Điều chuyển Vaccine đã phân bổ nếu chậm tiêm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các đơn vị, địa phương có tỷ lệ tiêm thấp so với từng đợt phân bổ vaccine thì Bộ Y tế sẽ chủ động điều chuyển vaccine Covid-19 cho các tỉnh, TP, đơn vị khác.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến ngày 31/7, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 6,2/10,7 triệu liều vaccine.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến ngày 31/7, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 6,2/10,7 triệu liều vaccine.

Tăng tốc tiêm vaccine

Đây là thông tin trong công văn khẩn của Bộ Y tế gửi Sở y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Cục Y tế (Bộ Công an), Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), các viện vệ sinh dịch tễ…đề nghị báo cáo tiến độ tiếp nhận, phân bổ và tiêm chủng vaccine COVID-19.

Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Tiểu ban tiêm chủng, đến ngày 31/7, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 6,2/10,7 triệu liều vaccine phân bổ từ đợt 1-13, chiếm tỷ lệ 58%. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương, đơn vị chậm trễ trong việc tổ chức tiếp nhận, phân bổ và triển khai tiêm vaccine Covid-19. Do đó, địa phương, đơn vị nào chậm trễ, Bộ Y tế sẽ chuyển cho địa phương khác.

Trong ngày 2/8, Việt Nam đã tiếp nhận thêm 1.188.000 liều vaccine COVID-19 từ Cơ chế COVAX, nâng tổng số vaccine hỗ trợ cho Việt Nam lên 8.681.300 liều. Lô vaccine Vaxzevria lần này (trước đây được gọi là vaccineCOVID-19 AstraZeneca) được vận chuyển từ cơ sở sản xuất của Laboratorio Univesal Farma, Tây Ban Nha. Ngoài ra, trong quý IV lượng vaccineCOVID-19 sẽ về nước dồn dập. Riêng vaccine Pfizer sẽ về Việt Nam khoảng 47-50 triệu liều. Tập đoàn Vingroup vừa đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt - 500.000 lọ Remdesivir, thuốc điều trị COVID-19 được FDA Mỹ cấp phép. Toàn bộ số thuốc sẽ được trao tặng cho Bộ Y tế ngay trong tháng 8/2021, nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân COVID-19…

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, vấn đề cấp bách hiện nay là tất cả địa phương tăng tốc độ tiêm chủng, yêu cầu triển khai tiêm tại các điểm, không giới hạn số lượng mũi mỗi buổi. Nếu thiếu nhà, các địa phương có thể dựng bạt, miễn là đảm bảo khoảng cách. Thời gian chờ đợi sau tiêm cũng sẽ do địa phương quyết định, không cứng nhắc để phù hợp tình hình thực tế. Các địa phương lưu ý cần phải huy động tổng lực, sàng lọc trước cho người đến tiêm, nhanh chóng rút kinh nghiệm triển khai các đợt tiếp. Thậm chí, các vùng phong tỏa càng phải tiêm nhanh…

“Không nên lựa chọn vaccine, có loại nào thì tiêm loại đó. Tất cả vaccine Bộ Y tế cấp phép sử dụng đều đã được WHO cấp phép và các nước khác cũng sử dụng, không phải vaccine này tiêm cho nhóm này, vaccine kia tiêm cho nhóm kia”, ông Long nêu rõ.

Về việc tiêm kết hợp hai loại vaccine, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tiêm mũi 1 AstraZeneca có thể tiêm mũi 2 Pfizer và ngược lại. Tuy nhiên, Moderna chưa được áp dụng biện pháp này do nhà tài trợ, cơ quan cung ứng không đồng ý. Vaccine Sinopharm, Sputnik V cũng chưa có hướng dẫn tiêm kết hợp.

Qua phản ánh cho thấy tại một số cơ sở tiêm chủng có hiện tượng người đến tiêm chủng “bồi dưỡng” tự nguyện cho các cơ sở tiêm chủng. Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có công văn yêu cầu các đơn vị được phân công triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tiếp tục tổ chức tiêm cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21 và Quyết định số 3355 của Bộ Y tế hoàn toàn miễn phí; không thu tiền; không nhận “bồi dưỡng” từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng.

Thành lập tổ điều phối oxy, máy thở điều trị COVID-19 toàn quốc

Cũng trong ngày 2/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định thành lập Tổ công tác điều phối máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 trên toàn quốc (Tổ điều phối).

Theo đó, nhiệm vụ của Tổ điều phối bao gồm: Rà soát thực trạng, cập nhật tình hình sử dụng oxy y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc; phối hợp với các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế để tổng hợp năng lực sản xuất oxy y tế của các cơ sở sản xuất, nhà cung cấp trên toàn quốc.

Tổ chức kết nối, trao đổi thông tin giữa các bệnh viện, cơ sở y tế với nhà sản xuất, nhà cung cấp oxy y tế để đáp ứng cung cấp oxy phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19 và cho công tác quản trị hệ thống.

Tổ công tác điều phối máy thở có nhiệm vụ rà soát thực trạng, cập nhật số lượng, chủng loại máy thở, máy thở oxy dòng cao HFNC tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc, tổng hợp nhu cầu sử dụng các loại máy thở, máy thở oxy dòng cao HFNC theo diễn biến dịch bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, điều phối (kể cả trưng dụng từ các cơ sở y tế) các loại máy thở, máy thở oxy dòng cao HFNC để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19…

Đọc thêm