Diệt trừ nạn 'fake bill'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 12/9, Ban Vận động cứu trợ Trung ương Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Ảnh minh họa (Ảnh: Vnexpress).
Ảnh minh họa (Ảnh: Vnexpress).

Danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ qua số tài khoản Vietcombank 0011001932418 từ ngày 1/9 - 10/9/2024 có thống kê chi tiết ngày giờ, số tiền cụ thể đến từng đồng, cũng như nội dung giao dịch của người gửi. Tính đến 17h ngày 12/9, số tiền ủng hộ là 527,8 tỷ đồng.

Động thái trên được cơ quan chức năng giải thích nhằm bảo đảm tính minh bạch, giúp tất cả mọi người có thể theo dõi toàn bộ việc ủng hộ. Để tránh những “lùm xùm”, hoặc ý kiến trái chiều đã từng xảy ra trong thời gian qua với một số cuộc vận động từ thiện do một số cá nhân, tổ chức thực hiện; quyết định này của Mặt trận Tổ quốc được tuyệt đại đa số người dân ủng hộ, đồng tình.

Tuy nhiên, việc công khai danh sách người gửi và số tiền quyên góp bất ngờ mang đến một “tác dụng phụ”. Đó là phát hiện ra trước đó một số “người nổi tiếng”, một số đối tượng khác đã tự chế ra những hình ảnh hóa đơn chuyển tiền giả (fake bill), tung lên mạng xã hội, bịa đặt là “đóng góp ủng hộ đồng bào vùng bão lũ”.

Có đối tượng thực chất chỉ chuyển 100 ngàn đồng, nhưng chỉnh sửa hình ảnh hóa đơn chuyển tiền, thêm 3 con số 0, thành 100 triệu đồng.

Có đối tượng trước đó gom tiền từ người khác, sau đó hứa sẽ góp thêm đủ để chuyển khoản ủng hộ 10 triệu đồng. Hình ảnh hóa đơn trước đó được trưng ra là “đã chuyển đủ 10 triệu đồng”. Nhưng thực tế khi tra danh sách, đối tượng chỉ chuyển khoản 100 ngàn đồng, nghĩa là nghi vấn “ăn chặn” đến 99% số tiền từ thiện. Hành vi này không chỉ là “ăn chặn” của người quyên góp, không chỉ táng tận lương tâm trục lợi trên sinh mạng của đồng bào, mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, có thể cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Với những đối tượng làm “fake bill” chỉ góp 100 ngàn đồng nhưng bịa chuyện là 100 triệu đồng, xét về mặt khía cạnh đạo lý và thực tế, thì cũng nguy hiểm không kém cho xã hội khi trục lợi trên nỗi đau của đồng bào, trục lợi trên những mất mát, tang thương của đất nước. Bịa chuyện không thành có, những đối tượng này nhằm mục đích nổi tiếng hơn, ảnh hưởng hơn, có nhiều cơ hội kiếm miếng ăn hơn, kiếm nhiều tiền hơn; đó cũng có thể gọi là một dạng trục lợi tồi tàn, làm băng hoại xã hội.

Đất nước ta ngàn năm oằn mình kiên cường chống chọi thiên tai, nên tinh thần đùm bọc “thương người như thể thương thân”, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau sẻ nửa” là quan điểm sống, phương châm sống, đạo lý sống... Tiền và đồ cứu trợ người dân ủng hộ đồng bào gặp nạn không chỉ là tiền, không chỉ là vật chất, mà còn là tấm lòng, là nguồn sức mạnh tinh thần giúp đồng bào vùng bão lũ vượt qua những mất mát, thương đau. Cuộc sống vô thường và qua những trận thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, mới càng thấm thía câu nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu”.

Vì vậy, không chỉ là dư luận lên án những đối tượng “fake bill”, mà cơ quan chức năng cũng cần xem xét vào cuộc xử lý, thậm chí khởi tố theo đúng quy định pháp luật với những trường hợp này. Diệt trừ nạn “fake bill”, không chỉ để bảo vệ pháp luật, mà còn nhằm bảo vệ đạo lý dân tộc Việt.

Đọc thêm