Công bằng mà nói, từ khi công nghệ thông tin của thời “3.0” vào Việt Nam, nhiều lĩnh vực đã được ứng dụng mang lại hiệu quả tích cực. Ví dụ: Người nào lần đầu tiên đến làm hộ chiếu phổ thông, nếu nhỡ quên một lần nào đó qua biên giới 3 nước giáp biên, dẫu chỉ trong một ngày sẽ được dữ liệu của cơ quan công an “mách bảo” khai lại ngay lập tức. Có nghĩa là dữ liệu được tích hợp và chia sẻ vô cùng hiệu quả.
Đáng tiếc, những việc quản lý này mới “đóng khung” trong một ngành. Từ hai ngành trở lên là Việt Nam “chuệch choạc”.
Trở lại cuộc họp đã nói ở trên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng thì quý 4/2019 sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, tích hợp và toàn bộ công khai hết. Đây là điều đáng mừng. Như vậy, nếu người nào đó đi xe mà vi phạm và bị công an giữ bằng lái xe một lần thôi, nếu khi xin cấp lại bằng mà gian dối (khai báo mất) thì sẽ lộ ra ngay, không “qua mặt” được ai. Sẽ kết nối dữ liệu với nhau và công khai toàn bộ trên mạng, truy xuất ra là biết ngay.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ GTVT cho hay, quy định hiện hành đã rất rõ, mất bằng thì thủ tục thế nào để đổi lại, đồng thời có quy định liên thông với công an. “Liên thông với công an từ năm 2012 làm hệ thống quản lý bằng lái xe nhưng nói thực là công an không chia sẻ. Khi đó lên làm việc với Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng bảo làm việc với Thứ trưởng, Thứ trưởng lại bảo xuống làm việc với một đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, rồi lại bảo xuống Cục Cảnh sát”, ông nói. Ông cũng cho biết, thực tế đã đào tạo cho 600 cán bộ công an, cung cấp cả thiết bị kiểm tra bằng giả… nhưng sau đó bên công an không chia sẻ.
Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định khi phạt thì cho vào mạng xem bằng của bất kỳ người nào để biết hình phạt, thu bằng hai tháng hay mấy tháng nhưng điều này vẫn chưa thực hiện được.
Ta cứ hay nói về “kết nối”, “liên kết”, “chuỗi giá trị” nhưng xem ra ngành nào cũng chỉ mới “kết nối” đóng khung trong ngành mình, sự “phối hợp”, “chia sẻ” dữ liệu để phát huy tác dụng trong quản lý vẫn là khâu yếu. Xem ra, đây cũng là “tư duy” cục bộ của “văn hóa cát cứ” tiểu nông trong thời đại 3.0 trước đây và là 4.0 hiện nay.
Lại nhớ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI có nêu tại một buổi thảo luận ở kỳ họp Quốc hội đầu năm 2018 rằng, Việt Nam chúng ta là nước nói về Cách mạng 4.0 nhiều nhất thế giới nhưng nói mà không làm hoặc làm rất ít; có tình trạng nói “đã mồm” xong thì bộ này, ngành kia chả biết mình phải làm gì, bắt đầu từ đâu... Nói 4.0 mà làm thì chỉ cỡ... 0.4!
Câu chuyện chia sẻ dữ liệu khi cấp bằng lái xe, ầm ĩ và “vui ra nước mắt” vừa qua, đích thị là 0.4!