Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp ở Hà Nội: Lợi cả đôi đường

(PLO) -Từ tháng 12/2016, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp đã được triển khai đồng bộ tại 584 xã, phường, thị trấn trên toàn địa bàn TP Hà Nội. Sau nửa năm, các dịch vụ này đã và đang ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong việc công khai hóa, minh bạch hóa thủ tục hành chính (TTHC) và giúp tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian đi lại nên đã nhận được sự đón nhận rộng rãi của người dân.
Cán bộ Tư pháp hộ tịch phường Ngọc Khánh – Ba Đình, Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký hồ sơ trực tuyến.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp xã, phường trong lĩnh vực tư pháp được coi là bước đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận lợi và giảm tối đa các chi phí cho công dân và doanh nghiệp.

Với các thiết bị có kết nối internet, công dân có thể truy cập vào trang egov.hanoi.gov.vn để đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, trích lục hộ tịch, giám hộ và xác nhận tình trạng hôn nhân. Khi có vướng mắc, người dân sẽ được giải đáp thông qua hệ thống tổng đài tin nhắn, hỗ trợ kỹ thuật và chỉ mất một lần duy nhất trực tiếp đến bộ phận một cửa để thanh toán lệ phí và nhận kết quả.

Theo ghi nhận tại UBND phường Ngọc Khánh, hầu hết các công dân đến phường để thực hiện dịch vụ trực tuyến là người lớn tuổi nên phường đã dán các poster, tờ hướng dẫn từng thủ tục một cách cụ thể, bài bản và bố trí cán bộ hướng dẫn trực tiếp cho người dân. Tính từ đầu năm 2017, phường đã tiếp nhận hơn 200 hồ sơ trực tuyến, trong đó nhiều nhất là đăng ký khai sinh và xác nhận tình trạng hôn nhân.

Chị Phạm Thị Bình, công chức tư pháp - hộ tịch UBND phường Ngọc Khánh chia sẻ, lúc đầu người dân, nhất là người cao tuổi còn bỡ ngỡ với các dịch vụ này vì vẫn quen cách thức truyền thống là đến nộp trực tiếp, được cán bộ hướng dẫn ghi chép từng từ để không xảy ra sai sót.

Tuy nhiên, sau khi được giới thiệu, hướng dẫn về các dịch vụ trực tuyến thì công dân đã nhận ra được nhiều tiện ích nên đã sử dụng rộng rãi hơn. Song, vẫn còn tình trạng một số người do tự tìm hiểu hoặc không đọc kỹ hướng dẫn nên đã thao tác nhầm như đăng ký kết hôn phải chọn phần cấp phường thì lại chọn sang cấp quận hoặc ấn nhầm sang trích lục hộ tịch khiến hồ sơ thất lạc, phải đăng ký lại từ đầu.

Không bỏ qua tiện lợi của các dịch vụ này, anh Nguyễn Phi Hùng (ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) đã sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet truy cập vào trang egov.hanoi.gov.vn để làm thủ tục đăng ký khai sinh trực tuyến cho con. Anh cảm thấy rất hài lòng với dịch vụ này bởi thao tác đơn giản, dễ thực hiện và ngay khi thực hiện thành công sẽ có phản hồi gửi về hộp thư điện tử của anh, báo ngày hẹn trả kết quả. Do hay phải đi công tác, không thể trực tiếp đến các cơ quan nên anh cho rằng việc đăng ký trực tuyến là một giải pháp tối ưu cho những người bận rộn như anh.

Còn bác Trương Thu Hiền (ở quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, do khả năng về công nghệ thông tin còn hạn chế nên vẫn ra phường làm các thủ tục theo thói quen, như vậy cảm thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ hướng dẫn về các bước đăng ký trực tuyến, bác nhận thấy không hề khó như bản thân nghĩ nên thấy rất phấn khởi và sẽ tuyên truyền để nhiều người lớn tuổi như mình biết đến dịch vụ tiện ích này hơn.

Tuy nhiên, số lượng “công dân điện tử” như anh Hùng, bác Hiền hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn khiến các dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Phần lớn dân cư là người cao tuổi, dân lao động nên trình độ sử dụng công nghệ thông tin còn kém, thậm chí không biết gì về internet nên e ngại và muốn trực tiếp đến các cơ quan hành chính làm thủ tục cho yên tâm.

Còn những người biết sử dụng lại có tâm lý lo ngại về sự mất an toàn thông tin khi sử dụng loại dịch vụ này. Một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng tới chất lượng triển khai các dịch vụ công trực tuyến đó là hệ thống trang thiết bị của mạng lưới trực tuyến chưa đồng bộ, đường truyền chưa ổn định, phần mềm đôi lúc còn lỗi, các phần địa danh tuy được cập nhật thường xuyên nhưng vẫn chưa được đầy đủ, toàn diện.

Đề xuất giải pháp, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 Vũ Thị Hải Vân cho hay, do đã được thí điểm trước khi vận hành chính thức trên toàn thành phố nên việc triển khai các dịch vụ này ở phường cơ bản ổn định và thuận lợi, đến nay phường đã nhận và giải quyết hơn 500 hồ sơ trực tuyến.

Tuy nhiên, để đông đảo người dân được thụ hưởng các tiện ích từ những dịch vụ công trực tuyến này, mỗi địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để giúp người dân tăng cường khả năng và thói quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, từ đó góp phần xây dựng thành công chính quyền điện tử trên địa bàn thành phố.

Đọc thêm