Thông cảm và chia sẻ với sự búc xúc của một bộ phận người lao động trong thời gian qua liên quan đến quy định tại Điều 60 Luật BHXH 2014, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhận định:
Luật này chưa có hiệu lực thi hành, và chính sách hưởng bảo hiểm lao động một lần sau một năm nghỉ việc theo quy định tại Điểm C, khoản 1, Điều 55 của Luật Bảo hiểm 2006 vẫn đang được thực hiện bình thường cho đến hết ngày 1/12/2015. Do đó, nội dung của Điều 60 chưa có ảnh hưởng, tác động đến đời sống của người lao động.
ĐB Thúy Nghi vấn: “Có phải tất cả người lao động muốn được hưởng bảo hiểm một lần đều thực sự khó khăn không và liệu số tiền hưởng bảo hiểm một lần có giải quyết được những khó khăn trước mắt của bản thân và gia đình họ hay không?”
Lý do bà đưa ra là theo báo cáo của chính phủ trong 5 năm 2010 – 2014, trong 2323097 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có 962638 người mới làm việc có một năm trở lại, tức là hưởng một lần chỉ được tối đa 1,5 tháng lương đóng bảo hiểm xã hội.
Có thể số tiền này thấp hơn số tiền lương thực nhận vì có không ít doanh nghiệp lập 2 sổ lương, trong đó một sổ tính đóng bảo hiểm xã hội có khi chỉ bằng lương tối thiểu vùng và một sổ lương thực nhận. Như vậy chỉ đóng bảo hiểm một thời gian ngắn rồi rút ra thì không thể coi là bảo hiểm được. Với số tiền đó thì làm sao để giải quyết được khó khăn, đủ vốn về quê lập nghiệp?
Thực tế, người lao động ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội để nhận bảo hiểm xã hội một lần là những người có số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa nhiều, phần lớn họ là những người ở khu vực nông thôn đến các khu công nghiệp, nhiều người trong số họ chỉ làm công việc ngắn hạn và thời vụ nên việc nhận thức bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tích lũy số năm đóng bảo hiểm cần thiết khi họ tiếp tục làm việc trong khu vực trả lương để hội đủ các điều kiện hưởng lương hưu là còn hạn chế.
Theo ĐB Thúy, cần chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến luật bảo hiểm xã hội 2014 để người lao động nhận thức đầy đủ hơn vấn đề bảo lưu số năm đóng bảo hiểm xã hội.
ĐB Thúy cũng có ý kiến: “Tôi ủng hộ quan điểm của Chính phủ tôn trọng quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm một lần hoặc bảo lưu thời gian hưởng bảo hiểm của người lao động vì 3 lý do: Điều 60 luật BHXH 2014 là nhằm thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng đến năm 2020, nay vì để đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động, chúng ta chấp nhận mục tiêu này có thể phải bị chậm lại.
Lý do thứ hai, thị trường lao động của nước ta chưa hoàn thiện, người lao động có việc làm nhưng chưa ổn định, chủ yếu là theo mùa vụ; thứ ba, tiền lương tối thiểu theo vùng chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, hiện nay chỉ mới đáp ứng được 70%.
Nếu Quốc hội đồng ý thì có chăng bổ sung thêm nhóm lao động sau 1 năm nghỉ việc được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.”
Theo ý kiến của bà Thúy: “Không phải sửa Điều 60 Luật BHXH 2014 vì về nguyên tắc, có sai thì mới sửa, mà trên thực tế, Điều này hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với luật pháp, mục tiêu của Đảng và xu hướng phát triển chung. Do vậy, tôi tán thành với dự báo tác động tiêu cực của việc cho phép người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần như báo cáo số 22 ngày 19/5/2015 của Chính phủ. Giải pháp tốt nhất là đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết cho phép người lao động sau một năm được quyền lựa chọn hưởng BH một lần hoặc là bảo lưu. Sau một thời gian cần có báo cáo tổng kết đánh giá rồi xem xét có cần bổ sung quy định này vào điều 60 hay không.”
Đồng ý với ý kiến ĐB Thúy, Lê Thị Yến (Phú Thọ) khẳng định về quan điểm chủ trương của Điều 60 là hoàn toàn đúng với thể hiện đúng quan điểm định hướng mở rộng đối tượng hưởng BHXH, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chăm lo cho người lao động về già, thay vì hưởng BHXH một lần. “Nội dung của điều 60 Luật BHXH 2014 là một chính sách ưu việt.”- bà khẳng định.
Tuy vậy, bà cũng tán thành kiến nghị của Chính phủ, trước mắt cho phép người lao động hưởng 1 lần hoặc tiếp tục bảo lưu. Ra nghị quyết kéo dài điểm c khoản 1, điều 55 , thời gian tới xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ hơn.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Bày tỏ tâm trạng rất buồn khi QH ban hành một qui định mà người lao động không đồng tình. Theo ông, sửa luật phải làm theo qui trình: Phải đánh giá số % người lao động phản ứng, điều chỉnh Chương trình 2015 tránh “càng sửa càng sai” nên trước mắt có nghị quyết để ổn định tình hình và có thời gian QH xem xét, tổ chức tuyên tuyền vận động người lao động chấp thuận Điều 60 và làm theo qui trình chặt chẽ nếu sửa đổi.