Điều gì đang “kiềm chân” du lịch quốc tế tăng trưởng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ngành Du lịch Việt Nam đã mở cửa sớm với du lịch quốc tế, cố gắng tháo gỡ mọi rào cản cách ly, thúc đẩy xúc tiến thu hút các thị trường khách mới… nhưng lượng khách quốc tế đến nước ta vẫn chưa nhiều so với mục tiêu.
Cần tháo gỡ các “nút thắt” để du lịch quốc tế bứt phá trở lại.
Cần tháo gỡ các “nút thắt” để du lịch quốc tế bứt phá trở lại.

Du lịch quốc tế vẫn ảm đạm

Thời gian này rơi vào kỳ nghỉ đông của dòng khách Âu Mỹ. Mọi năm đây đều được xem là “mùa cao điểm” của du lịch quốc tế, nhưng đến nay đã gần hết năm mà vẫn chưa có tín hiệu hồi phục mạnh mẽ từ dòng khách này.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, Việt Nam đón 569.900 lượt khách quốc tế, tăng 23,2% so với tháng trước. Trong đó, thị trường châu Âu tăng trưởng rất tốt với mức tăng 48,2%, khách từ Pháp tăng tới 73,2%; Nga tăng 55,5%; Anh tăng 37,7%. Còn thị trường châu Mỹ tăng 22%. Tuy tỷ lệ tăng trưởng cho thấy sự tích cực, nhưng tính trên con số thực thì chưa có thị trường nào trong danh sách trên đạt tới 100.000 lượt khách tới Việt Nam.

Bên cạnh đó, các thị trường nguồn vùng Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới khoảng 80% khách quốc tế đến nước ta giai đoạn trước dịch, nhưng sau dịch lại chưa nhiều. Các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Đông do mới được triển khai xúc tiến, thu hút nên lượng khách còn hạn chế.

Nhìn chung cả năm 2022, ngành Du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế như: kiểm soát dịch và mở cửa từ khá sớm so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, là một trong những điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trên một số trang web về du lịch, đạt được nhiều giải thưởng về du lịch trên thế giới… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại khi chỉ còn dưới hai tuần nữa là hết năm, ước tính Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với mục tiêu “5 triệu khách quốc tế” đặt ra đầu năm, tổng thu từ khách quốc tế chỉ đạt khoảng 4,5 tỷ USD.

Chỉ so sánh trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia dù mở cửa sau nhưng đều chứng kiến số lượng khách quốc tế tăng vượt bậc, thậm chí vượt qua chỉ tiêu họ đặt ra. Đơn cử, Thái Lan đã đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, vượt mức 7,5 triệu đặt ra ban đầu, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế khoảng 14 tỉ USD, với phần lớn du khách từ Malaysia (trước dịch đây là thị trường rất lớn của Việt Nam) và Ấn Độ (đây là thị trường Việt Nam đang cố gắng thu hút). Ngành du lịch Malaysia ban đầu chỉ “dè dặt” đặt mục tiêu đón 2 triệu khách quốc tế nhưng số lượng khách quốc tế tăng vượt kỳ vọng, khiến họ 2 lần điều chỉnh mục tiêu này lên 4,5 triệu lượt và 9,2 triệu lượt khách quốc tế cả năm 2022.

Với những thực tế như vậy, ngành Du lịch Việt Nam chỉ nhận về vị trí cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19 mặc dù du lịch nội địa thu hút hơn 100 triệu lượt khách. Theo các chuyên gia du lịch đánh giá, khách du lịch trong nước tuy nhiều nhưng chi tiêu bình quân trên khách không cao, khó thể bù đắp được doanh thu thiếu hụt do ít khách quốc tế. Cụ thể, trước dịch COVID-19, tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 18,3 tỷ USD trong số 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra.

Đâu là “rào cản”?

Tại Hội nghị “Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không - du lịch” mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thị thực hiện tại là một trong những “rào cản” lớn với khách du lịch quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam miễn visa với công dân 25 nước. Trong danh sách này, chỉ Panama và Chile có số ngày lưu trú lên tới 90; các nước Thái Lan, Singapore, Lào, Malaysia, Indonesia, Kyrgyzstan được 30 ngày. Riêng các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Thụy Điển… chỉ được 15 ngày. Trong khi đó, Singapore miễn visa cho công dân của 158 nước, với Malaysia là 155 nước, với Thái Lan là 64 nước.

Bất cập trong chính sách visa không chỉ làm khó các công ty lữ hành quốc tế khi đón khách châu Âu phải hạn chế thời lượng tour, mà còn làm khó cả những khách du lịch quốc tế lẻ, đi du lịch theo kiểu tự túc. Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới nhận định, nếu Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn về visa thì khả năng cạnh tranh sẽ tăng đáng kể, kéo theo đó là có thể tăng thêm khoảng 10% lượt khách quốc tế mỗi năm.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, một trong các nguyên nhân lớn khác là các thị trường du khách mục tiêu của Việt Nam vẫn chưa mở cửa hoặc bị tác động mạnh bởi các yếu tố về dịch bệnh hay thay đổi địa chính trị, dẫn đến một “khoảng trống” lớn về du lịch quốc tế. Cụ thể, ước tính 65% thị trường đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc… gần như mất toàn bộ. Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang nhận định: “Nếu may mắn Trung Quốc mở cửa lại du lịch từ tháng 3/2023 thì phải tới mùa hè 2023, thị trường inbound mới lại có cơ hội khởi sắc”. Mặt khác, chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, kéo theo kinh tế toàn cầu căng thẳng, gây ảnh hưởng lớn đến thị trường khách Nga, châu Âu và Mỹ, đến nay vẫn chưa thấy nhiều cơ hội khởi sắc.

Nhưng thực tế trên đòi hỏi ngành Du lịch Việt Nam trong năm 2023 phải nhanh chóng tìm ra giải pháp tháo gỡ các “nút thắt” về chính sách thị thực hay tìm kiếm, thu hút những thị trường khách mới để phục hồi du lịch quốc tế. Theo nhiều đề xuất, bên cạnh việc mở rộng và nâng thời hạn miễn thị thực, cũng nên cân nhắc, xem xét việc áp dụng các thủ tục nhập cảnh điện tử, bỏ bảo hiểm COVID-19, tăng thêm ưu đãi, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp thu hút khách quốc tế,…