Việt Nam đứng thứ 5 ASEAN về “Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ”
Hơn 4 năm trước - ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược TTNT). Chiến lược TTNT đặt mục tiêu chung đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chiến lược TTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam; Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; xây dựng được 10 thương hiệu TTNT có uy tín trong khu vực; phát triển được 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ Dữ liệu lớn (Big data) và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ TTNT; hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT. Đồng thời, đến năm 2030, Việt Nam hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về TTNT; có ít nhất 1 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về TTNT dẫn đầu trong khu vực ASEAN...
Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược TTNT đề ra các định hướng: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến TTNT; phát triển hệ sinh thái TTNT; thúc đẩy ứng dụng TTNT; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTNT. Chiến lược TTNT đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp và giao cho các Bộ, ngành, đơn vị triển khai thực hiện.
Thực hiện Chiến lược TTNT, đến nay đã có nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, TP đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược TTNT hoặc lồng ghép triển khai trong các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số. Đồng thời, công tác thông tin, tuyên truyền đã được các Bộ, cơ quan đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về TTNT.
Nhờ sự quan tâm và tích cực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong triển khai Chiến lược TTNT, chúng ta đã đạt một số kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực TTNT những năm gần đây đã được xã hội và thế giới ghi nhận; có nhiều sản phẩm dựa trên TTNT đã được ứng dụng trong cuộc sống; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho TTNT và đã từng bước cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ TTNT.
Theo kết quả đánh giá và công bố trong báo cáo “Chỉ số sẵn sàng TTNT của Chính phủ” (Govemment Al Readiness Index) do Oxford Insight thực hiện, năm 2023 Việt Nam vươn lên đứng thứ 5 trong ASEAN, vượt qua Philippines (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia). Năm 2023, Việt Nam có điểm trung bình đạt 54,48 điểm (năm 2022 là 53,96 và 2021 là 51,82 điểm) vượt ngưỡng trung bình thế giới, đứng thứ 59 trong số hơn 193 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2022 đứng thứ 55 trong tổng số 181 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Các cơ quan nhà nước tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ được giao
Thống kê theo nhiệm vụ được phân công, đến nay, các cơ quan nhà nước đã chủ động triển khai nhiệm vụ và đạt được những kết quả rất tích cực. Cụ thể, Bộ Quốc phòng đã đầu tư 2 Trung tâm dữ liệu trên mạng Internet quy mô hơn 300 rack (tủ thiết bị) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; 1 Trung tâm dữ liệu trong mạng nội bộ với quy mô 170 rack tại Hà Nội; triển khai hệ sinh thái điện toán đám mây gồm 13 Trung tâm dữ liệu với 9.000 rack trên diện tích 60.000m2 mặt sàn. Dự kiến năm 2030, sẽ tăng lên tới 34.000 rack; triển khai kết nối siêu băng rộng với đường trục cáp quang xuyên biển cho phép triển khai các dịch vụ nền tảng TTNT tới người dùng trên toàn thế giới. Bộ cũng đang nghiên cứu xây dựng mô hình và đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu trọng điểm về TTNT và khoa học dữ liệu trong Bộ Quốc phòng.
![]() |
Quang cảnh Hội thảo "Ứng dụng AI trong công tác hành chính" do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức năm 2024. (Ảnh: VGP/Hoàng Giang). |
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đang xây dựng Đề án Trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu và tính toán hiệu năng cao (nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 127/QĐ-TTg). Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa vào hoạt động Trung tâm tích hợp dữ liệu Data (Data Center), được thiết kế theo tiêu chuẩn Tier 3), tạo ra hạ tầng CNTT dùng chung cho phép triển khai ứng dụng công nghệ, trong đó có ứng dụng TTNT phục vụ quản lý, điều hành tác nghiệp, sản xuất và phân phối chương trình truyền hình.
Bộ KH&CN đã công bố “Nền tảng quản lý và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu KH&CN dùng chung Openscience.vn”, tạo điều kiện để cộng đồng nghiên cứu trong nước đóng góp và chia sẻ các bộ dữ liệu dùng chung, qua đó giảng viên, sinh viên, học viên trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và TTNT có thể khai thác nền tảng phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo. TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng TTNT tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030”, trong đó thành lập Trung tâm hỗ trợ, phát triển và chuyển giao TTNT và xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển TTNT tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo trên địa bàn TP.
Ngoài ra, một số Bộ, ngành, địa phương đã ban hành danh mục các cơ sở dữ liệu dùng chung như Bộ Tài chính, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đắk Nông, Bình Phước, Gia Lai, Hà Nam, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa. Một số Bộ, ngành cũng đã nghiên cứu để xây dựng quy định danh mục các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ phải dùng chung, chia sẻ, mở. Đồng thời, các Bộ, ngành và địa phương đã có các biện pháp thúc đẩy xây dựng và chia sẻ dữ liệu phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đăng ký doanh nghiệp, về bảo hiểm…
Đặc biệt, mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Nghị quyết 66-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo là Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Để thực hiện chỉ đạo trên, Nghị quyết 66-NQ/TW đã yêu cầu tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng TTNT, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Theo đó, ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng CNTT, cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ số, TTNT phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, liên thông, dễ khai thác, dễ sử dụng, an toàn thông tin và bí mật nhà nước. Bố trí kịp thời, đủ kinh phí để xây dựng, triển khai ngay Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật và Đề án ứng dụng TTNT trong công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đối với hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng TTNT, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật…