Điện ảnh thế giới gọi tên người Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tối 27/5 vừa qua, tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76 danh giá, hai tên tuổi đạo diễn gốc Việt đã được xướng tên đầy tự hào. Đó là đạo diễn Trần Anh Hùng với “The Pot au Feu” chiến thắng ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc. Đó là Phạm Thiên Ân với phim “Bên trong tổ kén vàng” giành giải Phim đầu tay xuất sắc (Camera d’Or).

Đam mê điện ảnh, được nuôi dưỡng bằng tình yêu Việt Nam

Trần Anh Hùng (trái) nhận giải Đạo diễn xuất sắc từ Peter Docter, đạo diễn, giám đốc sáng tạo hãng Pixar. (Ảnh AFP)

Trần Anh Hùng (trái) nhận giải Đạo diễn xuất sắc từ Peter Docter, đạo diễn, giám đốc sáng tạo hãng Pixar. (Ảnh AFP)

“The Pot Au Feu’ cũng đánh dấu việc Trần Anh Hùng quay lại Cannes, nơi từng chứng kiến anh giành giải Camera Vàng năm 1993 với phim đầu tay “Mùi đu đủ xanh”. Tại buổi ra mắt phim tối 24/5, đạo diễn Trần Anh Hùng phát biểu: “30 năm trước, tôi như được sinh ra lần nữa ở Cannes, khi đoạt giải Phim đầu tay với “Mùi đu đủ xanh”. Đó là cơ hội để tôi đưa tiếng Việt ra thế giới. Hôm nay tôi mang đến Cannes một phim nói tiếng Pháp”.

Đạo diễn hoạt hình người Pháp - Benoît Philippon cho biết khi xem phim Trần Anh Hùng, cảnh đẹp tinh khiết trong tác phẩm quyến rũ ông, thôi thúc nhà làm phim này đến Việt Nam du lịch.

Tác phẩm mới nhất của nhà làm phim gốc Việt chuyển thể từ tiểu thuyết “La Vie et la passion de Dodin-Bouffant gourmet” (1924) của nhà văn Pháp Marcel Rouff, xoay quanh mối quan hệ giữa đầu bếp Eugénie (Juliette Binoche) và chuyên gia ẩm thực Dodin (Benoit Magimel). Cả hai gắn bó trong công việc hơn 20 năm, dần nảy sinh tình cảm theo thời gian.

Họ tạo ra những món ăn tinh tế, chinh phục những người sành ăn khắp thế giới. Tuy nhiên, Eugénie khát khao tự do, không muốn kết hôn. Sau đó, Dodin quyết định làm một việc mà anh chưa từng làm: Nấu ăn cho Eugénie.

Trần Anh Hùng sinh năm 1962 tại Đà Nẵng, sau năm 1975 đến Pháp sinh sống. Anh theo học trường điện ảnh danh tiếng École Louis-Lumière và tốt nghiệp bằng phim ngắn “Người thiếu phụ Nam Xương” (La Femme Mariée de Nam Xuong), lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học – “Truyền kỳ mạn lục”. Năm 1993, tác phẩm “Mùi đu đủ xanh” (The Scent of Green Papaya) của Trần Anh Hùng nhận đề cử Oscar ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”. Đến nay, đây vẫn là bộ phim truyện điện ảnh nói tiếng Việt duy nhất góp mặt tại vòng tranh tài cuối cùng của giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới.

Mùi đu đủ xanh - phim điện ảnh đầu tay của Trần Anh Hùng - được đề cử Oscar trong hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Mùi đu đủ xanh - phim điện ảnh đầu tay của Trần Anh Hùng - được đề cử Oscar trong hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Với Trần Anh Hùng, đam mê điện ảnh được nuôi dưỡng bằng tình yêu Việt Nam, dù anh xa quê từ nhỏ. Anh lớn lên cùng dòng hồi tưởng của bố mẹ về quê hương. Đạo diễn từng cho biết, người thân chỉ kể quanh đi quẩn lại vài mẩu chuyện, nhưng anh chưa bao giờ thấy chán. Trưởng thành hơn, anh thích đọc về Việt Nam, tìm hiểu văn hóa quê nhà qua những trang sách.

