Phụ thuộc từng ngành
Theo thống kê, số lượng thí sinh đạt điểm cao giảm gần một nửa so với năm ngoái. Vì thế, hầu hết điểm chuẩn của các trường đại học top trên đều giảm mạnh. Ở khu vực phía Bắc, các trường trong nhóm xét tuyển GX và hàng loạt trường top đầu đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển, mức điểm đều từ 20 điểm trở lên.
Mức điểm giảm nhiều hay ít còn phụ thuộc vào từng ngành, từng trường, giao động từ 0,5 đến 3 điểm. Chênh lệch về điểm trúng tuyển giữa các ngành trong từng trường cũng lớn hơn năm ngoái, ở mức từ 3 đến trên 7 điểm.
Trong số các trường đã công bố thông tin xét tuyển, nhóm trường có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là Y-Dược, Kinh tế, Luật, Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, với điểm từ 20 đến 28 điểm. Trong đó, trường Đại học Y Hà Nội, điểm chuẩn trúng tuyển từ 23,25 điểm đến 27 điểm; Đại học Luật từ 21,75 đến 28 điểm; Đại học Ngoại thương từ 24,30 điểm đến 26,45 điểm...
Các trường thuộc nhóm Nông lâm, Khoa học xã hội... mức điểm chuẩn thấp hơn, giao động từ 15 đến 20 điểm. Đến thời điểm này, ngành Luật Kinh tế khối C của trường Đại học Luật Hà Nội có điểm trúng tuyển cao nhất là 28 điểm.
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Điểm trúng tuyển năm nay có một số đặc điểm chung là các ngành tuyển điểm đều giảm so với năm trước. Điểm cao nhất là ngành Kế toán, giảm nửa điểm, còn 25,5. Một số ngành giảm mạnh như ngành Toán ứng dụng trong kinh tế thì năm trước là 23,25 thì năm nay còn có 20,64. So với năm trước ngành này đã giảm đi khoảng gần 3 điểm. Biên độ nới rộng ra, năm ngoái biên độ chỉ có 3,25, tức là giữa cao nhất là 26 và thấp nhất là 22,75 thì năm nay cao nhất là 25,5 và thấp nhất là 20,55”.
Trường ĐH Ngoại thương được đánh giá là một trong những trường đào tạo kinh tế hàng đầu ở Việt Nam. Năm nay, so với chỉ tiêu, số lượng hồ sơ đăng ký đổ về trường cũng không cao hơn nhiều như những trường khác. Tuy nhiên, so với năm ngoái, điểm chuẩn vào trường giảm.
Năm 2015, điểm trúng tuyển cao nhất khối A0 vào trường là 27,25 điểm, thấp nhất 24,5 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn năm nay cao nhất là 26,45 điểm và thấp nhất 24,3 điểm (thấp hơn năm 2015 từ 0,8 đến 1,2 điểm).
Khối các ngành Y, Dược, điểm chuẩn cũng không cao như dự đoán ban đầu. Ngành Bác sĩ Đa khoa của ĐH Y Hà Nội năm nay lấy 27 điểm, Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt có điểm trúng tuyển 26,75. Hai ngành này giảm từ 0,25 đến 0,75 điểm so với năm trước và cũng phải dùng đến tiêu chí phụ trong xét tuyển (thí sinh trúng tuyển cần đạt điểm Toán từ 8,75 trở lên).
Lo ngại không đủ chỉ tiêu do thí sinh “ảo”
Năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký ít nhất 2 trường, nhiều nhất 4 trường (nếu đăng ký trong nhóm GX). Chính vì vậy, các trường hoàn toàn bị động về số lượng thí sinh nhập học.
Ngay sau khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển, các trường cũng thông báo danh sách thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, do thí sinh được nộp 2 hồ sơ trong đợt đầu tiên nên một số trường cũng lo ngại sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1 do thí sinh ảo. Một số trường đã ra thông báo xét tuyển bổ sung với hàng trăm chỉ tiêu.
|
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia. |
Theo ông Cao Quốc An, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Lâm Nghiệp, tỷ lệ thí sinh ảo nộp hồ sơ vào các trường có thể lên tới 50%, thậm chí hơn. Vì thế, phương án điểm chuẩn của trường năm nay đưa ra bằng mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT là 15 điểm.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các trường cũng bị động trước đăng ký của thí sinh. Năm 2015, ĐH Bách khoa xác định ảo 8%, thí sinh đến nhập học vừa đúng chỉ tiêu của trường. Năm nay khó xác định hơn, chúng tôi dự kiến tỷ lệ ảo trên 10%.
Không chỉ riêng ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay, các trường đều rất khó đoán định tỷ lệ ảo của trường mình. ĐH Thủy lợi xác định tỷ lệ ảo trên 15%.
Đánh giá về nguồn tuyển sinh đại học năm nay, ông Nguyễn Phong Điền cho rằng, với mức điểm chuẩn các trường đã công bố, nguồn tuyển sẽ vẫn còn nhưng không nhiều. “Vì hiện nay, nhiều trường từ đợt 1 đã lấy điểm chuẩn đến mức sàn của Bộ GD&ĐT. Có thể thấy, phần lớn các trường từ top giữa trở xuống đều lấy điểm chuẩn từ điểm sàn. Thậm chí, một số đại học công lập cũng đã sử dụng song song hai hình thức xét tuyển là kết quả thi THPT quốc gia và xét học bạ như ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Lâm nghiệp…”, ông Điền nói.
Theo phân tích của các chuyên gia giáo dục, trường có quyền lấy điểm chuẩn lần sau thấp hơn lần trước nên cùng một ngành có thể chất lượng thí sinh trúng tuyển đợt sau thấp hơn. Và các trường, nhất là các trường công lập, đều mong muốn lấy đủ chỉ tiêu trong đợt 1, không xét bổ sung. Chính vì thế mà năm nay, rất nhiều trường lấy điểm chuẩn từ điểm sàn.