Điều hành, bình ổn giá sau Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không có sự biến động lớn về giá trước và trong Tết, song Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, theo quy luật giá cả thường có biến động tăng sau Tết, đặc biệt đối với các hàng hóa, dịch vụ phục vụ ăn uống, vui chơi, đi lại.
Mặt hàng rau xanh phong phú sau Tết. (Ảnh: TTXVN)
Mặt hàng rau xanh phong phú sau Tết. (Ảnh: TTXVN)

Thị trường Tết cơ bản bình ổn

Báo cáo về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước và trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Tài chính cho biết, nhờ có sự chủ động, tích cực trong chỉ đạo, điều hành, chuẩn bị tốt hàng hóa phục vụ Tết, đặc biệt làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá trên địa bàn địa phương, tình hình cung - cầu, giá cả thị trường cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát, nhất là trong bối cảnh người dân có xu hướng giảm tiêu dùng trong năm nay.

Bộ Tài chính đánh giá, nhìn chung giá cả thị trường Tết tại các địa phương có tăng giảm đan xen, nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Dự báo tình hình giá cả sau Tết, Bộ Tài chính cho biết, theo quy luật hàng năm, quý I trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, giá cả thường có biến động tăng vào trước và sau Tết (trong tháng Giêng là tháng lễ hội nên thường giá các hàng hóa, dịch vụ phục vụ ăn uống, vui chơi, đi lại sẽ tăng).

Tuy nhiên, một số mặt hàng thiết yếu thường nhích tăng trong các ngày Tết và sau đó dần giảm trở lại bình thường sau Tết. Tại một số tỉnh, thành phố lớn, nhiều siêu thị, cửa hàng mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu, nguồn cung hàng hóa không còn bị gián đoạn sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên giá cả dự kiến không có nhiều biến động.

Bước sang năm 2024, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá (ĐHG) là nhiệm vụ, thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và tốc độ phục hồi chậm, biến động địa chính trị gia tăng.

Cùng với đó, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua trong tháng 11/2023, trong đó tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân từ 4,0 - 4,5%.

Chủ động ứng phó thách thức trong điều hành giá

Tiếp tục phát huy các thành công những năm vừa qua trong công tác quản lý, ĐHG nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính cho biết sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo ĐHG và thực hiện theo thẩm quyền đồng bộ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý giá.

Bộ Tài chính và các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tập trung một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024. Trong đó, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản ĐHG phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá, đặc biệt trong các thời điểm có biến động giá như lễ, Tết, điều chỉnh chính sách tiền lương…; điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đặc biệt, chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản ĐHG các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ công và các mặt hàng do Nhà nước quản lý trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả.

Đối với các mặt hàng cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải…, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Đồng thời sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Đặc biệt, chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 bảo đảm thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, ĐHG; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác ĐHG của Chính phủ, Ban Chỉ đạo ĐHG, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và DN nhất là ngay từ thời điểm đầu năm trùng với thời điểm lễ, Tết.

Đọc thêm