|
Đối tượng buôn thuốc lá lậu qua biên giới phía Tây Nam |
Đáng chú ý, trong quyết định này, chính sách miễn thuế nhập khẩu cho cư dân vùng biên có thay đổi so với tại Điều 5 Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới được Thủ tướng ban hành trước đó.
Nếu như quyết định trước đây, riêng hàng hoá do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hoá đó không quá 2 triệu đồng/người/ngày thì nay được quy định chặt hơn: “Cư dân biên giới khi mua bán, trao đổi hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (nếu có) với giá trị không quá 2 triệu đồng/người/ngày/lượt và không quá 4 lượt/tháng đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới do Bộ Công Thương ban hành”.
Chính sách miễn thuế cho hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới nhằm tạo điều kiện để cư dân biên giới tiêu thụ sản phẩm do mình sản xuất ra cũng như mua được vật tư cần thiết phục vụ sản xuất và tiêu dùng hàng ngày, thúc đẩy sản xuất.
Tuy nhiên trên thực tế, cư dân biên giới ở Việt Nam không dùng hết định mức 2 triệu đồng/ngày/người và có tình trạng thương nhân lợi dụng chính sách miễn thuế này bằng cách khai thấp giá trị, chia nhỏ hàng (để đảm bảo mức 2 triệu đồng) và thuê người dân sống ở vùng biên giới vận chuyển nhiều lần qua biên giới để tránh thuế. Đây được cho là lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới để siết lại hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân vùng biên.
Như trước đây PLVN đã thông tin, mặc dù chưa có số liệu cụ thể được công bố rộng rãi về thương mại tiểu ngạch giữa Việt Nam và các nước giáp biên, tuy nhiên đáng chú ý, số liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2014 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Việt Nam tới 56,2 tỉ đô la Mỹ, còn số liệu hải quan của Việt Nam là 39,5 tỉ đô la Mỹ, tức thấp hơn số liệu của Trung Quốc 16,7 tỉ đô la Mỹ.
Dường như nhìn thấy sự bất lợi, thậm chí yếu thế của hàng hóa Việt Nam xuất qua “kênh” này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đề xuất xem xét lại chính sách xuất nhập khẩu tiểu ngạch, với việc điều chỉnh cơ chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch theo hướng hạn chế dần (thắt chặt các điều kiện được phép sử dụng cơ chế tiểu ngạch); tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế tiểu ngạch, chỉ còn duy nhất và thống nhất cơ chế xuất nhập khẩu thông thường. Tán đồng đề xuất này, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi để trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 5 Quyết định số 254 nói trên.
Chủ một doanh nghiệp nhiều năm hoạt động buôn bán tại vùng biên giới phía Bắc thừa nhận việc siết chặt định mức hàng hóa được miễn thuế ở vùng biên là tin không vui đối với những công ty kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng vì lâu nay họ thường dựa vào ưu đãi thuế đối với cư dân biên giới để “đánh” hàng từ Trung Quốc về.
Cũng có ý kiến lo ngại rằng việc siết định mức chưa chắc đã giải quyết được vấn đề, quan trọng hơn cơ quan quản lý cần quản lý, giám sát chặt chẽ để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu phải thuộc trong danh mục hàng hóa cho phép. Còn giám sát không chặt thì dù có siết lại chính sách miễn thuế đối với cư dân vùng biên nhưng thương lái vẫn có cách lách.