Sáng nay, trong phiên thảo luận tổ đầu tiên của Kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII, các ĐB đã bàn về Điều 60 Luật BHXH – Điều luật vừa được sửa đổi, bổ xung ở kỳ họp trước, và đến 1/1/2016 này mới có hiệu lực.
Thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của mình, ĐB Trần Hoàng Ngân (Tp. HCM) nói: “Tôi xấu hổ, thấy mình có phần trách nhiệm trong việc ấn nút thông qua một điều luật chưa có hiệu lực đã bị cử tri phản ứng”.
Cùng tâm trạng này, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho hay: “Cá nhân tôi đã biểu quyết thông qua theo quy trình biểu quyết. Tâm trạng của tôi khi thấy công nhân phản ứng điều 60 là xấu hổ, thấy mình có lỗi với cử tri”.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng bày tỏ: “Điều 60 là vì quyền lợi lâu dài của chúng ta nhưng nhìn bộ phận góc khuất, những người còn đang khó khăn, hay có khi sống không đủ 60 tuổi thì tôi trách tôi đầu tiên”. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng Chính phủ, cơ quan nhà nước, QH, cũng đã xử lý công việc rất nhanh. Trong quá trình làm, có cái sai thì chỉnh sửa. Cũng bởi lẽ đó, bà An chia sẻ: “Tôi tha thiết kiến nghị nên sửa để người lao động có cơ hội lựa chọn”.
Từ câu chuyện sửa đổi Điều 60 Luật BHXH ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị xem lại cách làm luật hiện nay. “Cần xem lại cách lấy ý kiến trong xây dựng luật xem tính phổ quát và thực chất của việc lắng nghe dân đã tốt chưa? Người bị tác động có sâu sát, có thực sự muốn nghe hay không? Nghe rồi, ghi nhận ý kiến nhưng tiếp thu cầu thị đã tốt chưa?”.
Bà cũng đề nghị nên đặt ra việc tranh luận trong thảo luận. Thực tế không phải ĐB nào cũng am hiểu thực tiễn nên chính tranh luận trong thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau sẽ giúp ĐB có điều kiện lắng nghe giải thích của người khác.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng lưu ý kỹ thuật làm luật, có những vấn đề nên mở cho đối tượng chịu tác động chọn lựa chứ không nên áp đặt cứng nhắc./.