Điều chỉnh giá điện: Chưa đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan

(PLO) - Mặc dù Điều 3.7 của Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân đã quy định: “Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch”, tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp luật, quy định này nói riêng và toàn bộ dự thảo nói chung chưa có yếu tố “bảo đảm sự tham gia của các bên liên quan”.
Ảnh minh họa

Nguyên lý để tính giá bán lẻ điện bình quân theo dự thảo hiện nay là dựa trên tổng chi phí sản xuất, truyền tải và phân phối điện cộng với lợi nhuận định mức hợp lý. Đây là nguyên lý phù hợp khi chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Tuy nhiên, để nguyên lý này được áp dụng một cách đúng đắn còn cần có sự công khai minh bạch và bảo đảm sự tham gia của các bên liên quan. Mặc dù Điều 3.7 của Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân đã quy định: “Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch”. Tuy nhiên, quy định này nói riêng và toàn bộ dự thảo nói chung chưa có yếu tố “bảo đảm sự tham gia của các bên liên quan”.

Trong quan hệ mua bán điện, có sự tham gia của bên bán điện, bên mua điện và Nhà nước. Bên bán lẻ điện là các công ty con trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được EVN đại diện tham gia ở nhiều khâu trong Dự thảo này. Về phía Nhà nước có vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, về phía bên mua điện thì mới chỉ có quy định rất mờ nhạt về sự tham gia của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 7.1 về kiểm tra chi phí sản xuất điện hàng năm, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ “có thể mời”, chứ không phải là bắt buộc. Như vậy, sự tham gia của bên mua điện trong việc quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện chưa được bảo đảm. 

Bởi lẽ, bên mua lẻ điện bao gồm hai thành phần chính là hộ gia đình và các doanh nghiệp sử dụng điện. Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia pháp luật đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 3.7 của dự thảo thành “Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của bên bán điện, bên mua điện và có sự kiểm soát của Nhà nước”. Đồng thời, bổ sung thêm các biện pháp để bên mua điện có thể tham gia vào cơ chế điều chỉnh giá điện tại tất cả các khâu từ tính toán, kiểm tra cho đến kiến nghị, đàm phán phương án điều chỉnh giá điện qua nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể, cần bổ sung quy định về công khai văn bản báo cáo của EVN gửi cho Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hàng quý và hàng năm về chi phí sản xuất kinh doanh điện trong thời gian trước đó và tính toán giá bán điện bình quân theo công thức tại Điều 4.2. Sau khi báo cáo này được công bố, Bộ Công Thương dành thời gian để các đơn vị sử dụng điện (doanh nghiệp và hộ gia đình) xem xét các thông tin trong báo cáo này. Các đơn vị sử dụng điện sẽ có quyền gửi ý kiến về báo cáo của EVN và kiến nghị về việc giảm hoặc mức điều chỉnh giá điện. 

Bên cạnh đó, bổ sung quy định bắt buộc mời đại diện của bên mua điện gồm một số doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện lớn (như Hiệp hội Thép, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội cơ khí…), đại diện Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức xã hội khác trong quá trình kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện tại Điều 7. Đồng thời, sửa đổi quy định về công bố kết quả kiểm tra theo Điều 7.1.c bao gồm toàn bộ báo cáo của EVN (bao gồm cả báo cáo chi phí của các bên bán điện theo hợp đồng và chi phí của các đơn vị cung cấp dịch vụ) cùng với báo cáo kiểm tra của Bộ Công Thương phối hợp với các bên liên quan trên trang Thông tin điện tử.

Đọc thêm