Bão 'sao kê' qua đi, làm gì để niềm tin quay lại?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi đất nước trải qua gian nan, mất mát bởi thiên tai, dịch bệnh thì nghĩa đồng bào, tình quê hương là một sợi dây gắn kết tạo nên sức mạnh kỳ diệu. Tuy nhiên, sau những cơn bão “sao kê”, nhiều ý kiến cho rằng, làm từ thiện chỉ lòng tốt chưa đủ, mà cần minh bạch!
Tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa đồng bào là nét đẹp văn hóa của người Việt.
Tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa đồng bào là nét đẹp văn hóa của người Việt.

Nghĩa đồng bào

Gần hai năm qua, trong đại dịch và thiên tai, chúng ta đã thấy sự chung sức, đồng lòng với cả hệ thống chính trị trong đẩy lùi phòng, chống dịch bệnh, thiên tai. Mỗi người dân tùy vào điều kiện của mình đã có những hành động thiết thực chia sẻ giúp đỡ những người còn khó khăn, yếu thế, từ việc mua và phát khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn miễn phí; phát cơm, bánh mì và nước uống miễn phí; tham gia dọn vệ sinh đường phố, khu vực thôn, xóm… Cho đến việc giúp đỡ bà con giải cứu nông sản do dịch bệnh mà ách tắc không tiêu thụ được. Những người trở về từ vùng dịch đã tự nguyện cách ly tại nhà, cách ly tập trung để cùng cộng đồng phòng tránh dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, rất nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, nghệ sĩ… trong cả nước đã chủ động đóng góp, thể hiện tấm lòng sẻ chia, chung sức cùng cộng đồng chống lại đại dịch.

Đặc biệt, trong thời gian bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội để giúp người lao động nghèo vượt qua khó khăn, trong cộng đồng đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm từ thiện mới, điển hình là sáng kiến “ATM gạo” miễn phí hoạt động 24 giờ. Để máy “ATM gạo” luôn có đủ gạo giúp những người lao động nghèo có cái ăn trong lúc khó khăn mà vẫn bảo đảm tuân thủ quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đã có nhiều tấm lòng thảo thơm mang gạo đến chia sẻ chung sức, đồng hành cùng những người nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Ngoài sáng kiến “ATM gạo” có thể kể tới các sáng kiến khác như: Tổ chức đấu giá tranh, biểu diễn văn hóa nghệ thuật miễn phí…

Tất cả mọi sự ủng hộ không chỉ bằng vật chất, mà còn mang giá trị tinh thần tăng lên mỗi ngày, mỗi giờ thể hiện sự đồng cam cộng khổ, tương thân tương ái của người dân cả nước trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Những nghĩa cử đẹp trong cộng đồng cả mùa dịch COVID-19 đã cho thấy niềm tin về lòng tốt, sự sẻ chia, là trách nhiệm và ý thức công dân của con người trong xã hội vẫn luôn tỏa sáng đúng lúc. Và hơn thế, chính sự ấm áp những nghĩa cử cao đẹp của tình người đã đưa con người lại gần nhau hơn cho thấy một Việt Nam đoàn kết, sáng ngời tấm lòng sẻ chia. Thật cảm động với dòng chữ “Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác” đã xuất hiện khắp mọi nơi trong thời gian cả nước phòng, chống dịch COVID-19! Tất cả làm lay động hàng triệu trái tim Việt hướng về vì sự tử tế, về lòng sẻ chia và trên hết là nghĩa tình đồng bào ruột thịt sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo giúp nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn.

Có thể nói, những hành động nghĩa cử cao đẹp trong khó khăn, hoạn nạn đã sưởi ấm tình người càng thêm ấm áp và lan tỏa luồng năng lượng tích cực. Hành động kịp thời của những người đứng đầu đất nước; sự tham gia chủ động, tích cực, quyết liệt, hiệu quả của ban ngành, chính quyền các cấp cùng sự ủng hộ đồng lòng của nhân dân đã cho thấy sự gắn kết bền chặt. Nghĩa tình đồng bào ruột thịt trong khó khăn càng đoàn kết, chia sẻ, tương thân tương ái làm sáng ngời tấm lòng Việt trong hoạn nạn…

Tinh thần đùm bọc của người Việt Nam cũng được thể hiện ngay trong những ngày chống dịch COVID-19. Những lúc hoạn nạn mới thấy hai tiếng “đồng bào” mang ý nghĩa thiêng liêng và lớn lao đến thế. Những người con ở xa Tổ quốc vẫn muốn về với đất mẹ để được sẻ chia đùm bọc...

