Điều chỉnh phí dịch vụ ngân hàng dễ trở thành 'con dao 2 lưỡi'

(PLO) - Việc Vietcombank tăng phí dịch vụ thẻ và ngân hàng điện tử hồi đầu tháng 3/2018 đã tạo những phản ứng trong xã hội. Đành rằng phí dịch vụ là một quan hệ thuận mua vừa bán theo nguyên tắc thị trường tự do nhưng việc tăng phí dịch vụ trong những thời điểm nhất định có thể trở thành “con dao 2 lưỡi”
Điều chỉnh phí dịch vụ ngân hàng dễ trở thành 'con dao 2 lưỡi'

“Ma trận” phí dịch vụ ngân hàng

Vừa qua, Vietcombank - ngân hàng có lượng khách sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử lớn nhất, đã có động thái điều chỉnh mức phí nhiều loại dịch vụ. Điều này đã khiến nhiều khách hàng phàn nàn vì bỗng dưng bị tính phí các giao dịch mà trước đây từng được miễn phí. 

Ví dụ, phí chuyển tiền trong cùng hệ thống qua ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking, trước đây được miễn phí thì nay khách hàng sẽ tốn 2.200 đồng/giao dịch cho khoản tiền dưới 50 triệu đồng và 5.500 đồng/giao dịch nếu chuyển từ 50 triệu đồng trở lên. 

Bên cạnh đó, mức phí duy trì tin nhắn (SMS Banking) tiền nạp vào và rút ra trên tài khoản từ nay chủ thẻ Vietcombank phải trả thêm 3.200 đồng/tháng lên mức 11.000 đồng/tháng. Các loại phí chuyển khoản liên ngân hàng Vietcombank giảm từ 11.000 đồng xuống 7.700 đồng với các mỗi giao dịch dưới 10 triệu đồng. Đối với các khoản chuyển tiền trên 10 triệu đồng mức phí hiện được tính 0,02% trên tổng giá trị giao dịch - hay nói cách khác chuyển 100 triệu đồng mất 22.000 đồng…

Mặc dù có loại phí tăng, có loại giảm nhưng dư luận dường như chỉ chú ý tới cụm từ “tăng phí”. Trong khi đại diện ngân hàng này đã khẳng định 70% giao dịch của khách hàng cá nhân có giá trị dưới 10 triệu đồng nên không ảnh hưởng nhiều tới khách hàng bởi với những giao dịch dưới 10 triệu đồng (ngoài hệ thống) và 50 triệu đồng (trong hệ thống) Vietcombank giảm phí từ 3.300 đồng/giao dịch xuống 2.200 đồng/giao dịch. 

Theo thống kê, một chủ thẻ mở thẻ và đăng ký đầy đủ các dịch vụ ngân hàng đang phải trả những khoản phí: SMS banking gồm phí đăng ký dịch vụ, phí duy trì dịch vụ hàng tháng (thấp nhất là 2.000 đồng/tháng), phí chấm dứt dịch vụ, phí dịch vụ ATM gồm rút tiền trong và ngoài hệ thống (1.100 - 3.300 đồng/lần), chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, phí in sao kê, Internet banking (phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống (2.200 - 11.000 đồng/lần), Mobile banking (chuyển tiền trong và ngoài hệ thống), phí truy soát giao dịch (3.300 đồng/lần)...

Số tiền mà các chủ thẻ phải trả hàng năm sẽ gồm số phí cố định mà ngân hàng thu khi tới kỳ cộng với số tiền phí trả cho từng giao dịch, càng giao dịch nhiều thì càng mất nhiều tiền phí… Con số này tưởng nhỏ nhưng cộng lại thì không bé như nhiều người nghĩ.

Đối với các khoản cứng mà ngân hàng thu khi tới kỳ (hàng tháng) có phí dịch vụ, SMS banking đang là khoản “chát” nhất. Đơn vị có mức thu cao nhất hệ thống là Maritime Bank là 16.500 đồng/tháng (đã tính thuế VAT), tương đương 198 nghìn đồng/năm. Sau đó đến một số ngân hàng VPBank, VIB, OCB... thu 11 nghìn đồng/tháng (đã bao gồm VAT), tương đương 132 nghìn đồng/năm. Một số ngân hàng có mức thấp hơn thì là 8.800 đồng/tháng, tương đương 105.600 đồng/năm.

