá gà thịt cũng giảm xuống chỉ còn 25.000 đồng/kg, còn heo là 46.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, nắng nóng cũng làm cho nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm mạnh, trong điều kiện sức mua vốn đã giảm hơn nhiều so với năm ngoái. Hiện tại không chỉ thịt mà cả thủy sản cũng bị rớt giá. Tại các chợ, giá cá chép trước là 95.000-100.000 đồng/kg thì hiện chỉ còn 65.000 đồng.

Truớc tình hình nắng nóng diễn biến phức tạp, theo ông Hoàng Kim Giao –Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cơ quan này cũng vừa cử đoàn đi các địa phương để kiểm tra và chỉ đạo việc chống nóng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên đàn gia súc, gia cầm.

Trường Lưu- Văn Phúc

Đọc thêm