Phải minh bạch chi tiêu!

Thạc sỹ Phương Linh Bryant, người sáng lập nhóm Oxy Sài Gòn cho rằng minh bạch trong hoạt động từ thiện không khó, chỉ cần sự bài bản trong quy trình công khai tài chính, ghi chép thông tin nhận/cho. Thạc sỹ Phương Linh Bryant là người sáng lập nhóm Oxy Sài Gòn nhấn mạnh vấn đề này tại hội thảo trực tuyến “Nơi niềm tin bắt đầu”.

Tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa đồng bào là nét đẹp văn hóa của người Việt.

Tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa đồng bào là nét đẹp văn hóa của người Việt.

Hội thảo về minh bạch trong hoạt động từ thiện thu hút hàng ngàn trí thức, doanh nhân, các nhà hoạt động trong cộng đồng người Việt khắp thế giới. Trước nhiều thông tin không mấy tích cực về các hoạt động vận động, quyên góp tiền làm từ thiện, đặc biệt từ một số người nổi tiếng dẫn đến khủng hoảng niềm tin, nhiều đại biểu tại hội thảo chung quan điểm, niềm tin bắt đầu từ lòng tốt của chính mình. Nhưng trong hoạt động từ thiện, niềm tin không chỉ được tạo ra từ lòng tốt mà còn phải cả từ sự minh bạch.

Từ vai trò của một mạnh thường quân đến người tổ chức từ thiện, Thạc sỹ Phương Linh Bryant cho biết, thực hiện việc minh bạch trong hoạt động từ thiện không khó, chỉ cần bài bản trong quy trình công khai tài chính cũng như ghi chép thông tin nhận/cho. Hiện nay, các dịch vụ của ngân hàng hay công nghệ ngày càng rõ ràng, nhanh chóng và tiện lợi, việc này càng dễ thực hiện.

Trong bối cảnh dư luận, cộng đồng nổ ra nhiều thông tin tiêu cực về hoạt động từ thiện, mỗi cá nhân, hội nhóm thiện nguyện càng cần nỗ lực để công khai thu chi cũng như các tài liệu khác để ai cũng có thể dễ dàng đối chiếu thông tin, kiểm chứng tính xác thực của các hoạt động.

Theo đó, các nhóm thiện nguyện muốn bền vững và chuyên nghiệp rất cần xây dựng theo mô hình chuẩn quốc tế, trong đó, cần có mức hỗ trợ tài chính xứng đáng cho tình nguyện viên để họ đảm bảo cuộc sống, yên tâm làm thiện nguyện. Quan trọng là loại chi phí hoạt động này cũng cần được công khai một cách rõ ràng.

Vừa huy động được hơn 100.000 USD từ các công ty startup, các quỹ đầu tư mạo hiểm cho dự án mới hướng đến việc trang bị máy thở cho các bệnh viện tại Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Duy Thức (Đồng sáng lập kiêm CEO OhmniLabs, startup công nghệ tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ) nêu ba yếu tố để tạo niềm tin cho cả bên cho lẫn bên nhận. Đối với người cho, người đứng ra kêu gọi cần báo cáo tài chính rõ ràng mọi khoản thu chi; về việc làm và cách làm, cách hỗ trợ cho người cần theo từng thời điểm.

Và phía người nhận, không chỉ cần hỗ trợ đúng người, đúng thời điểm mà còn phải phù hợp. Một chiếc máy thở khó sử dụng hay một phần cơm không dùng được, sẽ làm giảm sự hiệu quả của hoạt động đóng góp.