“Mùi đu đủ xanh” là bộ phim mang nét trinh nguyên, ngây thơ như chính nhân vật Mùi. “Xích lô” bổ sung thêm chất trần trụi còn “Mùa hè chiều thẳng đứng” đem đến hơi thở hiện đại. Nhiều khung hình được đạo diễn quay cận và dừng lại rất lâu để mô tả tỉ mỉ. Từng cảnh đều có tính toán bố cục, trau chuốt như một bức tranh. Cái đẹp tỏa ra từ những chi tiết nhỏ nhặt như đàn kiến, hạt đu đủ, giọt nhựa đọng trên chiếc lá. Những cảnh sinh hoạt bình thường như gội đầu, nấu ăn cũng toát lên chất mỹ cảm riêng.

Trong “Mùi đu đủ xanh” có sự xuất hiện của bức tranh “Chân dung cô Phương” (hoạ sĩ Mai Trung Thứ, sau được đấu giá hơn 3 triệu đô), đặc biệt là màu của bức tranh cũng là màu chủ đạo của phim, một màu xanh rất dịu, rất đu đủ xanh, tinh tế vô cùng.

Năm 1995, Trần Anh Hùng giành giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Cannes với “Xích lô” (Cyclo). “Xích lô” cũng là phim mà Trần Anh Hùng tự nhận là có chất điện ảnh nhất trong các tác phẩm của anh. Anh quan niệm nhạc là cách đối thoại với người xem, nhằm tìm ra sự đồng điệu về cảm xúc giữa họ và câu chuyện. Cách dùng nhạc của Trần Anh Hùng hướng đến sự mới mẻ, đôi khi còn đối lập với câu chuyện. Trong “Mùa hè chiều thẳng đứng”, những bài hát nước ngoài xa lạ vang lên khi hai nhân vật ngủ dậy. Giữa bối cảnh Sài Gòn trong “Xích lô” là “Em ơi Hà Nội phố” và ở cuối một tác phẩm dữ dội như vậy lại là bài “Rửa mặt như mèo”. Trong “Rừng Na Uy”, phần âm nhạc do nghệ sĩ Johnny Greenwood của nhóm Radiohead đảm nhận đôi khi còn lấn át, vang lên trước cả phần hình ảnh.

Năm 2010, Trần Anh Hùng chuyển thể tiểu thuyết lừng danh “Rừng Na Uy” của Haruki Murakami. Bộ phim nhận đề cử Sư Tử Vàng ở Liên hoan phim Venice song gây nhiều phản ứng trái chiều nơi khán giả. Tác phẩm mang nhiều chất thơ của Trần Anh Hùng hơn câu chuyện của Murakami.

Ở tác phẩm mới này, nhân vật chính Dodin (Benoît Magimel) và cô đầu bếp Eugénie (Juliette Binoche) yêu nhau bằng sự bình đẳng, nể phục và tôn trọng nhau. Gợi nhớ đến mối tình của Trần Anh Hùng và “nàng thơ” - diễn viên Trần Nữ Yên Khê, người thường xuyên đóng chính trong phim của anh. Khi nhận giải Đạo diễn xuất sắc, anh dành tặng bạn đời lời tri ân, trìu mến gọi vợ là “người đầu bếp” cùng anh sát cánh hơn 30 năm làm nghề.

Nhiều năm qua, Trần Anh Hùng và Trần Nữ Yên Khê ấp ủ truyền tình yêu điện ảnh với các nhà làm phim trẻ tại Việt Nam. Họ về nước tham gia giảng dạy các khóa học thuộc khuôn khổ chương trình Gặp gỡ mùa thu, sự kiện điện ảnh quốc tế thường niên. Đạo diễn Huỳnh Công Nhớ, đoạt giải Ban giám khảo Liên hoan phim Singapore 2022, từng được Trần Anh Hùng phát hiện tài năng điện ảnh…

“Tôi tự hào là người Việt Nam”

Tối 27/5 (giờ Pháp), Phạm Thiên Ân giành giải Phim đầu tay xuất sắc (Camera d’Or) Liên hoan phim Cannes 2023. Trong bài phát biểu đoạt giải ở Cannes, Thiên Ân nói tiếng mẹ đẻ với niềm tự hào là người Việt Nam. Năm 2015, Ân định cư ở Mỹ nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân phát biểu tại buổi ra mắt phim Bên trong vỏ kén vàng ở Cannes. (Ảnh Dana Armanni)

Đạo diễn Phạm Thiên Ân phát biểu tại buổi ra mắt phim Bên trong vỏ kén vàng ở Cannes. (Ảnh Dana Armanni)

Anh hết sức hãnh diện và vinh dự khi đoạt giải thưởng mà Trần Anh Hùng từng thắng 30 năm trước. Anh chia sẻ: “Tôi làm điện ảnh với niềm đam mê và hứng thú, xuất phát từ bản năng. Toàn bộ ý tưởng lớn của kịch bản “Bên trong vỏ kén vàng” được tôi xem là “tiếng gọi thiêng liêng”. Theo tôi, tiếng gọi ấy luôn tồn tại trong mỗi con người, xuất hiện ở nhiều thời điểm khác nhau, bất kể bạn thuộc tầng lớp nào trong xã hội. Cảm hứng làm phim của tôi đến từ tình yêu dành cho cội nguồn”...