Một khách hàng cho hay, việc Vietcombank thu phí chuyển khoản nội mạng đối với khách hàng sử dụng VCB-Mobile Banking là không hợp lý bởi hàng tháng khách hàng đã phải trả 11.000 đồng phí dịch vụ. Giờ thu phí 2.200 đồng/lệnh chuyển được áp dụng từ ngày 1/3 là kéo theo tình trạng phí chồng phí. Mức phí 22.000 đồng đối với chuyển tiền như ví dụ ở trên có vẻ không lớn, nhưng mỗi ngày một doanh nghiệp thực hiện 100 giao dịch đã mất đi 2,2 triệu đồng, đó là chi phí không nhỏ đối với các doanh nghiệp.

Có thể làm trì trệ nền kinh tế 

Nhiều chuyên gia cũng đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề điều chỉnh phí nói chung của các ngân hàng. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngân hàng tăng phí là cần thiết để đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin. 

“Sức người chỉ đóng góp một phần, còn có nhiều dịch vụ qua internet, ngân hàng cần đầu tư và việc này rất tốn chi phí. Nên việc tăng phí cũng là đầu tư dài hạn”, ông Hiếu phân tích. Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý, đây là con dao hai lưỡi bởi nếu mức phí không hợp lý, công tác truyền thông không tốt, sẽ hạn chế khuyến khích người dân thanh toán qua ngân hàng, có thể làm trì trệ nền kinh tế.

Để xử lý vấn đề, theo ông Hiếu, ngân hàng phải xem lại biểu phí nào phải tăng, biểu phí nào giảm được và hỗ trợ tối đa cho khách hàng. “Trên thế giới, các ngân hàng xác định, người dân gửi tiền vào ngân hàng là cho họ vay với lãi suất thấp, đặc biệt là tiền gửi không kỳ hạn, có khi chỉ dưới 1% mà ngân hàng sử dụng số tiền này với nhiều mục đích khác cũng đã tạo ra lợi nhuận. Do đó, ngân hàng phải có trách nhiệm giảm phí”, ông Hiếu nói. 

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico nêu quan điểm: “Việc tăng, giảm phí nằm trong quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và trong thỏa thuận sử dụng dịch vụ khách hàng ký với ngân hàng. Có điều, khi ngân hàng giảm phí thì rất lớn tiếng, nhưng khi tăng thì âm thầm, không nhắn tin hay thông báo trước để khách hàng biết, dễ gây bức xúc cho khách hàng. Do đó, các ngân hàng cũng nên sòng phẳng, ít nhất khi điều chỉnh phí dịch vụ nào phải thông báo cho khách hàng biết, để khách hàng lựa chọn có tiếp tục sử dụng dịch vụ nữa hay không”.

Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, TS. Võ Trí Thành cho rằng phản ứng của khách hàng là dễ hiểu. Nhưng động thái điều chỉnh phí dịch vụ của ngân hàng cũng không có gì lạ. Theo ông Thành, có thể sự giải thích không kịp thời của ngân hàng khiến thị trường lùm xùm, phản ứng mạnh hơn, không phải là giá phí mà là cách giải trình. Khi có thông tin đầy đủ khách hàng sẽ nghiên cứu, xem xét động thái điều chỉnh trên có tác động nhiều đến “ví tiền” của khách hàng hay không.

Đối với ý kiến cho rằng ngân hàng dựa vào uy tín, lợi thế của mình để “ép” khách hàng thì ông Thành lại không nghĩ vậy. Trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng cạnh tranh khốc liệt như vậy chẳng ngân hàng nào lại đuổi khách đi bằng cách ấy.

 “Trong nguyên tắc kinh doanh khi muốn bán sản phẩm thì họ phải thăm dò thị trường. Thực tế thì mọi tính toán đo phản ứng thị trường nhiều khi cũng chỉ là tương đối. Và trong tài chính bên cạnh kỹ thuật, con số, vấn đề tâm lý rất khó đo lường. Nói chung, đối với vấn đề được cho là nhạy cảm như phí dịch vụ, khi có sự thay đổi các ngân hàng cần chuẩn bị nhiều yếu tố về thông tin minh bạch, giải trình nhanh, đầy đủ tới khách hàng”, ông Thành lý giải.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, xác định thu phí dịch vụ nào, ở mức bao nhiêu là quyền tự quyết của các tổ chức tín dụng đã được quy định tại Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng; Ngân hàng Nhà nước chỉ can thiệp, điều tiết loại, mức phí của các ngân hàng trong trường hợp có diễn biến bất thường ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước luôn thường xuyên theo dõi, tổng hợp biểu phí của các tổ chức tín dụng; lắng nghe những phản ánh của người dân, cơ quan báo chí để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh bất thường theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 91. Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng

1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Đọc thêm