"Điểm vàng" - nỗi lo của người già

(PLO) - Theo ước tính, trên thế giới hiện có khoảng từ 25 - 30 triệu người bị mắc chứng thoái hóa điểm vàng, viết tắt là AMD, một nhóm bệnh thoái võng mạc mạn tính gây mất dần thị lực trung tâm. Tại các quốc gia phát triển, thoái hóa điểm vàng là nguyên nhân đầu tiên gây tật nguyền thị lực ở những người trên 50 tuổi.
Bệnh AMD thường xuất hiện ở những người lớn hơn 50 tuổi
Bệnh AMD thường xuất hiện ở những người lớn hơn 50 tuổi
Điểm vàng (hoàng điểm) là tên gọi một vùng ở ngay giữa võng mạc. Vùng này giúp chúng ta nhìn thấy rõ nét ở ngay trung tâm và phần lớn các màu. Đây cũng là vùng giúp chúng ta đọc chữ, nhận diện, lái xe, nhìn thấy màu sắc rõ ràng và bất kỳ việc nào khác đòi hỏi chúng ta phải nhìn thấy rõ nét.
Thoái hóa điểm vàng là hiện tượng các chất do võng mạc thải ra tích tụ dần dưới lớp biểu mô sắc tố võng mạc thành những đốm màu vàng gọi là "drusen". Lớp biểu mô này có vai trò giống như là vách ngăn giữa võng mạc với lớp mạch máu gọi là màng mạch. 
Đây cũng chính là nguồn cung cấp máu chính cho võng mạc. Nhiệm vụ chính của lớp biểu mô là nuôi dưỡng võng mạc và xử lý chất thải của võng mạc.
Như vậy vào lúc bắt đầu có sự tích tụ chất cặn màu vàng dưới lớp biểu mô, đó cũng là lúc vùng thị lực trung tâm bắt đầu bị ảnh hưởng, theo như giải thích của bác sĩ Salomon-Yves Cohen:
“Vùng thị lực trung tâm bị ảnh hưởng, người ta nói giống như là một đốm xám hay đen, hay là cảm thấy hơi tối, do các tế bào trong vùng thị lực trung tâm bị suy yếu. Đây cũng chính là vùng thị lực giúp chúng ta đọc chữ, nhận dạng khuôn mặt, phân biệt màu sắc, lái xe, xỏ kim... 
Tuy nhiên, vùng võng mạc ngoại vi vẫn bình thường. Bệnh nhân không bị mù hoàn toàn, họ vẫn có thể sống tự lập được nhưng cuộc sống ngoài đời sẽ không dễ dàng như trước. Đối với những ca thoái hóa điểm vàng, họ cần đến người thân để giúp những chuyện như giấy tờ chẳng hạn, nhưng họ vẫn có thể tự đi chợ, chăm chút nhà cửa”.
Triệu chứng và các xét nghiệm cần thiết
Theo ông Salomon-Yves Cohen - một chuyên gia hàng đầu về mắt - khi thấy có những dấu hiệu sau đây nên đi kiểm tra mắt:
Ví dụ như có nhu cầu cần nhiều ánh sáng hơn để đọc chữ. Khó thích ứng khi chuyển đổi môi trường từ nơi sáng sang nơi hơi tối. Có cảm giác là thị lực không mấy thoải mái, nhất là khi nhìn gần. Đó là những dấu hiện đầu tiên. 
Ở mức độ nặng hơn, có những dấu hiệu rất đặc trưng. Chẳng hạn như là một trong những dạng AMD nặng nhất là sự biến dạng của đường thẳng.Chỉ khi phát hiện có triệu chứng biến dạng đường thẳng, lúc đó các bác sĩ mới tiến hành thêm thao tác kiểm tra đáy mắt.
Như vậy, ngoài kiểm tra đáy mắt ra, các bác sĩ còn phải tiến hành những xét nghiệm nào để có thể chẩn đoán đúng chứng thoái hóa điểm vàng? 
“Đầu tiên hết, chỉ cần một kiểm tra đáy mắt đơn giản có thể cho phép phát hiện con mắt nào bắt đầu có biểu hiện thoái hóa. Nhưng khi xuất hiện biến dạng đường thẳng, các bác sĩ buộc phải dựa vào các thiết bị tinh vi hơn. 
Có hai cách chẩn đoán: Cách thứ nhất gọi là chụp cắt lớp quang học OCT (tomographie à cohérence optique). Cách chuẩn đoán này cho phép thấy rõ các hình ảnh cắt ngang có độ phân giải cao các lớp mô bên trong võng mạc. Như vậy, những hình ảnh có thể cho chúng tôi cùng lúc thấy được các tia máu bất bình thường đang phát triển lẫn những chỗ phù do các tia máu đó gây ra. 
Nhưng chúng tôi cũng thường sử dụng cách kỹ thuật chẩn đoán khác khá phổ biến đó là chụp mạch huỳnh quang. Thuốc nhuộm huỳnh quang sẽ được tiêm vào máu qua tĩnh mạch ở cánh tay (Thuốc nhuộm nhanh chóng chuyển đến mắt và tuần hoàn qua võng mạc làm nổi rõ bất kỳ sự tổn thương hay những bất bình thường nào ở mạch máu). 
Sau đó chúng tôi sẽ cho chụp ảnh mắt. Điều này giúp cho chúng tôi thấy rõ những tia máu không bình thường, giúp chúng tôi loại bỏ những chẩn đoán không cần thiết.
