“Điểm danh” cơ sở đóng tàu, thuyền không phép tại Thừa Thiên - Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù đã có quy định về việc mở xưởng đóng tàu, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn xuất hiện nhiều cơ sở đóng tàu không phép, hoạt động gây ô nhiễm, nhếch nhác.
 Xưởng đóng tàu không phép của Công ty TNHH Khắc Hùng án ngữ dưới chân cầu Tư Hiền.
Xưởng đóng tàu không phép của Công ty TNHH Khắc Hùng án ngữ dưới chân cầu Tư Hiền.

Thời gian qua, nhiều người dân ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên -Huế) phản ánh tình trạng xưởng đóng tàu mọc “chui” dưới chân cầu Tư Hiền gây ô nhiễm môi trường và hiểm nguy luôn rình rập. Theo tìm hiểu thì xưởng đóng tàu này là của Công ty TNHH Khắc Hùng (trụ sở tại huyện Phú Lộc); cả khu vực dưới chân cầu trở thành nhà xưởng với ngổn ngang máy móc, gỗ, dăm bào, rác thải,... Ngay dưới chân cầu, chủ xưởng đóng tàu còn dựng cả lán trại cho công nhân ăn, ở để đóng tàu.

“Rác thải từ hoạt động đóng tàu chỉ cần mưa hoặc triều cường lên sẽ trôi ra phá Tam Giang - Cầu Hai gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tiếng ồn phát ra từ cơ sở đóng tàu này cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây” - một người dân ở xã Vinh Hiền bức xúc.

Theo ông Nguyễn Tam, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, hiện xã đã lập biên bản gửi huyện, yêu cầu Công ty TNHH Khắc Hùng chấm dứt sản xuất dưới gầm cầu, song việc xử lý này khá muộn màng vì hiện doanh nghiệp này đã cơ bản đóng xong và cho tàu hạ thủy. Được biết, vào tháng 4/2021, đơn vị quản lý quốc lộ 49B là Công ty CP Đường bộ Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với UBND xã Vinh Hiền lập biên bản vi phạm, yêu cầu Công ty TNHH Khắc Hùng (chủ doanh nghiệp cơ sở đóng tàu) tháo dỡ do liên quan đến hành vi lấn chiếm hành lang đường bộ cầu Tư Hiền. Tuy nhiên, sau đó, doanh nghiệp này vẫn phớt lờ, không chịu hoàn trả hiện trạng theo yêu cầu mà vẫn không bị xử lý.

Ngoài cơ sở đóng tàu “chui” của Công ty TNHH Khắc Hùng, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có nhiều đơn vị, cá nhân đóng mới, cải hoán tàu thuyền được đặt cơ sở sản xuất tại khu vực gần biển, đầm phá. Nhiều năm qua, hoạt động của các cơ sở này đã nảy sinh những bất cập về môi trường, lấn chiếm hành lang cầu đường bộ, đê điều. Trong đó, nhiều xưởng đóng tàu thuyền hoạt động không phép nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Đơn cử, cơ sở đóng tàu của Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận nằm ngay đập Hòa Duân (phường Thuận An, TP Huế) nhiều năm nay hoạt động đóng tàu, ép ván, vận chuyển gỗ ở đây gây ô nhiễm, nhếch nhác khu vực đầm phá. Rác thải, chất thải từ hoạt động này gây ô nhiễm cục bộ tại khu vực. Do diện tích hạn hẹp, chủ cơ sở đã “mượn” thêm phần đất hành lang QL49B - đoạn trước cơ sở đóng tàu trở thành bãi tập kết gỗ, khá nhếch nhác, ảnh hưởng đến tuyến rừng dương phòng hộ ven biển cũng như vi phạm pháp lệnh đê điều.

Ngoài ra, tại phường Thuận An hiện còn có cơ sở đóng tàu của ông Nguyễn Văn Phong (hết giấy phép từ tháng 10/2019) và một cơ sở sửa chữa tàu cá của một người dân nằm ngay mép phá Tam Giang, hoạt động rầm rộ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Theo Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế, hiện toàn tỉnh chỉ còn cơ sở đóng tàu cá của Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận được sở cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá loại II (có chiều dài lớn nhất dưới 24m), còn cơ sở đóng tàu của Công ty TNHH Khắc Hùng và ông Nguyễn Văn Phong đã hết giấy phép sau ngày 1/10/2019. Trong văn bản trả lời báo chí, Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế khẳng định đơn vị này là cơ quan quản lý hành chính và kỹ thuật chuyên ngành đối với các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá; không phải là cơ quan chủ quản cấp trên của các cơ sở nói trên. Sở chỉ thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá đã cấp cho các cơ sở khi họ vi phạm các điều kiện theo quy định của Luật Thủy sản.

Cũng theo Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế, cơ sở đóng tàu cá của Công ty TNHH Khắc Hùng đang đóng tàu du lịch thì chịu sự quản lý hành chính của Sở Giao thông Vận tải - đơn vị này chỉ quản lý các cơ sở hoạt động trong phạm vi chức năng được giao, không xử lý các vấn đề đất đai, môi trường, giao thông... thuộc thẩm quyền của cơ quan khác.

Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá thực hiện theo Điều 52 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Cụ thể, phải có nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu theo Mục 2 Phụ lục VI; có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật tối thiểu theo quy định tại Mục 5 Phụ lục VI; có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá.

Đọc thêm