Phạm Thiên Ân giành giải Phim đầu tay xuất sắc (Camera d’Or) Liên hoan phim Cannes 2023: “Khi làm phim, tôi nghĩ sẽ hướng đến khán giả quốc tế. Chính vì thế, trong phim tôi chú trọng đến những yếu tố văn hoá và phong cảnh Việt Nam… Phim của tôi được làm bởi những người Việt Nam, bạn bè tôi, gia đình, chính vì thế tôi muốn nó phải luôn gắn mác Việt Nam”.

Phạm Thiên Ân 34 tuổi, quê Bảo Lộc (Lâm Đồng). Anh từng giành giải nhì cuộc thi Làm phim ngắn 48 giờ năm 2014. Năm 2018, phim “Câm lặng” (The Mute) của anh chiếu tại Liên hoan phim ngắn Quốc tế Palm Spring, được chọn tranh giải ở gần 15 Liên hoan phim Quốc tế như Winterthur, Tampere, Hong Kong, Encounters, Aspen. Phim ngắn “Stay Awake, Be Ready” (Hãy tỉnh thức và sẵn sàng) dài bảy phút, được quay chỉ với một cú máy, đoạt giải Illy ở Tuần lễ đạo diễn, hạng mục Director’s Fortnight Liên hoan phim Cannes 2019. Sau Cannes, tác phẩm được chiếu tại hơn 40 liên hoan phim quốc tế như Busan (Hàn Quốc), Locarno (Thụy Sĩ), Singapore, Stockholm (Thụy Điển), Milano (Italy), Vancouver (Canada).

Phim “Bên trong tổ kén vàng” kể về Thiện, một người đàn ông phải mang xác của chị dâu mình về lại quê, sau khi cô qua đời trong một vụ tai nạn xe tại Sài Gòn. Dù muốn dù không, anh phải mang theo đứa cháu trai tên Đạo đi cùng, đứa trẻ sống sót một cách thần kỳ trong vụ tai nạn. Về quê, anh tìm đến người anh trai, vốn biệt tăm nhiều năm trước, để trao lại đứa cháu. Cuộc hành trình đã khiến Thiện bật ra nhiều suy tư về cuộc đời. Với những góc máy ấn tượng, ẩn sau những cảnh sương giăng bao phủ núi đồi…

Trang giải trí nổi tiếng Variety có bài viết đánh giá cao về “Bên trong tổ kén vàng”, trong đó tác giả ấn tượng về “phong cảnh làng quê Việt Nam huyền bí” trong phim, đồng thời khẳng định bộ phim là một tác phẩm có “chất thơ”...

Tuy nhiên, có một thực tế, nhiều năm qua, những phim giành giải quốc tế vẫn thường là phim độc lập của những nghệ sỹ đam mê điện ảnh. Nói như Chủ tịch của Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes năm nay, Roben Ostlund “Cannes luôn chọn được người xứng đáng”.

Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh, Đài Truyền hình Việt Nam, sống tại Pháp bày tỏ: “Người xứng đáng” đã vượt qua sự cô đơn trên con đường điện ảnh của các tác giả độc lập tại Việt Nam, khi mà quỹ tài trợ cho sự phát triển điện ảnh không có. Chỉ đến khi phim nhận giải, thì hành trình cô đơn ấy mới nở hoa và được ghi nhận. Tuy vậy, may mắn là điện ảnh với sự lãng mạn trong công việc đầy tính cay cực, sự hấp dẫn ma mị của công việc sáng tạo, đã không lấy hết đi những người sẵn lòng cô đơn vì nó. Nhờ thế mà Việt Nam vẫn còn những nhà làm phim trẻ, độc lập, chấp nhận rủi ro về nhiều mặt để làm phim. Và cái tên Việt Nam vang lên vẫn làm cả người nhận giải lẫn người chứng kiến rưng rưng. Kệ cả nỗi cô đơn trong hành trình. Chỉ tin vào cái đẹp mang tên gọi điện ảnh”…

Đọc thêm