Cùng với đó, ca sĩ Thái Thùy Linh, một nghệ sĩ có thâm niên làm thiện nguyện nhiều năm cũng cho biết: “Từ 10 năm nay, Linh có ban kiểm toán khi làm từ thiện. Bao giờ cũng có nhiều hơn 1 người tham gia việc giám sát thu chi, kiểm toán. Quỹ càng lớn thì càng có nhiều người tham gia kiểm tra chéo… Chúng tôi còn báo cáo cả ủy nhiệm chi để làm rõ đích đến của luồng tiền chi ra, đồng thời công khai đối tượng thụ hưởng để ai cũng có thể kiểm tra, đối chiếu xem luồng tiền có đến đúng và đủ với người thụ hưởng hay không?...

Tuy nhiên, để có thể minh bạch thu chi trong công tác từ thiện, ngay cả đối với những người làm thiện nguyện lâu năm cũng là một áp lực, đặc biệt là những chương trình có qui mô lớn. Dẫn chứng với chiến dịch “Người Việt thương nhau” được ca sĩ Thái Thùy Linh tổ chức ở tâm dịch TP HCM trong suốt 4 tháng vừa qua. Khi tổ chức chiến dịch này, đã có tới hàng nghìn người đã ủng hộ vào tài khoản của nữ ca sĩ. “Mới đây, tôi may mắn được khi được MB cấp cho tài khoản thiện nguyện. Thay vì trước đây, cứ vài ngày phải lo làm sao kê, báo cáo thì nay việc kiểm soát thu chi tài chính đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều”, ca sĩ Thái Thùy Linh cho biết thêm.

Gia tăng sự minh bạch lên một cấp độ mới

Tài khoản thiện nguyện là một trong 3 cấu phần của của công nghệ tích hợp Thiện nguyện do MB phát triển gồm: Tài khoản ngân hàng minh bạch sao kê, ứng dụng và website Thiện nguyện (https://thiennguyen.app). Người gây quỹ có thể dễ dàng mở “Tài khoản thiện nguyện minh bạch” gồm 4 số dễ nhớ, miễn phí mà không cần phải sử dụng tài khoản cá nhân.

Được tích hợp tính năng tự động công khai, minh bạch số dư tài khoản và toàn bộ giao dịch theo thời gian thực, giải pháp giúp người ủng hộ có thể truy cập vào bất cứ thời gian nào để chủ động theo dõi mọi nguồn thu chi theo ngày, dưới dạng biểu đồ giao dịch của tài khoản gây quỹ. Các cá nhân, câu lạc bộ gây quỹ cũng dễ dàng theo dõi mọi nguồn thu chi dưới dạng biểu đồ trực quan.

Triển khai thí điểm từ ngày 15/9/2021, đến nay tài khoản thiện nguyện của MB đã cung cấp tài khoản chuyên dùng gần 200 cá nhân vận động ủng hộ có nghề nghiệp chuyên môn đa dạng như: doanh nhân, nghệ sĩ, luật sư, nhà giáo, chủ nhiệm các câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện... trên toàn quốc.

Ứng dụng Thiện nguyện cũng được cộng đồng ủng hộ với gần 3.000 tài khoản người dùng, với hơn 7.000 lượt ủng hộ trị giá trên 8 tỉ đồng cho gần 50 mục tiêu, chiến dịch được phát động hướng đến nhiều đối tượng thụ hưởng khác nhau.

Ông Vũ Thành Trung, Giám đốc Khối Ngân hàng số MB cho biết: “Với giải pháp thiện nguyện minh bạch, chúng tôi mong muốn góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa nét đẹp văn hóa đáng tự hào này của người Việt. Quan trọng hơn hết là trở thành cầu nối cho những hoạt động thiện nguyện đạt hiệu quả hơn”.

Hiện nay, ứng dụng Thiện nguyện đã được MB cập nhật những tính năng mới: tiến độ ủng hộ được cập nhật tức thời, đầy đủ thông tin về tài khoản kêu gọi, nhà hảo tâm có thể ủng hộ ngay từ đường dẫn được chia sẻ… Trong thời gian tới MB sẽ chú trọng các tiện ích gia tăng tính minh bạch hơn nữa bao gồm minh bạch cả khoản thu và khoản chi dưới nhiều hình thức, đáp ứng đầy đủ các qui định pháp luật.

Đọc thêm