Kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương (13/10/1945- 13/10/2020) Diễn đàn doanh nhân 2020 “Doanh nhân Việt Nam - Tổ quốc gọi tên mình” đã chọn chủ đề khá đặc biệt - “Đảng với doanh nhân”, nhằm tập hợp tiếng nói của đội ngũ doanh nghiệp (DN) doanh nhân trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Doanh nghiệp, doanh nhân đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội Đảng lần thứ XIII. |
Khẳng định vai trò xung kích của nền kinh tế
Nhắc lại hoàn cảnh Bác Hồ viết thư cho giới công thương không lâu sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đề xuất của VCCI lấy ngày 13/10 hàng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc không dấu được sự xúc động.
Trải qua nhiều thăng trầm, đã có lúc giới DN, doanh nhân được gọi là “con buôn, con phe”, là đối tượng phải cải tạo, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu từ Đại hội VI (năm 1986) đã đánh dấu sự “hồi sinh” của đội ngũ doanh nhân Việt. “Chúng ta trở về với Tư tưởng của Bác Hồ về nền kinh tế nhiều thành phần và vai trò chủ thể của DN, doanh nhân…” - TS Lộc xúc động.
Theo Chủ tịch VCCI, hơn 3 thập kỷ qua, thực hiện đường lối của Đảng, dưới sự quản lý của Nhà nước, đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam đã phát triển bừng nở, rất đáng tự hào. Tinh thần khởi nghiệp của dân tộc được khơi dậy. Đất nước đã có hàng triệu doanh nhân, đang đứng mũi, chịu sào gần 800 ngàn DN, 5,4 triệu hộ kinh doanh. “Họ là lực lượng chủ công, xung kích trong công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang vững vàng hội nhập…”- ông Lộc nhấn mạnh.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, một thử thách chưa từng có trong tiền lệ, nhiều doanh nhân đã vì DN, vì người lao động, vì nền kinh tế đất nước trong khó khăn đã không buông bỏ, chịu lỗ, chịu thua, hy sinh quyền lợi của cá nhân và gia đình mình để duy trì DN, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công nhiệm vụ kép: khống chế được dịch bệnh, đồng thời duy trì tăng trưởng, bảo vệ sinh mạng và sinh kế của người dân.
Tuy nhiên, nhìn lại đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam hiện nay, người đứng đầu cộng đồng DN Việt Nam cũng lo ngại: “Trải qua hơn 3 thập kỷ hồi sinh, chúng ta vui mừng vì đã có một cộng đồng doanh nhân phát triển nhanh, nhưng chúng ta cũng chưa thể hài lòng vì, cộng đồng doanh nhân Việt tuy đã đông nhưng còn chưa đủ mạnh…”. Theo ông, dù đã có một số DN và thương hiệu dẫn đầu được thế giới vinh danh, nhưng Việt Nam chưa có được cả một thế hệ các nhà công nghiệp sánh vai với cộng đồng DN trong khu vực và trên thế giới; Tuyệt đại bộ phận DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nền tảng quản trị, công nghệ, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của nhiều DN thấp; Hộ kinh doanh cá thể vẫn là chủ thể phổ biến, chiếm tới 88% tổng số các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế; Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam vẫn xếp ở thứ hạng thấp trong khu vực…
“Những chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, trước tác động của những công cuộc hội nhập đỉnh cao như CPTPP, EVFTA…, cuộc Cách mạng Công nghệ Số, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và những diễn biến bất thường về địa chính trị, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang đòi hỏi cấu trúc chiến lược và quản trị của cộng đồng DN Việt phải thay đổi…” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Kỳ vọng tăng tốc cải cách
Nhờ đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, Công ty Minh Đức (Lào Cai) đã vượt qua đại dịch Covid-19, tiếp tục giữ vững được DN. Tuy nhiên, để DN Việt Nam có thể phát triển đưa đất nước sánh vai với các cường quốc, bà Nguyễn Thị Minh Đức, Giám đốc Công ty Minh Đức, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Lào Cai cho rằng, Việt Nam vẫn cần tiếp tục có những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, không chỉ nhằm thu hút các DN FDI mà cả để các DN trong nước có điều kiện phát triển...
