Điện gió vào ào ạt, lại lo bài toán lưới truyền tải điện

(PLVN) - Dồn dập trong thời gian ngắn, hàng loạt thông tin về các dự án điện gió nghìn tỷ được công bố. Việt Nam có hiện thực hóa tiềm năng cực lớn của nguồn điện năng lượng tái tạo hay không lại phụ thuộc vào bài toán phát triển lưới điện. 
Hạ tầng lưới điện vẫn không thể theo kịp tiến độ phát triển của nguồn điện năng lượng tái tạo.

Hàng loạt dự án nghìn tỷ

Gần đây, các dự án điện gió liên tục được công bố với tổng mức đầu tư trên mức vài ngàn tỷ đồng. UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký quyết định chủ trương đầu tư Dự án điện gió đầu tiên tại thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh. Dự án có công suất thiết kế 120 MW, dự kiến xây dựng 25 tuabin gió với tổng vốn đầu tư hơn 4.687 tỷ đồng. Dự án do Công ty CP Phong điện HBRE Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, dự kiến khởi công trong tháng 10/2020, tiến độ thực hiện 18 tháng sau khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư.

 Mới đây, Tập đoàn HBRE cũng đã ký kết biên bản hợp tác về mặt kỹ thuật với Tập đoàn điện lực của Pháp (EDF) trong dự án điện gió 500MW trên biển Vũng Tàu. Dự án nhà máy điện gió trên biển Vũng Tàu do HBRE Group đầu tư là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên và lớn nhất tại địa phương này với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, công suất 500 MW, đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2019. 

Biên bản ghi nhớ đồng phát triển hai dự án trang trại điện gió tại tỉnh Bến Tre, với tổng quy mô công suất 560 MW cũng vừa được ký kết. Đây hứa hẹn sẽ là dự án điện gió lớn nhất tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay, với tổng mức đầu tư lên tới 1,05 tỷ USD. Dự án điện gió này sẽ được phát triển theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có quy mô công suất 60 MW, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2021.  

Trước đó, nhiều dự án điện gió nghìn tỷ cũng đã được khởi công. Có thể kể đến như 2 dự án điện gió công suất lớn với tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng, với sản lượng điện bình quân mỗi năm khoảng 319 triệu kW được khởi công tại tỉnh Gia Lai. 2 dự án này là Nhà máy điện gió phát triển Miền núi của Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông có mức đầu tư gần 1.900 tỷ đồng, công suất 50 MW, sản lượng điện bình quân 157 triệu kWh điện/năm và Dự án nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên của Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông có mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, công suất 50 MW, sản lượng điện bình quân 162 triệu kWh điện/năm.

Cùng lúc, Dự án Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 và Hướng Phùng 3 (Quảng Trị) cũng được tiếp thêm nguồn tài chính để sớm có thể về đích đúng hẹn (dự kiến vận hành vào khoảng quý III/2021). 2 nhà máy này được xây dựng theo phương thức BOO (xây dựng, sở hữu và kinh doanh) có vốn đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng với tổng thiết kế công suất là 50 MW. 

Lưới điện truyền tải vẫn là “bài toán nan giải”

Mới đây nhất, Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) đã đề xuất đầu tư dự án điện gió ngoài khơi ở Bình Thuận với tổng mức đầu tư... 12 tỷ USD. Với công suất 3.400MW, dự án điện gió này sẽ sản xuất ra lượng điện tương đương với 260 triệu thùng dầu. Chủ tịch tập đoàn này đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án điện gió này vào Quy hoạch điện VIII, dự kiến bắt đầu phát điện vào cuối năm 2025, đến năm 2028 phát điện toàn bộ dự án. 

Tuy nhiên, dường như nhận ra được khó khăn trong vấn đề giải tỏa công suất nguồn điện, điều đã từng xảy ra với các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận và Bình Thuận thời gian vừa qua nên lãnh đạo tập đoàn này đã không ngần ngại đặt vấn đề “được phép làm lưới điện truyền tải” để có thể sử dụng tối đa công suất cực lớn của dự án điện gió mà Enterprize Energy đã đề xuất. 

Theo thông tin mới đây của Bộ Công Thương, 91 dự án điện gió với tổng công suất gần 7.000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tuy nhiên, văn bản đồng ý của Thủ tướng cũng nhấn mạnh Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về các dự án điện gió và lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia cho các dự án thuộc danh mục đề xuất. Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về các dự án điện gió và lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trong danh mục nêu trên.

Thực tế, thời gian qua, khi các dự án nguồn năng lượng tái tạo được hoàn thành sớm, hạ tầng lưới điện đã không thể theo kịp đà phát triển. Đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hệ thống truyền tải điện gặp khó khăn khi đáp ứng nhu cầu truyền tải của các dự án điện gió và mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch. Vì về cơ bản, nếu các dự án truyền tải được thực hiện theo đúng tiến độ dự kiến, đến năm 2025 mới có thể cơ bản đáp ứng giải tỏa tối đa nguồn này. Do đó, tới đây, việc cần kíp là phải có chính sách và kế hoạch phát triển điện lưới theo kịp nguồn điện, nếu không sẽ lại tái diễn tình trạng giảm phát công suất nguồn điện này như đã xảy ra với điện mặt trời.

Đọc thêm