Nhờ đến trông mẹ, ai ngờ giết mẹ
Vụ án đau lòng xảy ra vào chiều 18/2/2015 (tức 30 Tết Ất Mùi), tại ấp Tân Bắc (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Nạn nhân là cụ Phạm Thị Xa (SN 1935) bị con gái sát hại nhằm cướp tài sản.
Bị bắt sau đó, hung thủ Nguyễn Thị Phin (SN 1958, con gái nạn nhân) khai nhận toàn bộ sự việc và cho biết, sau khi gây án đã lục quần áo, tủ lấy đi nhiều tài sản có giá trị như vàng, kim cương, tiền mặt.
Theo lời người thân nạn nhân, ngày hôm đó, Phin và chị dâu dọn dẹp nhà cửa, sau đó cùng ra ngoài. Người con dâu đi chợ mua đồ về làm mâm cỗ cúng cuối năm, Phin về lại nhà mình gần đó.
Đến chiều, con trai cụ Xa về thấy cửa nhà khóa trái, gọi nhiều lần không ai lên tiếng. Anh này trèo ban công vào nhà, phát hiện mẹ nằm bất động dưới sàn nhà với nhiều vết thương trên đầu.
Công an tỉnh Đồng Nai khám nghiệm hiện trường, bước đầu xác định cụ Xa tử vong do mất nhiều máu với những vết thương chí mạng trên đầu do vật cứng đập vào.
Tại hiện trường thu giữ một chày sắt (dùng giã gia vị) nghi là hung khí. Hiện trường cho thấy có sự giằng co giữa hung thủ và nạn nhân. Tất cả tủ, quần áo bị lục tung. Toàn bộ tài sản có trong phòng bao gồm cả vàng, kim cương, tiền mặt trị giá hơn 100 triệu đồng đã bị lấy đi.
Kết luận ban đầu cho thấy đây là vụ án giết người cướp của, nghi phạm là người quen, sau khi gây án đã chốt cửa bỏ đi.
Kết hợp lời khai của người nhà nạn nhân và một số nhân chứng, cơ quan điều tra xác định Phin là nghi phạm số một. Bởi, Phin là người cuối cùng rời hiện trường trước khi vụ án xảy ra.
Thứ hai, nhiều người dân cho biết thời điểm phát hiện sự việc có thấy Phin rời nhà mẹ. Tuy nhiên, gia đình trình bày nguyện vọng đợi sau khi xong đám tang mới triệu tập lấy lời khai.
Bảy ngày sau khi vụ án xảy ra, Phin được triệu tập và nhanh chóng nhận tội. Theo đó, sau khi ra về cùng người con dâu nạn nhân, Phin đã quay lại nhà mẹ đẻ mượn tiền.
Không được mẹ đồng ý, Phin xuống nhà dưới lấy chiếc chày giấu trong người và trở lại phòng ngủ của mẹ gây án, sau đó dùng vải lau sạch vết máu trên sàn và tắm rửa, lục lấy tài sản rồi thản nhiên ra về.
Phin mang số tài sản trên lên TP. Biên Hòa bán lấy tiền trả nợ, đóng tiền hụi, tiêu xài cá nhân, một số ít còn lại được cất giấu tại nhà.
Vì cờ bạc, hay tâm thần?
Theo lời người thân và hàng xóm, cụ Xa là một người mẹ tuyệt vời khi một mình tạo dựng lại được sự nghiệp cho gia đình, lo mua đất, cất nhà cho tất cả con cái, bất kể là trai hay gái. Cụ sống khá giả và được những người xung quanh kính trọng vì có tiếng đạo đức, hiền lành.
Vị phó ấp cho biết thủ phạm Phin nghiện cờ bạc |
Cụ bị bệnh cao huyết áp và sống cùng gia đình người con trai là chủ một quán lẩu, cho thuê dụng cụ cưới hỏi và nấu ăn. Khoảng 13h giờ ngày xảy ra sự việc, gia đình người con trai có việc đi vắng nên nhờ Phin và một người chị dâu đến trông coi mẹ.
Thủ phạm Phin đã ly hôn từ nhiều năm trước, hai người con trai đã có vợ và sống riêng. Ông Đào Văn Tâm, phó ấp Tân Bắc, cho biết: Từ khi ly dị, Phin sống dựa vào việc trông trẻ tại nhà cho 5 gia đình, thu nhập khoảng 5 – 6 triệu/tháng.
Tuy nhiên, Phin lại bắt đầu lao vào đề đóm, vé số, chơi hụi. Ban đầu, số tiền chơi chỉ từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng có thể xoay sở được, lại thêm một vài lần trúng nên càng mê mải cho đến khi nợ nần không thoát ra được.
Tại cơ quan điều tra, Phin khai nhận đã nợ đến 100 triệu đồng và không có khả năng trả nợ. Chiều cuối năm, do chủ nợ hối thúc, “xã hội đen” thường đến nhà đòi tiền, Phin không biết xoay sở ở đâu nên sang nhà mẹ.
Hôm xảy ra sự việc, Phin ngồi chơi ở nhà mẹ hàng tiếng đồng hồ. Sau khi dọn dẹp nhà cửa cho mẹ, Phin ra về, bị chủ nợ tiếp tục đến làm khó dễ. Đối tượng khai, do bí quá nên làm liều, dù trước đó cụ Xa biết con nợ nần nhiều lần cho tiền tiêu xài trả nợ nhưng Phin không dứt ra được tật số đề và gây tội.
Ông phó ấp cho hay: “Trước đến nay, ở địa phương, gia đình cụ Xa sống rất đạo đức. Riêng bà Phin có biểu hiện tâm thần nhẹ, ngẩn ngơ, chậm phát triển từ nhỏ. Một người bình thường thì làm sao giết mẹ xong lại thản nhiên ra về như vậy? Khi mọi người phát hiện cụ Xa chết, Phin vẫn “bình chân như vại”, đến nhà lo ma chay chứ không hề có biểu hiện nào khác thường”./.