Nhớ lại những lần thay đổi về cơ chế chính sách và đội ngũ DN, doanh nhân vất vả mới có được ngày hôm nay, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Phú Thọ đề nghị Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm tới thể chế. “Hiện nay các văn bản luật và dưới luật đã lạc hậu chưa đổi mới kịp với yêu cầu thực tế của cuộc sống, gây tác động không nhỏ đến hoạt động của DN. Nhiều doanh nhân không muốn phát triển quy mô và chất lượng của DN mình nữa…” - ông nói.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Công ty CP Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Hữu Thập cũng cho rằng, thời gian qua, khi các quy định ban hành ra, DN là đối tượng bị điều chỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, DN này đề nghị trong cải cách về thể chế, cần tăng cường sự tham gia của các tổ chức như VCCI, hay cơ quan Mặt trận tổ quốc, hướng tới việc đưa các nhiệm vụ lập pháp vào các cơ quan nhiệm vụ trực thuộc. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của Bộ Tư pháp và các Bộ ngành nên giao nhiệm vụ xây dựng quy phạm pháp luật cho các Vụ pháp chế của các Bộ chứ không giao cho các vụ quản lý chuyên ngành như hiện nay…
Đại diện Hiệp hội DN Phú Thọ, ông Nguyễn Mạnh Thản đề nghị, Đảng và Nhà nước hơn lúc nào hết phải tạo điều kiện và hành động cùng DN để tháo gỡ khó khăn cho DN. Từ việc sửa đổi các quy định chồng chéo, không phù hợp đến cơ chế thật cụ thể rõ ràng, minh bạch và công bằng cho tất cả cộng đồng DN, đặc biệt trong thời gian hiện tại hỗ trợ về vốn, công nghệ và các thủ tục thuận lợi để DN tái cấu trúc lại sản phẩm, thị trường…, nhất là để DN yên tâm khởi nghiệp và tái khởi nghiệp…
“Các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đã được cắt bỏ rất nhiều. Môi trường kinh doanh vì thế mà trở nên thông thoáng hơn. Tuy nhiên, để DN có thể yên tâm phát triển trong thời gian tới, tôi cho rằng chúng ta phải tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh…” - ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Công ty Hợp Lực đề xuất.
Kỳ vọng Đảng và Nhà nước và chính bản thân các DN cần phải có những tư tưởng đột phá, Chủ tịch Hội đồng DN Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã lắng nghe những kiến nghị của cộng đồng DN nhưng có lẽ chưa thay đổi kịp với tốc độ của diễn biến thực tế. “Đại dịch Covid-19 mặc dù tác động nghiêm trọng rất lớn tới DN song cơ hội không phải là không có. Vì vậy, chúng ta cần phải được tận dụng nhanh nếu không sẽ bỏ lỡ. Điều tôi muốn nói chính là mong muốn làm thế nào Đảng, Chính phủ cần tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch, thể chế đến mức hết sức có thể. Chúng ta đang chậm so với nhu cầu của thế giới!” – ông Đoàn nêu ý kiến.
Mỗi doanh nhân một ý kiến góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng
Tại Lễ kỷ niệm 75 năm Bác Hồ gửi thư cho giới Công thương do VCCI tổ chức cuối tuần qua, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, vào ngày 20 tới, Ban Chấp hành TW Đảng sẽ công bố dự thảo các văn kiện Đại hội lấy ý kiến toàn dân. “VCCI kêu gọi cộng đồng DN cả nước và các Hiệp hội DN sát cánh với VCCI tham gia góp ý vào các văn kiện. Chúng ta sẽ tiếp tục phong trào mỗi doanh nhân một ý kiến góp ý vào văn kiện của Đảng. Sức mạnh của Đảng đến từ dân - Công cuộc cải cách cũng bắt nguồn từ sáng kiến của người dân và DN…” - Chủ tịch VCCI kêu gọi.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. |
Nhấn mạnh nhiệm vụ của Đại hội Đảng lần thứ XIII là xác định tầm nhìn 2045, chiến lược 2030 và kế hoạch phát triển cho thời 2021 - 2025, với khát vọng Việt Nam sẽ hoàn thành công nghiệp hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, đúng kỷ niệm 100 năm ngày độc lập, Chủ tịch VCCI bày tỏ tin tưởng Đại hội Đảng lần này sẽ khơi dậy những động lực mới đưa đất nước sớm đạt tới các mục tiêu này.
“Từ hành trình “ thoát nghèo” tới hành trình “ vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế, về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Muốn “vượt bẫy thu nhập trung bình” phải vượt “bẫy chất lượng thể chế (kinh tế) trung bình”…”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh., đồng thời bày tỏ tin tưởng Nghị quyết của Đảng sẽ tiếp tục thúc đẩy chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, theo những chuẩn mực hàng đầu trên thế giới, và hướng tới mục tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải lọt vào nhóm dẫn đầu trong ASEAN và hướng tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới.
Cùng với đó, kỳ vọng công cuộc phòng chống tham nhũng Đảng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới song hành với những nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, an toàn, tạo nhiều động lực sáng tạo cho nền kinh tế và các DN Việt Nam.
Chủ tịch VCCI đề nghị Đảng và Nhà nước có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám bứt phá vì lợi ích chung, và cần tôn vinh “những người dám phá rào vì đất nước”; Có chủ trương chính sách đối với sự phát triển của các hộ kinh doanh cá thể - chiếc nôi của tinh thần khởi nghiệp, nơi sinh kế của hàng chục triệu người, nơi tạo ra 30% GDP của nền kinh tế, lực lượng chiếm tới 88% tổng số chủ thể kinh doanh ở nước ta…