Điều chỉnh giá nước sạch, phải làm tốt chính sách phục vụ khách hàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cho rằng việc điều chỉnh giá nước sạch tại TP Hà Nội ở thời điểm hiện nay là cần thiết, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục giá, Bộ Tài chính -lưu ý ngành nước đáp ứng những đòi chính đáng của người dân như cung ứng đủ nhu cầu, đảm bảo chất lượng nước theo quy chuẩn, phải tốt chính sách phục vụ khách hàng…
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục giá, Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục giá, Bộ Tài chính.

Sở Tài chính Hà Nội vừa có Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP. Dự kiến, lộ trình áp dụng trong năm 2023 và 2024.

Theo tờ trình của Sở Tài chính Hà Nội, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên mức 7.500 đồng/m3 từ tháng 1/7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng.

Tổ công tác thẩm định phương án điều chỉnh giá nước gồm cán bộ của 6 Sở ngành đã tính toán nhu cầu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/người. Như vậy, mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10-16m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng một tháng. Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/người, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền họ phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng một tháng.

Trao đổi về đề xuất nêu trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục giá, Bộ Tài chính - cho rằng việc chia lộ trình điều chỉnh giá ra hai năm là việc xử lý hợp lý.

Hiện nay, TP Hà Nội đang lên phương án điều chỉnh giá nước sạch. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này, việc điều chỉnh như vậy là có cần thiết hay không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Giá nước sạch hiện hành ở Hà Nội được giữ ổn định từ năm 2013 đến nay đã tròn 10 năm. Mức giá này đã trở nên không còn phù hợp khi các yếu tố đầu vào cấu thành giá nước đã tăng lên khá lớn.

Cụ thể, nếu lấy năm 2012 so với năm 2023 thì tiền lương tối thiểu vùng tăng 1,733 lần; giá điện bình quân tăng 1,236 lần; lạm phát tăng 30%; chỉ số giá nguyên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất năm 2022 so với năm 2018 tăng 20,42%...

Như vậy, chi phí đầu vào tăng làm cho chi phí sản xuất và giá thành nước sạch tăng cao hơn giá bán nhưng giá bán lại bị “kìm lại”, không điều chỉnh tăng theo đã làm cho giá tiêu thụ nước sạch hiện hành trở nên bất hợp lý do không tuân thủ nguyên tắc xác định giá nước mà Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, theo đó đã quy định “Giá nước sạch phải được tính toán đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý…”.

Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV hôm 25/4 vừa qua, trả lời ý kiến cử tri liên quan đến vấn đề nước sạch cho người dân, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, trong số 18 xã chưa được cấp nước sạch của huyện Sóc Sơn, TP đang chỉ đạo cấp nước sớm trong năm 2023 cho 11 xã; đối với 7 xã còn lại, sẽ phải đấu thầu rồi mới tổ chức thi công nên sẽ cần thêm thời gian để nước sạch đến được với người dân.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết thêm, từ năm 2013 đến nay, tiền nước không tăng. Nhiều doanh nghiệp không mặn mà với đầu tư nước sạch. Do đó, sắp tới, TP sẽ tính toán lại giá nước sạch, trong đó ưu tiên về giá 10m3 đầu tiên, đặc biệt là cho người nghèo. Các đối tượng khác dùng nhiều nước sạch thì phải trả giá cao hơn.

Thực trạng đó đã làm cho giá nước gây khó khăn cho doanh nghiệp cấp nước; không tạo được động lực thúc đẩy ngành nước nâng cao năng lực cấp nước, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển ngành nước; không tạo được sức ép sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả… Vì vậy, tôi cho rằng việc phải xem xét điều chỉnh giá nước sạch là cần thiết.

Sở Tài chính Hà Nội đề xuất lộ trình áp dụng phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trong 2 năm 2023 và 2024, được chia ra làm nhiều mức độ sử dụng. Theo ông, lộ trình và mức tăng như vậy có phù hợp và khả thi hay không?

- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Việc chia lộ trình điều chỉnh giá ra hai năm là việc xử lý hợp lý bởi nếu điều chỉnh dồn vào một lần thì theo mức độ tăng của chi phí đầu vào như đã phân tích ở trên sẽ tạo ra sự “giật cục” tác động có thể gây sốc, bất lợi đến sản xuất và đời sống.

Chính vì chia lộ trình điều chỉnh như vậy nên đã làm cho chi phí trả tiền nước tăng thêm thấp, phù hợp với thu nhập, chi tiêu của hộ gia đình.

Để đảm bảo sự đồng thuận của người dân đối với phương án này, ông có khuyến nghị gì không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Qua tìm hiểu thị trường, tôi thấy người dân cơ bản đồng thuận với chủ trương, cách làm của TP Hà Nội nhưng họ yêu cầu điều chỉnh giá thì ngành nước phải có trách nhiệm cung ứng nước sạch đáp ứng liên tục, đủ nhu cầu, chất lượng nước đảm bảo theo quy chuẩn.

Bên cạnh đó, phải làm thật tốt chính sách phục vụ khách hàng, chống gian lận trong đo đếm lượng nước sử dụng và tính tiền nước. Tôi nghĩ đây là đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng mà ngành nước Hà Nội phải đáp ứng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, mức tăng thiết kế theo lộ trình hai đợt, cơ bản không tác động đến thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt vì tiền nước chỉ chiếm 0,72% tổng thu nhập và chi tiêu mỗi tháng của một hộ gia đình tại khu vực thành thị. Mức tăng dự kiến của Hà Nội tương đương hoặc thấp hơn so với các tỉnh TP khác. Cụ thể, tiền nước phải chi trả 10 m3 đầu tiên của người dân Hà Nội là 75.000 đồng/hộ, Bình Dương 101.500 đồng/hộ, Quảng Ninh là 81.000 đồng/hộ; Điện Biên 80.000 đồng/hộ.

Đọc thêm