Điện gió, càng đầu tư công suất lớn càng giảm giá thành?

(PLO) - Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo thay thế quyết định của Thủ tướng về chính sách điện gió. Theo dự thảo này, giá điện gió có thể tăng lên. Liệu sẽ xuất hiện những nhà đầu tư lớn đầu tư vào sản xuất điện gió ở Việt Nam? 
Nhà đầu tư sẽ “mặn mà” hơn khi giá điện gió được đề xuất tăng?

Đứng đầu Đông Nam Á

Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế thế giới, giai đoạn 2020-2030, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển về điện cao nhất thế giới.  Nhưng nguồn năng lượng sơ cấp để phát điện vẫn chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí gas hóa lỏng, và nguồn năng lượng tái tạo vẫn ở mức khiêm tốn.

Trong khi đó, đánh giá của các chuyên gia năng lượng quốc tế cho thấy, tài nguyên gió của Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, nguồn tài nguyên gió chưa được khai thác ở Việt Nam là 27 GW, thậm chí các dự toán khác còn đưa ra con số cao hơn. Do đó, tận dụng nguồn tài nguyên gió phong phú là một trong những lựa chọn chiến lược để Việt Nam đáp ứng được nhu cầu điện tăng cao. 

Dự kiến đến năm 2025, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng khoảng 10%. Trong khi đó, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được điều chỉnh vào năm 2016 đã đề ra mục tiêu, đến năm 2020 tỷ trọng sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 6,5% trong cơ cấu nguồn điện và năm 2030 đạt 6,9%. Tức là công suất điện gió sẽ phải đạt 800 MW vào năm 2020 và 6000 MW vào năm 2030. 

Tuy nhiên, hiện nay, công suất các nhà máy điện gió mới chỉ ở mức 197 MW. “Việt Nam còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2020” - ông Steve Sawyer, Tổng Thư ký Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) tỏ ra lo ngại trước tình hình thực tế về sản xuất điện gió tại Việt Nam. 

Do đó, ông Steve Sawyer cho biết, GWEC mong muốn giúp Việt Nam đạt được những lợi ích mà ngành điện gió mang lại. Bởi năng lượng gió là nguồn năng lượng sạch, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường an ninh năng lượng. Đồng thời lại có thể phát triển công nghệ tiên tiến nhất và tạo việc làm cho nhiều đối tượng dân cư. 

Đủ hấp dẫn nhà đầu tư?

Chính phủ cũng đã ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió nhưng theo ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Năng lượng điện lực, Sở Công thương Bình Thuận có nhiều rào cản khiến nhà đầu tư chưa tích cực tham gia vào lĩnh vực này. 

Theo ông Long, đó là việc giá điện gió của Việt Nam còn khá thấp. Điều đáng lo ngại là những lĩnh vực liên quan đến năng lượng tái tạo mới chỉ được quy định trong các nghị định, quyết định chứ chưa có luật cụ thể về năng lượng tái tạo. Rào cản cuối cùng mà ông Long chỉ ra là tranh chấp trong đền bù giá đất khi tiến hành thu hồi đất phục vụ cho các dự án phát triển điện gió.

Đại diện một doanh nghiệp đầu tư điện gió, ông Bùi Vĩnh Thắng, Công ty Năng lượng tái tạo Mainstream cho rằng, hạn chế lớn nhất với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào điện gió Việt Nam là hợp đồng mua bán điện. Cụ thể, trong hợp đồng này, các nhà đầu tư nước ngoài cho biết điều khoản về hủy và chấm dứt hợp đồng khiến họ có nguy cơ phải chịu rủi ro cao. Vì hợp đồng đặt rủi ro của nhà đầu tư rất cao nên khó có thể huy động vốn. Do đó, số nhà máy điện gió chưa nhiều và chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng đồng tình, cho rằng, các dự án điện gió tại Việt Nam phát triển chậm do vẫn còn nhiều rào cản cùng nhiều khó khăn như quá trình sử dụng đất, vốn, việc đấu nối giải tỏa công suất... 

Đặc biệt, hiện giá điện gió chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, mới đây, tại một phiên họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thông tin, Bộ Công thương đề xuất tăng giá điện gió. Cụ thể, nếu điện gió làm trên mặt biển, có thể tăng thêm 2 cent cho mỗi kWh, còn với các dự án điện gió trên đất liền có thể tăng thêm 1 cent (giá điện gió hiện ở mức 7,8 cent/kWh, áp dụng từ năm 2011). 

Trước thông tin này, ông Bùi Vĩnh Thắng, cho rằng, mức giá này đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư vào Việt Nam. Ông Thắng còn khẳng định: “Than đang phải nhập khẩu rất nhiều, thủy điện lớn cũng đã khai thác hết những gió và năng lượng mặt trời sẵn có, không phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và cũng không bao giờ hết. Trong tương lai, điện gió và điện mặt trời rẻ hơn điện than là điều chắc chắn”

Một lưu ý khác liên quan đến giá điện gió cũng được các chuyên gia đưa ra để thấy, trong tương lai, giá điện gió sẽ giảm nếu Việt Nam tiến hành đầu tư lớn, đồng bộ. Các chuyên gia này cho biết, trước mắt giá điện gió tại Việt Nam vẫn phải đắt vì chi phí đầu vào đắt và đòi hỏi Chính phủ phải trợ giá một thời gian. 

Tuy nhiên, khi đạt đến công suất khoảng 1 GW thì sẽ không cần trợ giá nữa. Kinh nghiệm thế giới cho thấy giá điện gió mỗi năm giảm khoảng 10%. Ví dụ, tại Nam Phi, khi đầu tư ban đầu vào năm 2009, giá mỗi kWh là 10 cent nhưng đến nay chỉ còn khoảng 6 cent. 

Chúng tôi mong giá điện lên…

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận khẳng định, không thể đổ lỗi cho EVN trong chuyện không mặn mà với năng lượng tái tạo. Bởi càng nhiều điện gió, điện mặt trời vào, lưới điện càng phập phù, EVN càng phải bù  lỗ nhiều. Trong khi giá điện bán cho người tiêu dùng Việt Nam hiện nay chỉ 7,3 cent, mà giá điện gió lại lên tới 7,8 cent và điện mặt trời 9,3 cent chưa kể chi phí truyền tải, đấu nối. Là doanh nghiệp và cũng là thành viên Hiệp hội, chúng tôi mong giá điện lên và Nhà nước có cơ chế để bù giá điện, cần có khoản tiền để hỗ trợ cho năng lượng tái tạo mới có thể có bước tạo đà phát triển năng lượng tái tạo”.

Đọc thêm