Điểm mấu chốt hạ tầng và nhân lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hạ tầng và nhân lực là hai “điểm nghẽn” lớn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nếu được tháo gỡ thì ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm trên khi tiếp xúc với cử tri Cần Thơ trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo dõi cuộc tiếp xúc này, thấy rằng cử tri quan tâm đến việc triển khai Nghị quyết 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù với TP Cần Thơ; trong đó có các nội dung như xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ; hỗ trợ các hợp tác xã, nông dân tại các vùng sản xuất lúa chuyên canh; chính sách tín chỉ carbon để tăng thu nhập cho nông dân; tín dụng ưu đãi cho nông dân; hỗ trợ và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và đầu ra nông sản; hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, làm việc tại các khu công nghiệp...

Đó đều là những vấn đề lớn quốc kế dân sinh, không chỉ riêng của Cần Thơ hay ĐBSCL mà còn là của cả nước. Muốn phát triển bền vững, phải liên kết ngành, vùng... tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để tham gia được vào chuỗi logistics, phải có hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thực chất, hiệu quả.

Suy cho cùng, đây cũng chính là những “điểm nghẽn” chung, không riêng của địa phương nào. Chính vì thế, Đại hội XIII của Đảng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội. Trong 3 đột phá chiến lược có “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.”. Trong hạ tầng kinh tế, còn có hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế, kỹ thuật khác.

Năm tới đây, 2025, kỷ niệm 50 năm (1975 - 2025) giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là năm có ý nghĩa quan trọng của lộ trình đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định. Để làm được điều này, về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc.

Tinh thần Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII) vừa kết thúc là: Tăng tốc, bứt phá; tập trung cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phân cấp, phân quyền tối đa cho các Bộ, ngành, địa phương, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" và địa phương thụ hưởng; chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Sau gần 40 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cả nước đang như một “đại công trường” xây dựng kết cấu hạ tầng, từ giao thông đến truyền tải điện và khí thế đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ. Thực tế phát triển ở ĐBSCL cho thấy, với chủ trương, chính sách đúng đắn; sự quyết tâm đồng lòng đoàn kết; huy động các nguồn lực; chúng ta có thể biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể… để đạt được những triển vọng phát triển to lớn.

Đọc thêm