Điểm số và áp lực - 'bóng ma' đè nặng đời học sinh

(PLO) -Áp lực học tập, thi cử, điểm số đã khiến học sinh (HS) cảm thấy mệt mỏi khi phải tới trường. Đề tài “Thiếu ngủ của HS” và “Giảm thiểu áp lực học đường” của em Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy, HS lớp 12 chuyên toán, Trường THPT Gia Định, TP HCM như một lời nhắn gửi vô cùng thực tế về thực trạng trên…
Học sinh càng giỏi, áp lực học hành càng lớn (ảnh minh họa)

“Đời dài đừng ngủ ngắn”

Tình trạng quá tải và thiếu ngủ chính thức được công khai lên tiếng như một lời kêu cứu của học sinh khi được 2 học sinh trường THPT Gia Định đưa vào đề tài nghiên cứu khoa học và lọt vào vòng chung kết TP HCM. Chia sẻ về lý do thực hiện đề tài này, em Trần Thùy Trang cho biết em đang là HS lớp 12, áp lực của việc học khiến em thường xuyên mất ngủ. Và đây là tình trạng chung của tất cả các bạn. Tới trường, gương mặt bạn nào cũng bơ phờ, mệt mỏi vì phải chạy đua với việc học. Thời khóa biểu kín mít từ sáng đến chiều, tối lại đi học thêm đến 9-10 giờ. Về nhà lại tiếp tục làm bài tập đến khuya, sau đó 6 giờ sáng phải dậy đi học.

Để thực hiện đề tài trên, nhóm đã tiến hành làm phiếu khảo sát 7.363 HS. Kết quả khảo sát cho thấy cứ 10 HS thì có tám HS gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng từ thiếu ngủ. Và có đến 44,1% HS không dành thời gian để ngủ trưa. Áp lực học tập, kiểm tra và thi cử là nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu ngủ ở HS.

Từ việc khảo sát thực tế, hai em đã soạn thảo cuốn cẩm nang “Đời dài đừng ngủ ngắn” với mục đích để mọi người hiểu về vai trò của giấc ngủ, từ đó điều tiết các hoạt động của mình và có bí quyết để có được giấc ngủ ngon. Đặc biệt, nhóm còn xây dựng bộ ảnh “Hãy cho em ngủ” như một tiếng nói giúp các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo biết được tình trạng thiếu ngủ của HS hiện nay.

Có thể nói, nhiều sự việc đáng tiếc đã từng xảy ra với những học sinh vốn chăm ngoan, học giỏi, không có bất cứ biểu hiện tiêu cực nào khiến thầy cô, cha mẹ hoàn toàn bất ngờ, không lường tới được. Trong đó, áp lực và phản ứng từ học sinh các trường chuyên, lớp chọn lớn đến mức khiến chính thầy cô các trường này phải tỏ ra lo ngại và trông chờ vào những giải pháp can thiệp tích cực, can thiệp sâu về tâm lý học đường.

Bức thư tuyệt mệnh tại hiện trường là lớp học của nữ sinh 12 tuổi Trường THCS Tân Lâm, Thạch Hà, Hà Tĩnh để lại ngày 2/1/2018 khiến ai cũng phải thấy đau lòng. Cô bé ngoan ngoãn, học giỏi quyết định ra đi sau khi để lại 2 bức thư viết bằng Tiếng Anh và Tiếng Việt gửi lời xin lỗi đến bạn bè vì từ nay không thể tham gia học tập, vui chơi cùng các bạn trong lớp được nữa. 

Nguyên nhân của sự việc chỉ có thể bắt nguồn từ việc người cha có nặng lời với em trước giờ đi học sau khi giáo viên phản ánh về kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây. Dường như, lời cảnh tỉnh về áp lực học tập, đòi hỏi điểm cao, thi đỗ từ phụ huynh, nhà trường khiến học sinh không tìm được lối thoát cho mình là một thực tế đang hiện hữu từ nền giáo dục ứng thí. Trong khi đó, có rất nhiều ngả đường khác nhau, để các em tìm tới đích thành công của mình. Tuy nhiên, bấy lâu nay, cùng với bệnh thành tích, cùng với việc nhất định phải học ĐH mới “nên người” đã khiến những đứa trẻ ngay từ nhỏ đã học ngày, học đêm. Thậm chí ngày nay, nhiều phụ huynh còn dạy trẻ bảng chữ cái ngay trong những tháng đầu đời của bé…

Cha mẹ hãy luôn là người bạn thân thiết

Theo các chuyên gia tư vấn, sự việc liên quan đến vấn đề tự tử của HS nói chung và học sinh THCS nói riêng trong thời gian qua cho thấy ở tuổi các em có nhiều biến động. Sức ép từ gia đình, môi trường sống, hoạt động học tập cũng như vấn đề rối nhiễu tâm của lứa tuổi cho thấy khi còn hạn chế kinh nghiệm sống, kỹ năng sống cũng như khả năng tự cân bằng đời sống tinh thần, các em chọn hành vi tự hủy hoại bản thân như một lối thoát.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, nhiều trường hợp HS trước khi tự tử xuất hiện một số có biểu hiện như: hay dùng những từ ngữ thể hiện sự tuyệt vọng như: bế tắc, chịu không nổi, giải thoát... Không những thế, HS giảm các mối tương tác với gia đình, tự cô lập bản thân. Hay không quan tâm đến các hoạt động mà trước đây rất yêu thích. Ngoài ra, các em còn thể hiện sự buồn chán, ôm đầu, khóc bất thường. Hoặc không ngủ, không ăn, hay im lặng, thẫn thờ nhìn vô hướng. Có thể nhắc đến chuyện chết chóc, và viết thư tuyệt mệnh. Tuy nhiên, việc tự tử đôi khi là ý tưởng loé lên trong đầu các em và trường hợp này rất khó để kịp nhận ra.

Đồng quan  điểm, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, có một số sai lầm mà các bạn tuổi teen thường mắc phải. Có khi, chỉ là một vụ việc nhỏ xíu, xích mích vớ vẩn cũng có thể gây ra một vụ tự tử.  Có nữ sinh có bố mẹ kì vọng, đến khi thi bị điểm kém về tự tử luôn. Bởi lẽ khi căng thẳng, hoocmon trong người con đang rất nhiều, con không kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình tốt như thời điểm khác. Mặt khác, lứa tuổi teen hay hiểu nhầm nhiều thứ, cha mẹ không gần gũi là dễ tự tử. 

Một giáo viên chủ nhiệm cũng cho rằng, ở lứa tuổi các em đang đầy mong manh và cảm tính, phụ huynh hãy đừng để các em đơn độc, hãy tìm tiếng nói chung để gần gũi với con. Để con có thể nói được mọi chuyện thì vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng trước những bột phát bất thường… Các em rất dễ giận dỗi hoặc quá căng thẳng vì điểm của mình không như mong đợi. Nếu các em bị điểm kém, phụ huynh cũng không nên quá hoang mang, động viên con từ từ sẽ ổn. Bởi càng học giỏi thì các em  càng áp lực lớn, nếu không giữ được phong độ, nếu người thân, thầy cô tỏ ý thất vọng, hoặc ngay bản thân các em cũng thất vọng với chính mình gây ra trầm cảm. Và điều đáng tiếc dễ dàng xảy ra nếu  các em cảm thấy bế tắc, thấy mình không còn xứng đáng… 

Đọc thêm