Nguyên nhân thoái hoá điểm vàng
Bàn về nguyên nhân, chứng bệnh này khởi phát từ nhiều yếu tố, trong đó nguyên nhân chính là tuổi tác. Bệnh thường xuất hiện từ sau 50 tuổi và thể hiện rõ nhất sau 75 tuổi. Tuy nhiên, khả năng yếu tố di truyền cũng giữ một vai trò tương đối quan trọng, với xác suất 50% bị mắc bệnh nếu có cha mẹ hay anh chị em ruột có mang chứng bệnh thoái hóa điểm vàng. Rất nhiều hiện tượng đa hình di truyền (polymorphisme génétique) có liên quan đến chứng bệnh này đã được làm rõ.
Do đó, tuy gọi là thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, nhưng trên thực tế, một số người cao tuổi chưa bao giờ bị chứng bệnh này, trong khi số khác đã bắt đầu bị AMD ngay từ độ tuổi 50, chưa phải là lớn tuổi lắm. Do đó, yếu tố di truyền là có thật. 
Ngoài các nguyên nhân tuổi tác và di truyền, bác sĩ Cohen cho biết còn có những yếu tố môi trường. Trong đó, có những yếu tố vẫn còn đang được tranh cãi, số khác đã được chứng thực. Như tiếp xúc nhiều ánh sáng, chế độ dinh dưỡng kiểu phương Tây.
Bác sĩ khuyên nên đi khám mắt 5 năm một lần để kiểm tra bệnh
 Bác sĩ khuyên nên đi khám mắt 5 năm một lần để kiểm tra bệnh
Và một yếu tố chắc chắn đó là thuốc lá. Đương nhiên, thuốc lá không phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh thoái hóa điểm vàng, nhưng lại là yếu tố làm trầm trọng thêm. Chắc chắn là những người hút thuốc, nhất là những người nghiện nặng có nguy cơ mắc bệnh này sớm hơn so với những người khác. Tiến triển bệnh cũng sẽ nặng hơn rất nhiều.
Các dạng thoái hóa điểm vàng và cách điều trị
Theo ước tính, riêng tại Pháp hiện nay có khoảng từ 1 - 2,5 triệu người bị mắc chứng thoái hóa điểm vàng. Các nghiên cứu tại Úc cũng cho thấy cứ 7 người trên 50 tuổi lại có một người bị thoái hóa điểm vàng. Điều này cho thấy chứng thoái hóa điểm vàng cũng là một dạng bệnh cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, chứng bệnh này còn được chia ra làm hai dạng khác nhau. Có dạng có thể chữa trị được, dạng khác thì không. Bác sĩ Salomon - Yves Cohen giải thích tiếp:
“Có hai dạng thoái hóa điểm vàng khác nhau: dạng khô và dạng ướt. Ở dạng khô, các tế bào võng mạc bị teo dần,dẫn đến tình trạng bị biến mất. Và cho đến giờ, dạng bệnh lý này vẫn chưa có cách điều trị. 
Còn ở dạng ướt, bệnh lý được thể hiện qua sự phát triển các mạch máu bất thường. Để điều trị, các bác sĩ sẽ tiêm thuốc làm khô các mạch máu này. Tuy nhiên, khi phát hiện bệnh trễ, khi mà các vết sẹo đang trong quá trình được hình thành, nhiều bệnh nhân sẽ kháng thuốc. Bất chấp các liều thuốc tiêm, bệnh tình vẫn tiến triển, kéo theo tình trạng tật nguyền”.
Quy trình điều trị kéo dài nhiều tháng, nhưng không thể chữa trị dứt điểm. Số ca có thể dứt bệnh sau những lần tiêm thuốc đầu tiên chiếm một tỷ lệ rất thấp (15%). Cách điều trị hiện nay chỉ nhằm mục đích hạn chế sự tăng sinh các mạch máu bất bình thường. Và bệnh nhân buộc phải theo một chương trình điều trị kinh niên, và rất tốn kém. 
“Người ta thường bàn về 3 mũi thuốc tiêm, có tên gọi là kháng VEGF. VEGF là một yếu tố tăng sinh mạch máu kích thích sự phát triển của các mạch máu bất thường. Thuốc này cần phải được tiêm với một liều mạnh, do đó các bác sĩ sẽ tiêm thuốc thẳng vào mắt. 
Theo nguyên tắc, ban đầu cần phải chích ba liều thuốc trong vòng 3 tháng liên tiếp. Hiện tại chỉ có hai loại thuốc được phép lưu hành, Ranibizumab (Lucentis) và Aflibercept (Eylea). Các bác sĩ nhãn khoa có thể chọn một trong hai loại thuốc nhưng phải đến 3 liều thuốc tiêm, trong vòng 3 tháng.
Sau ba liều thuốc tiêm, bệnh nhân cần được tái khám trong tháng kế tới. Tiếp đến là giai đoạn theo dõi và tùy theo từng ca, giai đoạn này có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Trong suốt giai đoạn này, các bác sĩ sẽ cố gắng không xử lý bệnh với hy vọng ba liều chích thuốc là đủ. Nhưng những trường hợp này chiếm có 15% ca bệnh. Thường thì các mạch máu bất bình thường sẽ tái xuất hiện, với một nhịp độ ít nhiều gì cũng nhanh, tùy theo từng bệnh nhân.
Do đó, mục đích của việc tái khám là nhằm xác định nhịp độ tái phát của những mạch máu này. Rồi sau đó là lên chương trình tiêm thuốc cần thiết và đủ liều. Nghĩa là không hơn cũng không kém. Chỉ cần đủ và đúng liều để có thể duy trì được một thị lực có ích”.  
Ngoài giải pháp tiêm thuốc, các chuyên gia nhãn khoa còn có thể dựa vào phương pháp điều trị bằng tia laser. Nhưng bác sĩ Cohen cảnh báo trước tỷ lệ thành công cũng rất thấp./.

Đọc thêm